Cưỡi dù lượn đi làm để tránh tắc đường
Một số nhân viên văn phòng ở Hồ Nam, Trung Quốc đã tìm ra một biện pháp độc đáo để
đối phó với tình trạng ách tắc giao thông.
:
Zeng Daxia chỉ mất vài phút đi từ nhà tới văn phòng nhờ bay ngang qua sông Xiangjiang, (Ảnh: China Daily) |
Thay vì mất 3 giờ ngồi trên một xe hơi di chuyển trong thành phố Chu
Châu, tỉnh Hồ Nam, Zeng Daxia đã học cách điều khiển dù lượn để có thể vi vu bên
trên những con phố đông nghẹt.
Người đàn ông 42 tuổi này thường được nhìn thấy đang bay qua sông Xiangjiang
trong lúc dòng xe hối hả chen nhau qua cầu vào mỗi buổi sáng.
“Tôi làm việc và sống ở hai đầu thành phố, vì thế tôi thường mất nhiều thời
gian vì tắc đường mỗi ngày,” Zeng giải thích.
Zeng cũng là huấn luyện viên của Câu lạc bộ Dù lượn Chu Châu, nơi có hơn 10
thành viên (từ 30-50 tuổi) tới từ các ngành nghề khác nhau đăng ký gia nhập.
“Bây giờ tôi có thể đi ở bên trên và tới công sở trong vòng vài phút. Hiện có
một vài người cũng làm như tôi bởi giao thông ở đây quá tồi tệ,” anh nói thêm.
Theo quy định của cơ quan hàng không địa phương, những chiếc dù lượn có gắn
động cơ được sử dụng một cách hợp pháp miễn là không bay vào căn cứ không quân
và giữ ở độ cao dưới 1.000m.
“Nghe có vẻ tàn nhẫn nhưng tôi thích bay thấp – chỉ vì tôi muốn nhìn sự thất
vọng trên gương mặt của các lái xe,” Zeng đùa.
Thỉnh thoảng Zeng và các thành viên trong câu lạc bộ dù lượn gặp gỡ nhau và chia sẻ những kinh nghiệm thú vị. (Ảnh: China Daily) |
Trong khi dù lượn vẫn còn là một môn thể thao xa xỉ, Zhong Bo, một huấn luyện
viên khác của câu lạc bộ, cho biết một chiếc dù như vậy có giá lên tới 30.000
NDT (4.800 USD).
“10 lít xăng 93 chỉ đủ cho 3 giờ bay và một chuyến đi vòng quanh Chu Châu –
Trường Sa, thủ phủ Hồ Nam (gần 132km)”, Zhong nói đồng thời cho biết giá một lít
xăng 93 ở Hồ Nam là 7,67 NDT.
8 thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên dùng tàu lượn để đi làm hàng ngày.
Thỉnh thoảng các thành viên cũng cùng nhau bay và chia sẻ với nhau những kinh
nghiệm thú vị.
“Chúng tôi không đơn thuần chỉ là những tay chơi dù lượn nghiệp dư mà còn là
người thúc đẩy môn thể thao này. Điều kiện ở Chu Châu rất thích hợp với dù lượn
và trong tương lai nó có thể được phát triển thành ngành du lịch tại thành phố
này,” Zeng bày tỏ về mong muốn của mình.
Sầm Hoa (Theo China Daily/Or)
(vietnamnet.vn)