Nghề vệ sĩ khác xa phim hành động
empty
Dù tất cả đặc vụ của Cơ quan Mật vụ Mỹ được đào tạo là phải sẵn sàng hứng đạn cho tổng thống, nhưng đến nay, mới chỉ có bốn người thực sự làm điều đó.
Tổng thống Ronald Reagan vẫy tay ngay trước khi bị bắn ở ngoài khách sạn tại Washington tháng 3/1981 (đặc vụ Timothy McCarthy ở ngoài cùng bên phải). Ảnh: Reagan Library. |
Xưa nay, vai trò của vệ sĩ thường bị nhiều người hiểu nhầm thông qua nhiều phim hành động Hollywood hay phim xã hội đen Hong Kong được kịch hoá cao độ. Vai trò của thật sự của vệ sĩ thực tế hơn nhiều, đời thường hơn nhiều.
Đi tới đi lui, “tay không bắt giặc”
Công việc chính mà vệ sĩ thường làm là lập kế hoạch đi lại cho thân chủ, xem xét phòng ốc, địa điểm trước khi thân chủ tới, điều tra thông tin về những người mà thân chủ sẽ gặp, khám xét phương tiện đi lại, và luôn theo sát thân chủ trong các hoạt động hằng ngày.
Timothy McCarthy (SN 1949), Giám đốc Sở Cảnh sát Orland Park, bang Illinois, từng là thành viên của Cơ quan Mật vụ Mỹ. Năm 1981, khi John Hinckley xả súng vào Tổng thống Ronald Reagan, ông McCarthy lấy thân mình hứng trọn 22 phát đạn. |
Vai trò của vệ sĩ còn phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm mà thân chủ của họ có thể đối mặt. Một vệ sĩ có nhiệm vụ bảo vệ thân chủ dễ bị ám sát sẽ phải làm nhiều việc, như kiểm tra xe cộ để phát hiện mìn tự chế, bom, quan sát để phát giác các tay súng bắn tỉa… Trong khi đó, vệ sĩ tháp tùng một người nổi tiếng thường phải tìm mọi cách giữ khoảng cách giữa thân chủ với những tay săn ảnh đeo bám dai dẳng, hung hăng. Một số vệ sĩ làm công việc bảo vệ con của những nhân vật quan trọng để tránh nguy cơ bị bắt cóc hoặc ám sát.
Đôi khi, vệ sĩ kiêm luôn công việc lái xe cho thân chủ. Nhưng một vệ sĩ như vậy không thể làm cả hai vai trò vì sẽ có nhiều lúc họ phải để xe không có người trông, trong lúc phải hộ tống thân chủ.
Trong trường hợp này, chiếc xe dễ bị cài mìn, thiết bị theo dõi, bị phá hoại hoặc bị khoá, bị đưa đi chỗ khác nếu đỗ sai chỗ. Nếu vậy, vệ sĩ và thân chủ sẽ không thể dùng xe để chạy thoát nếu gặp hiểm nguy.
Vệ sĩ kiêm lái xe phải được đào tạo nhiều kỹ năng lái xe khó, như chuyển hướng đột ngột trong phạm vi hẹp, lái tốc độ cao qua những đoạn cua gấp… Những nhân vật quan trọng thường sử dụng xe dòng sedan rộng, với tâm trọng lực thấp và động cơ khỏe, như xe BMW hay Mercedes Benz.
Tối thiểu loại xe họ sử dụng cũng phải có kính chống đạn, hoặc vỏ sắt để bảo vệ thân chủ khỏi trúng đạn khi đang di chuyển, bình bơm bọt, áo chống đạn, lốp xe an toàn (được thiết kế đặc biệt để khi thủng vẫn chạy được với tối độ lên tới 90km/h, đi được quãng đường 160km, thậm chí 320 km).
Tuỳ thuộc luật của từng nước cũng như cơ quan chủ quản, vệ sĩ có thể không được mang vũ khí, hoặc được mang vũ khí có độ sát thương thấp như dùi cui, bình xịt hơi cay hoặc súng bắn điện, hoặc được mang hàng nóng có thể gây tử vong như súng ngắn.
Một số vệ sĩ tháp tùng quan chức cao cấp của chính phủ hoặc những người hoạt động trong môi trường nguy hiểm như vùng chiến sự có thể được trang bị tiểu liên hoặc súng trường.
