Nuôi thú cưng trong văn phòng không những giảm stress mà còn nâng cao hiệu suất làm việc
Bạn đã từng nghe nói đến việc nuôi thú cưng trong văn phòng chưa? Có thể ở nước ta việc này vẫn chưa phổ biến và lạ lẫm với nhiều người, nhưng ở các nước trên thế giới thì đây không còn là điều kỳ lạ nữa. Theo các chuyên gia, nuôi thú cưng trong văn phòng không những làm tăng hiệu suất mà còn tạo ra một môi trường làm việc dễ chịu hơn cho mọi người trong công ty.
Theo khảo sát của Hiệp hội các hãng sản xuất sản phẩm cho vật nuôi Mỹ (APPMA), khoảng 20% các công ty tại nước này cho phép nhân viên mang vật nuôi đến nơi làm việc. Trong đó, có tới 76% là chó, mèo chiếm 15%, còn lại là các con vật nhỏ như chuột hay cá cảnh.
Nhiều công ty hàng đầu thế giới luôn mở rộng cửa chào đón các con vật nuôi xinh xắn
Ngoài Google, Amazon, Ben & Jerry’s – những công ty đã quá nổi tiếng với văn hóa công sở và chính sách thân thiện dành cho nhân viên, vẫn còn một số hãng khác có dịch vụ chăm sóc vật nuôi vô cùng chu đáo.
Điển hình như Tito’s Handmade Vodka thực hiện chương trình cứu trợ chó mèo với các nhân viên chăm sóc chúng như cha mẹ nuôi. Công ty phần mềm AnchorFree thậm chí có hẳn một chú sói nuôi trong trụ sở!
Một số con vật không chỉ thường xuyên lui tới văn phòng mà còn là những ‘ngôi sao’. Andrew Neil, dẫn chương trình của BBC luôn mang theo chú chó vàng Miss Molly trong những buổi phát sóng. Hình ảnh chú chó này nằm cuộn tròn trên lòng vị khách mời khi Neil đang phỏng vấn cũng chẳng còn xa lạ với khán giả xem đài nữa.
Lợi ích của việc nuôi thú cưng trong công ty
Ngày nay, việc sở hữu một thú cưng trong văn phòng dường như không còn là ý tưởng kỳ quặc nữa. Thực ra việc này còn mang đến khá nhiều lợi ích. Ví dụ, Đại học Virginia Commonwealth cũng tiến hành một nghiên cứu về những ảnh hưởng tâm sinh lý đối với nhân viên khi mang vật nuôi đến cơ quan. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những nhân viên không mang vật nuôi theo chịu nhiều stress hơn những người đưa vật nuôi đến nơi làm việc. Cụ thể, những người mang theo vật nuôi giảm 11% mức độ stress trong khi nhóm còn lại có mức stress tăng đến 70%.
“Rõ ràng khi bạn sở hữu một chú chó trong văn phòng thì điều đó sẽ có ảnh hưởng rất tốt đến môi trường làm việc. Khi vuốt ve chúng, thì không chỉ mức cortisol giảm mà cơ thể chúng ta còn sản xuất nhiều hormone oxytocin (hay còn được biết đến với tên gọi “hormone tình yêu”), khiến bạn cảm thấy thư giãn và hạnh phúc hơn”, Marie-José Enders, nhà nghiên cứu về mối quan hệ giữa động vật và con người tại trường Đại học Mở Hà Lan chia sẻ.
Bà cũng cho biết thêm: “Nếu sếp đang làm khó bạn, thì việc sở hữu một chú chó có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Bạn chỉ cần dành một chút không gian riêng cho mình và dắt chó đi dạo. Nuôi thú cưng tại nơi làm việc sẽ khiến mọi người có nhiều động lực, họ sẽ yêu thích công việc của mình sẽ cảm thấy ít căng thẳng hơn”.
Esther Jonker, chủ nhân của chú chó Joep – thuộc giống chó Labradoodle, cô cho biết mình đã cảm nhận được những hiệu quả tích cực mà vật nuôi mang lại trong văn phòng của công ty tiếp thị TVMC – nơi cô đang làm việc.
“Trong hai năm nay, ngày nào tôi cũng đều đưa Joep đến văn phòng. Điều đó đã khiến bầu không khí làm việc tăng lên đáng kể. Nếu tất cả chúng tôi đều mải mê chú tâm vào một điều gì đó, nó sẽ để ý và nhảy bật lên áp mũi vào bạn”.
“Chơi đùa với Joep rất tốt, nhất là khi công việc bận rộn. Tôi nghĩ rằng điều đó giúp chúng tôi làm việc tốt hơn, cô nói.
Joep cũng mang đến rất nhiều niềm vui cho khu văn phòng. “Nếu bạn đặt túi xách của mình trên sàn nhà và có đồ ăn bên trong, nó sẽ tìm cách lôi chúng ra ngoài, đôi khi nó còn lấy trộm đồ, sau đó lôi chồng giấy và mấy thứ linh tinh ra rồi chạy khắp khu văn phòng”.
Cô Myrthe Kusse, nhân viên công ty xuất bản Wallaart & Kusse ở Hà Lan cho biết, mỗi khi đi làm vào buổi sáng thì luôn có “ai đó” ở văn phòng chào hỏi cô – đó là một chú mèo mang tên Sammie.
Kusse giải thích: “Vài năm trước Sammie sống trong khu ký túc xá sinh viên, nhưng khi các sinh viên nơi đó rời đi thì nó cũng cần một chỗ ở mới. Tình cờ tôi biết một người đồng nghiệp muốn nuôi mèo, nhưng bạn gái anh ấy không đồng ý, vì thế chúng tôi quyết định mang bé mèo này tới văn phòng nuôi”.
“Chúng tôi thường cười đùa với nhau về Sammie. Bé mèo này sợ máy in và thích chui vào bất kỳ chiếc hộp nào mà nó có thể chui vừa. Nó cũng thường mang những mấy con chuột đến văn phòng, một số người không thích điều này lắm. Thật thú vị khi ngắm nhìn nó. Cùng nhau chăm sóc Sammie rất tốt đối với việc nâng cao tinh thần đồng đội”.
Lời khuyên để có một nơi làm việc thân thiện với vật nuôi
Tuy vật nuôi đem lại rất nhiều lợi ích, vẫn có những người cảm thấy chúng thật khó chịu và phiền toái. Do đó, Pratik Dholakiya, nhà đồng sáng lập của E2M đã đưa ra một số lời khuyên trong việc áp dụng chính sách cho phép mang vật nuôi đến nơi làm việc:
- Đặt ra những quy định rõ ràng về hành vi vật nuôi tại nơi làm.
- Đáp ứng những nhu cầu căn bản cho vật nuôi như nơi đi vệ sinh, vòi phun nước, dịch vụ chăm sóc thú cưng và tạo điều kiện cho nhân viên có thể đưa chúng đi dạo trong một khoảng thời gian nhất định.
- Tạo khu vực “cấm thú nuôi” cho những nhân viên bị dị ứng hoặc không thích có chó mèo bên cạnh.
Ngoài ra, có thể áp dụng những quy định khác tùy theo pháp luật nơi bạn sinh sống.
Thiện Thành biên dịch
Xem thêm: