“Cuộc chiến” Kung fu Panda ở Trung Quốc
TT – Ra mắt ở Trung Quốc trước ngày 1-6, bộ phim Kung fu Panda phần 2 đang vấp phải những lời kêu gọi tẩy chay tại đây.
Gấu trúc Po (giữa) trong phim Kung fu Panda 2 – Ảnh: imdb |
Một số nghệ sĩ và học giả Trung Quốc cho rằng bộ phim đã bóp méo văn hóa Trung Hoa và là công cụ để “bắt cóc” tâm trí của người Trung Quốc. “Ðừng biến Ngày quốc tế thiếu nhi thành ngày kiếm tiền cho Hollywood, đừng làm ngu ngốc thế hệ tiếp theo của chúng ta bằng món ăn nhanh của Mỹ” – bức thư ngỏ gửi tới các chủ rạp chiếu của Trung Quốc do nghệ sĩ tiên phong Zhao Bandi viết, hi vọng tẩy chay “bộ phim Mỹ hóa”.
Trong hai tuần qua, Zhao đã sử dụng tiền túi của mình để đăng tải ý kiến trên các tờ báo ở Bắc Kinh và Quảng Châu, hô hào người Trung Quốc không xem bộ phim. “Ðây là một cuộc chiến” – ông nói. Năm 2008, Zhao cũng khởi động chiến dịch tương tự đòi tẩy chay phần 1 của bộ phim Kung fu Panda, dù sau đó bộ phim này mang về số tiền bán vé kỷ lục dành cho phim hoạt hình ở Trung Quốc: 180 triệu NDT (27,7 triệu USD).
Việc làm của Zhao được Kong Qingdong – một giáo sư nổi tiếng về ngôn ngữ tại ÐH Bắc Kinh – ủng hộ. Ông cho rằng văn hóa Trung Quốc đã trở thành sản phẩm quảng cáo để quảng bá văn hóa Mỹ. “Ðây là cuộc xâm lược văn hóa” – ông Kong nói.
Trong bộ phim, chú gấu trúc – con vật mà chỉ Trung Quốc mới có – tên Po có những tính cách như nói nhiều, hài hước, đáng yêu, ngây thơ được tin là một nhân vật Mỹ điển hình. Tuy nhiên, hàng triệu người Trung Quốc đang hâm mộ chú. Trên website weibo.com, bình luận về bộ phim đã đạt tới con số 270 triệu lượt.
Hầu hết các câu hỏi là: Vì sao chúng ta không thể tự làm ra những bộ phim tuyệt vời như vậy? “Tôi không coi đó là xâm lược văn hóa – Li Jiayi, một sinh viên Bắc Kinh, nói – Tôi không thấy gì sai nếu những người khác sử dụng các yếu tố văn hóa của chúng tôi để làm phim”. Trong khi đó, Yuan Weili – một cô gái 25 tuổi từ Thạch Gia Trang, Hà Bắc – cho biết cô đã đợi ba năm để xem phần tiếp theo.
Cao Hui – phó tổng giám đốc Công ty giải trí Global Digital Creations ở Thâm Quyến – nói thay vì “tẩy chay”, các nhà làm phim nên học hỏi để làm những bộ phim hay hơn khi sử dụng các câu chuyện và yếu tố văn hóa Trung Quốc, đặc biệt về kỹ năng kể chuyện.
H.N. (Theo China Daily)