Ngoài những vũ khí này, đội vệ sĩ có thể được trang bị một số vũ khí chuyên dụng hơn để hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho thân chủ, như súng bắn tỉa, súng chống khí tài (để chống bắn tỉa), chống xe cộ…
Vệ sĩ bảo vệ yếu nhân có thể mặc áo giáp che thân như áo vest gốm hoặc Kevlar. Họ cũng có thể có thêm khiên chống đạn dưới dạng bìa kẹp hồ sơ hoặc cặp tài liệu. Những vật dụng trông rất tầm thường này kỳ thực được gia cố bằng sợi Kevlar, nên khi nguy cấp sẽ được vệ sĩ dùng để che chắn thân chủ.
Đối với cận vệ, chiến thuật hàng đầu để chống tấn công bắn tỉa là phòng thủ: tránh để thân chủ rơi vào tình huống dễ bị bắn. Vì thế, thân chủ thường di chuyển trong xe chống đạn hoặc cấu trúc được bảo đảm an toàn.
Vệ sĩ thường xuất thân từ lực lượng vũ trang, cảnh sát hoặc cơ quan an ninh, nhưng không bắt buộc. Ở một số nước, vệ sĩ bảo vệ nguyên thủ quốc gia phải kinh qua các chương trình đào tạo trong quân đội.
Kinh nghiệm về tuần tra đi bộ và hộ tống qua những khu vực đang có xung đột hoặc chiến sự như Afghanistan, Iraq, Bờ Tây… cùng một số khu vực tiềm ẩn hiểm nguy phi truyền thống cực kỳ được coi trọng và dễ vượt khỏi những kỹ năng mà vệ sĩ được đào tạo.
Vệ sĩ phải có thể trạng tốt, thính giác, thị giác tốt, và ăn mặc bảnh bao, đặc biệt là đối với những người hộ tống quan chức cấp cao. Tại Anh, vệ sĩ bắt buộc phải có bằng lái và cơ quan chức năng lưu giữ hồ sơ hình sự và nhân dạng của họ.
Vệ sĩ cần cực kỳ tinh mắt và tập trung cao độ vào công việc, ngay cả những lúc mệt mỏi. Họ cũng cần có kỹ năng phối hợp với nhóm để cùng thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc hoạt động độc lập, thích nghi và phản ứng thích hợp trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Họ cần phải bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng và nhạy bén trong các tình thế nhạy cảm. Họ cũng cần kỹ năng giao tiếp tốt, hành xử chín chắn, kín miệng vì họ biết rất nhiều về đời tư thân chủ.
Những tổ chức nổi tiếng
Tại những nước mà nguyên thủ quốc gia là người đứng đầu quân đội hoặc độc tài, vệ sĩ của các nhân vật này cũng là thành viên của đơn vị quân sự đặc biệt.
Đó là trường hợp Somatophylakes ở Mecedon, Schutzstaffel tại Đức thời kỳ phát xít, lực lượng vệ binh cộng hoà đặc biệt trước đây ở Iraq, vệ sĩ của hoàng đế La Mã, lực lượng bảo vệ của Đế chế Byzantine…
Tại Ấn Độ, những chính khách quan trọng được bảo vệ bởi Lực lượng bảo vệ an ninh quốc gia thuộc Bộ Nội vụ.
Nhiệm vụ bảo vệ thủ tướng và một số yếu nhân khác được giao cho Nhóm Bảo vệ đặc biệt (SPG).
SPG là đơn bị chuyên trách được thành lập để bảo vệ thủ tướng và người thân, sau khi nữ Thủ tướng Indira Gandhi bị ám sát năm 1984.
Các thủ tướng cũng được SPG bảo vệ thêm 5 năm sau khi thôi chức. Những quan chức cấp thấp hơn được cảnh sát thủ đô và các lực lượng cảnh sát bang bảo vệ.
Tại Pakistan, tổng thống và thủ tướng được bảo vệ sát sao bởi các nhóm cận vệ thuộc đơn vị đặc biệt SSG của quân đội. Tại Mỹ, Cơ quan Mật vụ chịu trách nhiệm bảo vệ tổng thống và các yếu nhân khác.
Theo Gia Tùng
Tiền Phong
(dantri.com.vn)