Người có thể nhẫn ắt tránh được thị phi, tiêu diêu tự tại mà chẳng ưu sầu
Cuộc sống có rất nhiều người tính tình hung bạo, hở một chút là nổi giận, cũng có người nhún nhường nhẫn nại, trầm tĩnh đối đãi. Có thể thấy, nhẫn là chìa khóa để hóa giải mọi mâu thuẫn, là cảnh giới của người có tu dưỡng, có trí huệ.
Có thể có người nói, buồn vui nóng giận vốn là lẽ rất bình thường, trong cuộc sống tràn ngập mâu thuẫn này, ai mà chưa từng gặp phải những sự tình không như ý, chưa từng nộ khí xung thiên kia chứ? Thế nhưng, cơn nóng giận xuất hiện, bất luận là trên phương diện dưỡng sinh hay tu tâm dưỡng tính, đều là trăm phần hại mà không một phần lợi.
Người xưa nói: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Khi đứng trước một vấn đề nào đó hay trước mâu thuẫn, nếu như có thể dùng khoan dung đối đãi với người, nhẫn nhục không tranh biện, thì có thể rời xa thị phi, không ưu không sầu, tiêu diêu tự tại.
Trong “Luận Ngữ. Vệ Linh Công”, Khổng Tử viết: “Tiểu bất nhẫn, tắc loạn đại mưu”, ý rằng việc nhỏ không nhẫn được tất sẽ làm hỏng kế hoạch lớn. Trong “Sử Ký”, Tư Mã Thiên viết: “Tiểu bất nhẫn hại đại nghĩa”, ý nói việc nhỏ không nhẫn thì có hại tới đại nghĩa. Trong dân gian cũng có câu: “Nhẫn có thể sinh trăm phúc, cũng có thể đắc được ngàn cát tường”.
Trong “Bách nhẫn ca” đời Đường có viết: “Người nhân từ có thể nhẫn được điều khó nhẫn, bậc trí giả có thể nhẫn được chỗ không đáng nhẫn. Có nhẫn thì có thể đi khắp thiên hạ, kết giao được nhiều người. Chịu được đạm bạc có thể dưỡng thần, chịu được cơ hàn có thể lập chí, chịu được gian khổ có thể có tích lũy; tránh được hoang dâm sẽ không sinh bệnh tật”.
Lâm Tắc Từ là đại thần nhà Thanh, từng làm Tổng đốc ở Lưỡng Quảng, là nhân vật nổi bật trong Chiến tranh nha phiến. Có một lần khi xử lý công vụ, không kiềm chế được cơn giận dữ, ông đã đập vỡ một chén trà. Khi ngẩng đầu lên nhìn thấy hai chữ “Chế nộ” (ức chế cơn nóng giận phẫn nộ) mà chính mình treo ở trong nhà để tự nhắc nhở, Lâm Tắc Từ đã tự mình đi quét dọn chiếc chén bị vỡ đó để bày tỏ sự hối cải của mình.
Khi ở cùng người khác, nếu không phân biệt thị phi, hễ không hài lòng một chút là nổi giận, thì đây là một loại biểu hiện của người không có hàm dưỡng. Người nóng tính cần phải như Lâm Tắc Từ, phải tự mình lĩnh ngộ, tăng cường tu dưỡng, chú ý ước chế cơn nóng giận của mình, tâm bình khí hòa, dùng lý để phục người, không thể phóng túng ngọn lửa sân hận trong tâm, nếu không sẽ làm tổn thương người khác, cũng tổn hại chính mình.
Tu tâm trước hết cần tu đức, dưỡng thân trước tiên cần khắc chế nóng giận…
Trung y thời cổ đại đối với chữ “Nộ” (nóng giận, bực tức, phẫn nộ) đã có những phân tích và kiến giải rất sâu sắc. Trung y cho rằng, “Nộ” đều do khí sinh ra, khí và nộ là hai trạng thái song hành, phẫn nộ bất bình thì lửa giận sẽ bộc phát, nộ sẽ khiến “khí huyết hao tổn, hỏa khí bộc phát, tổn hại gan”. Trong thực tế cuộc sống, cũng có không ít người vì nộ khí xung thiên mà đã phải bỏ mình.
Ngạn ngữ có câu: “Một chén cơm không no nhưng một khẩu khí có thể khiến người ta bể bụng”. Rất nhiều người phát tiết bực bội đều bắt nguồn từ sự tham lam và tự tư, ở giữa xóm làng cãi lộn, giữa đường cái cũng cãi lộn, chỉ đơn giản là vì hơn thua một chút lợi nhỏ, hoặc chịu một ít tổn thất.
Trong cuộc sống hằng ngày, đôi khi có những sự việc khiến bạn thấy không hài lòng, sinh tâm oán hận, tức giận người khác. Khi đó, hãy thử nhìn sự việc ở một góc nhìn khác, có thể đem tức giận chuyển thành cảm kích, hóa nộ khí trở thành bình hòa, đạt đến cảnh giới tinh thần cao thượng.
Nên hiểu rằng, người làm tổn thương bạn thực ra là giúp bạn mạnh mẽ hơn; người làm bạn vấp ngã là người rèn luyện bạn khả năng chịu đựng thống khổ; người lừa dối bạn là người giúp bạn tăng thêm trí tuệ; người trách cứ mắng mỏ là người giúp bạn học cách nhẫn nại. Cảm kích hết thảy mọi thứ xuất hiện trong cuộc sống mình, bởi vì sự hiện hữu của chúng khiến cuộc đời của bạn muôn màu muôn vẻ.
Nếu làm được vậy, mọi chuyện hỉ nộ ái ố có lẽ đều chỉ như mây khói bay ngang qua, không cách nào đụng tới tâm can, làm xáo động tâm hồn bạn.
Tuệ Tâm biên dịch