Nếu bạn là một người nóng tính và thường xuyên lỡ tay đập nát thiết bị công nghệ của mình thì hãy tham khảo một vài sản phẩm trong bài test này.
Đôi khi chúng ta muốn ném hoặc đập nát chiếc điện thoại và laptop mình đang dùng bởi nó bất ngờ hết pin hoặc crash trong lúc quan trọng. Nhưng cần phải kiềm chế cơn giận nếu không chiếc điện thoại yêu dấu mà bạn dành dụm tiền bỗng chốc trở thành đống sắt vụn bởi một vài giây nóng giận. Tuy nhiên có những thiết bị chuyên dụng được thiết kế có thể chống chịu được mọi cú ném hoặc bất cứ thứ gì bạn dùng để đập.
Trang công nghệ Engadget đã thu thập một vài thiết bị chuyên dụng như vậy để thử nghiệm, lưu ý rằng đây không phải là những thiết bị chế tạo cho mục đích quân sự và chúng đang có mặt trên thị trường. Nếu bạn là người yêu công nghệ và luôn biết nâng niu những thiết bị cầm tay của mình thì hãy chuẩn bị tinh thần, đây là một cuộc tàn sát không thương tiếc!
Panasonic ToughBook CF-31 – giá khởi điểm 3.300 USD
Chiếc laptop cục mịch này nhẹ hơn chúng ta tưởng, trọng lượng của nó vào khoảng 3,6kg. Nhờ vào chứng chỉ độ bền của quân đội mà ToughBook CF-31 còn được trang bị cho mẫu xe tăng M1 Abrams của Mỹ. Nó có thế sống sót cho dù bị vứt xuống sông trong vài ngày, dưới trời mưa, bão cát và trong khoảng 60 đến 160 độ F.
Trong thử nghiệm này, ToughBook CF-31 được nhúng vào nước và vẫn hoạt động bình thường. Ngoài ra chiếc laptop này còn chịu được va đập khi rơi từ độ cao khoảng 2m. Các chuyên gia của Engadget liên tục thả rơi ToughBook CF-31 xuống từ một chiếc thang, và sau 10 lần thử nghiệm thì thiết bị này chỉ có một vài vết xước và móp nhỏ, hoạt động như chưa có gì xảy ra.
Casio G’zOne Commando – giá 200 USD kèm 2 năm hợp đồng
Casio G’zOne Commando đã từng được giới thiệu như một trong những chiếc điện thoại gan lỳ nhất trên thị trường. Đi kèm nó là một tá những chứng chỉ về độ bền, chống chịu va đập, nhiệt độ, nước, cát… Hơn nữa Commando cũng là chiếc điện thoại rất tốt nhờ trang bị bộ xử lý 800 Mhz, màn hình cảm ứng 3,6 inch và hệ điều hành Android 2.2. Thiết kế của Commando có thể nằm vừa trong lòng bàn tay hoặc túi quần, một chiếc smartphone cân bằng giữa độ bền và tính năng.
Nhiệt độ và cát không phải là vấn đề đối với Commando. Thử nghiệm này tập trung chủ yếu vào khả năng chống nước, va đập khi thả từ trên cao xuống hoặc bị ném. Commando được ném lên cao hơn đến chục lần so với chứng chỉ chịu độ cao 1,2m và thả tự do rơi xuống đất, kết quả là chiếc smartphone này vẫn y như mới. Trong thử nghiệm chống nước, Commando được thả vào bể cá nhiều lần nhưng nó vẫn hoạt động tốt. Nếu so sánh với Galaxy S II thì Commando là một thiết bị xấu và cục mịch, nhưng đây lại là thiết bị lý tưởng cho một vài người thường xuyên làm việc trong các môi trường khắc nghiệt.
