Cuộn giấy “vợ của Chúa” chi chít lỗi
Việc lặp lại một lỗi ngữ pháp y như trong bản dịch online của Kinh Thomas có thể tố cáo tài liệu này chỉ là đồ giả.
Mảnh giấy cói gây tranh cãi khắp thế giới về “vợ của Chúa” |
Các học giả vừa phát hiện mảnh giấy cổ có nhắc đến vợ của Chúa Jesus do một nhà nghiên cứu Đại học Harvard công bố mới đây mắc phải một lỗi y hệt như trong bản dịch online của Kinh Thomas. Đây là một bằng chứng giàu sức thuyết phục cho thấy tài liệu này chỉ là đồ giả.
Nhưng nếu văn bản này thực sự là giả thì đây sẽ là một truyền thuyết cực kỳ thú vị về việc một kẻ ngoại đạo không có kiến thức về tử ngữ có thể dễ dàng đánh lừa một số chuyên gia hàng đầu thế giới, chỉ bằng cách sử dụng công cụ phiên dịch trực tuyến. Mặt khác, câu chuyện cũng cho thấy các học giả còn lại đã hợp sức hiệu quả thế nào trong việc nhanh chóng điều tra ra chân tướng.
Mọi sự tranh cãi bắt đầu từ một dòng chữ có nội dung “Đức Chúa nói với họ, “Vợ của ta….” trên mảnh giấy cói có kích cỡ chỉ bằng tấm danh thiếp. Nhiều học giả hoài nghi từ đầu rằng đây chỉ là tài liệu giả mạo, dù người công bố nó là nhà sử học Karen King của Đại học Harvard. Sự nghi ngờ này đã nhanh chóng phát triển thành những giả thiết vững chắc khi họ trao đổi, thảo luận với nhau thông qua các bài post trên blog và Facebook.
Một trong những ý kiến thuyết phục nhất đến từ Andrew Bernhard, tác giả cuốn sách “Các Kinh thánh đầu tiên khác”. Ông đã công bố một tài liệu trên mạng hồi tuần trước chỉ ra những điểm tương đồng giữa Kinh về Vợ của Chúa với Kinh Coptic của thánh Thomas – trong số đó có cả các lỗi sai về ngữ pháp và sự gãy câu mà người ta chỉ có thể tìm thấy khi dịch trực tuyến Kênh Thomas theo kiểu word-by-word.
“Việc một kẻ làm giả có thể tạo ra tài liệu này bằng một công cụ quá ư đơn giản, có đầy trên mạng Internet thật là khó tin. Nhưng cũng khó tin không kém khi các học giả chộp ngay lấy nó và cặm cụi phân tích văn bản”, Berhard bình luận.
Tất cả những điểm dị thường về mặt ngữ pháp trong Kinh vợ của Chúa đều gợi ý rằng tác giả không phải là người nói tiếng Coptic mẹ đẻ, hoặc chí ít cũng không phải là chuyên gia về thứ tiếng này. Đây vốn là một tử ngữ cổ xưa của những người Thiên chúa giáo thời kỳ đầu sống ở Ai Cập. Thay vào đó, Bernhard cho rằng một kẻ amateur đã chắp nối các từ và cụm từ riêng rẽ được lấy từ bản dịch Anh – Coptic của Michael Grondin về Kinh thánh Thomas để tạo nên văn bản giả mạo này.
Tuy vậy, các học giả vẫn cẩn thận kết luận rằng bằng chứng cuối cùng chứng tỏ đây là đồ giả phải do thí nghiệm kiểm định hóa học của Đại học Harvard đưa ra (sau khi kiểm tra mực và chất liệu giấy).
Y Lam
(vietnamnet.vn)