Quy định và bikini
Để thay đổi diện mạo và thói quen của một thành phố, thể hiện tầm nhìn của thành phố trong việc xây dựng những phong cách sống mới, hiện đại hơn, thu hút hơn trong giai đoạn hội nhập, lãnh đạo cần có nhiều hơn chỉ là những ý tưởng và quy định.
Thanh Hương
Mấy ngày trước, dư luận Đà Nẵng xôn xao chuyện lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng đề nghị chính quyền thành phố ban hành quy định người dân đi tắm biển phải mặc bikini, từ phản ánh của du khách khi thấy người dân đi tắm biển mặc đồ bộ, đồ ngủ… gây mất mỹ quan bãi biển. Đà Nẵng, thành phố gần như bao quanh bởi những bờ biển tuyệt đẹp, từ sáng sớm đến chiều tối, nhất là mùa hè, người dân đổ ra bờ biển tấp nập. Đi bộ có, đi xe máy cả nhà chở nhau có, già trẻ lớn bé thường là mặc quần short áo thun hay bất cứ áo quần thông thường nào, gửi tạm xe rồi xuống tắm biển, rồi lên bờ chạy nhảy chơi banh đánh cầu lông… rồi để nguyên áo quần thế đi ăn sáng, uống cà phê, đi chợ luôn… thật là tiện lợi. Những hình ảnh đó cũng tạo nên một nét gì rất riêng của một thành phố biển khỏe khoắn, năng động, đầy sức sống. Thế nên người dân phản đối ý định “quy định” của ông lãnh đạo sở cũng phải, với rất nhiều lý do: mặc gì là quyền con người; có những người trẻ đẹp mặc bikini được, nhiều người không tự tin thì sao; và cả lý do phụ nữ ở Đà Nẵng, cũng như phụ nữ miền Trung còn nhiều e lệ, chưa phù hợp với bikini… Lý do nào cũng rất xác đáng. Chưa kể, của đáng tội, các quan chức cũng hay nổi hứng ra nhiều cái lệnh quy định cái này, cấm cái kia… vô lý quá, khiến dân có thói quen cứ thấy quy định gì hơi lạ chút là… phản đối cái đã. Nhưng nghĩ kỹ, ý kiến của du khách mà vị lãnh đạo đưa ra cũng có lý của họ. Ở góc độ nhìn biển như cảnh quan thiên nhiên và khu vực công cộng, cảnh người đi tắm biển với đủ loại áo quần lùng nhùng, nhất là đồ mặc nhà, đồ ngủ, kể cả áo thun cũng… mất mỹ quan và không phù hợp thật. Mà có vị lãnh đạo ngành du lịch biết tiếp thu ý kiến của khách hàng (du khách), biết hướng tới thay đổi để địa phương trở nên đẹp hơn, hấp dẫn hơn… là đáng hoan nghênh chứ. Trong nhiều ý kiến phản hồi, cũng có những ý kiến cho rằng không phải nên mặc bikini, mà là mặc “đồ tắm, đồ bơi”. Đồ bơi thì đa dạng, bikini (hai mảnh) có, một mảnh có, đủ kiểu dành cho đủ nhu cầu hình thể, cho nam cũng như nữ, như thế giải quyết được cái “vướng” chuyện bikini không phải ai cũng mặc được (hay muốn mặc), hay hở hang quá. Vấn đề là làm sao thay đổi một thói quen và hành vi của cả cộng đồng đã hình thành trong một thời gian dài. Mặc bikini chưa từng là “truyền thống” của người dân ở đây, thậm chí có người muốn mặc bikini thật, thấy xung quanh ai cũng mặc thế, đành làm theo vì chẳng dám khác người. Mà đây cũng không phải chuyện vi phạm pháp luật để mà cấm, cũng chẳng phải nguy hiểm tính mạng để mà quy định (như quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy). “Quy định bikini”, nếu không bị phản đối, cũng có nguy cơ khiến người dân bất bình và e ngại ra biển. Trong khi việc già trẻ lớn bé ai cũng ra biển bơi và sinh hoạt là đặc thù của thành phố này, là điều đáng khuyến khích chứ, như thế dân sẽ khỏe mạnh hơn, người dân hưởng lợi nhiều hơn từ tài sản công cộng, họ cũng vì thế yêu quý thành phố của mình hơn. Nhưng người dân có tầm nhìn của họ về những lợi ích và sự thuận tiện của mình, còn lãnh đạo có tầm nhìn khác về lợi ích lớn hơn của cộng đồng, vậy họ mới đóng thuế để nuôi một bộ máy lãnh đạo chứ. Nhưng để có một thay đổi cho diện mạo và thói quen của một thành phố, thể hiện tầm nhìn của thành phố trong việc xây dựng những phong cách sống mới, hiện đại hơn, thu hút hơn trong giai đoạn hội nhập, lãnh đạo cần có nhiều hơn là những ý tưởng và quy định. Ở Mỹ, trong những thời điểm cúm gà, hay có tin đồn thất thiệt về an toàn thực phẩm, các tổng thống, nghị sĩ khi tuyên truyền người dân cứ yên tâm ăn gà còn lên truyền hình ăn thịt gà cho người dân làm theo. Tháng 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Obama khi thuyết phục người dân ăn thịt không chứa kháng sinh và chất tăng trưởng, cũng cho biết đã yêu cầu các bếp ăn của chính phủ, của Nhà Trắng và gia đình mình chỉ dùng thịt và các sản phẩm từ thịt không có kháng sinh. Ở Thái Lan, các cơ quan muốn người dân trồng và ăn những loại rau củ thực phẩm nào đó để bổ sung vi chất đã nhờ công chúa Thái Lan tuyên truyền và thuyết phục người dân. Bởi ở nước này, công chúa hay người của hoàng tộc rất được dân chúng yêu mến và kính trọng. Đó là vì các vị lãnh đạo này hiểu rõ người dân có những hành vi, thói quen, có nỗi lo sợ của họ, và những điều này không dễ thay đổi bằng “quy định”. Họ thuyết phục và làm gương cho người dân. Giống như những chiến dịch “tiếp thị xã hội” bài bản và lâu dài. Chứ không phải muốn là “quy định” là xong. Thế nên mong vị lãnh đạo du lịch Đà Nẵng, (ngoài việc đưa ý tưởng chính xác hơn như có gợi ý – là quy định đồ bơi, đồ tắm chứ không phải bikini) nghĩ ra cái gì hấp dẫn và thuyết phục hơn. Như ông và cả gia đình ông sẽ mặc bikini hay đồ bơi ra biển thuyết phục người dân (chắc chắn sẽ gây chú ý hơn là hình ảnh ông mặc comple và cà vạt phát biểu về quy định mới). Như xây dựng một chiến dịch để người dân yêu Đà Nẵng có thiện cảm với ý tưởng mới, hiểu mình cần bớt chút thuận tiện để thành phố mình đẹp hơn, lịch sự hơn trong mắt du khách ra sao, từ đó mới ủng hộ và thay đổi… Rộng ra, chẳng phải chuyện bikini, rất cần các vị lãnh đạo thoát khỏi tư duy “quy định”, cần họ có tầm nhìn và biết lắng nghe, biết thuyết phục người dân. Biết làm cho họ cùng nhìn thấy những vấn đề của một thành phố hay đất nước và ủng hộ những ý tưởng của mình. |
Theo Saigon Times