Ngày 14/7, tàu không gian New Horizons (Chân trời mới) của NASA đã trở thành thiết bị đầu tiên của con người tới gần và ghi hình Pluto, hay còn gọi là Diêm Vương tinh, tàu còn đo và cho biết kích thước của hành tinh lùn này lớn hơn dự đoán.
Theo phép đo được thực hiện bởi New Horizons, Pluto, thiên thể từng là hành tinh thứ 9 của hệ Mặt Trời, có đường kính là 2.370km, tức là bằng khoảng 2/3 kích thước Mặt Trăng của chúng ta.
Alan Stern, nhà khoa học đứng đầu dự án trị giá 700 triệu USD này cho biết, kích thước này lớn hơn một chút so với tính toán trước đây là 2.306km, điều đó có nghĩa là Pluto phải có nhiều băng trên bề mặt và ít đá ở phía dưới hơn. Thiên thể này trước đây được đo một cách khó khăn khi sử dụng bất cứ thiết bị nào tại Trái Đất vì nó ở quá xa và khí quyển của nó gây ra các ảo ảnh có thể làm sai lệch các quan sát của kính thiên văn mặt đất.
Các thiết bị của New Horizons xác định rằng có một chỏm băng ở cực Bắc của Pluto. Thông tin mới nhất được gửi về Trái Đất cho thấy, có dấu hiệu hóa học của metan và ni-tơ ở chỏm băng này.
Một hình ảnh được New Horizons chụp vào tuần trước cho thấy, thiên thể này có hình một trái tim lớn trên bề mặt, những hình ảnh tiếp theo gần đây đã cho biết đó là những vách đá, miệng núi và vực sâu với kích thước lớn hơn Grand Canyon.
Thời điểm lịch sử của New Horizons là khi nó lướt qua Pluto lúc 18 giờ 49 phút ngày 14/7 (giờ Việt Nam). Tuy nhiên, các nhà khoa học cần đợi tới 8 giờ sáng 15/7 để xác nhận tín hiệu nó truyền về Trái Đất.
Tiếp theo, New Horizons sẽ kiểm tra giả thuyết rằng dưới lớp băng của hành tinh lùn này là đại dương.
New Horizons rời Trái đất vào tháng 1/2006. Nhiệm vụ chính của chuyến thám hiểm là nghiên cứu Pluto và vệ tinh Charon của nó, sau đó có thể trạm sẽ đi theo hướng vành đai Kuiper.