Kodak PlaySport Zx5 – giá khởi điểm 180 USD
Nếu xét về những chứng chỉ, PlaySport có vẻ là thiết bị “ẻo lả” nhất trong cuộc thử nghiệm này. Các chuyên gia dự đoán nó sẽ sớm đầu hàng các bài tra tấn trên. Nhưng không, máy ảnh Kodak PlaySport Zx5 vượt qua tất cả các thử nghiệm mà vẫn hoạt động và trông như mới. Quăng quật, ném, nhúng nước đều không hề làm suy giảm khả năng quay video 1080p của thiết bị này. Thậm chí PlaySport có thể hoạt động sau khi được nhúng vào bể cá 2 tiếng đồng hồ. Tuy đắt hơn những thiết bị cùng hạng khác nhưng chất lượng video của Kodak PlaySport Zx5 không được tốt cho lắm và nếu ai không có ý định nhúng máy ảnh xuống nước thì không nên mua sản phẩm này.
ioSafe Rugged Portable – giá từ 149 USD đến 3.000 USD
Nếu nhìn vào thông số và những chứng chỉ mà ioSafe giành được thì nhiều người sẽ phải công nhận rằng đây là thiết bị gần như không thể phá hủy. Ổ cứng ioSafe trong thử nghiệm có giá 500 USD, 120GB SSD và vỏ bọc aluminum có thể chịu được độ sâu 3m dưới nước muối trong 3 ngày, rơi từ độ cao 6m và lực va đập lên đến… 1100kg.
Vì vậy các chuyên gia thử nghiệm đã quyết tâm tìm mọi cách để phá hủy thiết bị này. Họ thả ioSafe từ độ cao 6m nhiều lần, ném quanh phòng thí nghiệm nhưng ổ cứng bên trong không hề hấn gì. Tiếp theo là thử nghiệm đặt ioSafe lên gạch và lấy búa đập với lực cực mạnh nhưng ioSafe vẫn hoạt động tốt. Sau vài lần đập, ioSafe bị ném vào bể cá nhưng vẫn không có tác dụng. Phương pháp cuối cùng là dùng khoan để phá vỡ kế cấu của chiếc ổ cứng di động này. Một điều bất ngờ là chỉ một máy khoan 18 volt dùng cho gia đình cũng có thể làm thủng lớp vỏ của ioSafe, tuy dữ liệu bên trong bị phá hoại nhưng máy tính vẫn nhận dạng được ổ cứng. Có thể nói đây là một thiết bị siêu bền và dễ hiểu tại sao nhà sản xuất mạnh mồm tuyên bố đền bù 5000 USD nếu ioSafe Rugged Portable làm mất dữ liệu của bạn.
G-Form Extreme Sleeve – giá 80 USD
Chiếc bao đựng laptop này được làm từ chất liệu Poron XRD dùng để tạo đồ bảo hộ cho những người trượt skate hoặc đi xe đạp leo núi nhờ độ co giãn và chịu lực tốt. Lớp bọt bên trong vừa bền vừa dẻo có khả năng hấp thu lực rất tốt. Chiếc bao này được sản xuất để bảo vệ laptop khỏi những cú rơi chết người.
Một chiếc MacBook Pro 15 inch được đem ra làm vật thử nghiệm với Extreme Sleeve và quăng 10 lần từ độ cao khoảng 2m xuống. Kết quả cuối cùng MacBook Pro vẫn chạy tốt và chỉ có vài vết xước nhỏ. Tiếp theo là bài test với bóng bowling. Một quả bóng bowling nặng 10kg được thả từ độ cao 1m xuống iPad được bọc bởi Extreme Sleeve, tuy kết quả đã cho thấy ở ngay lần thả đầu tiên: màn hình bị nứt rất nhiều. Và lần thả thứ 2 thì iPad chính thức “tắt thở”. Những người thử nghiệm tiếp tục thả bóng vài lần và thậm chí dùng búa đập để rồi đưa ra kết luận cuối cùng: Extreme Sleeve có thể bảo vệ chiếc laptop của bạn khỏi những “tai nạn” tuột tay nhưng đừng coi nó là một chiếc bao không thể phá hủy.
Tổng kết
Sau khi kết thúc những bài thử nghiệm này, chúng ta có thể thấy rằng trên thị trường đang có một vài thiết bị cực kỳ bền. Chúng có thể đắt hơn nhưng sẽ có nhiều người sẵn sàng hy sinh tiền, tính gọn nhẹ và một vài Mhz để đổi lấy một thiết bị có thể đương đầu với biển, cát và những cục đá. Nhưng kết luận cuối cùng vẫn là: hãy nâng niu những thiết bị quý giá của mình một cách tốt nhất có thể.