8 nhân vật truyền kỳ với những dự ngôn chuẩn xác phi thường
Lịch sử 5000 năm của Trung Hoa từng xuất hiện rất nhiều những bậc thánh hiền, những kẻ sĩ có khả năng đặc biệt, không chỉ có tài trí hơn người mà còn có những lời tiên đoán trứ danh, mỗi lời tiên đoán của họ đều lần lượt trở thành sự thực trong lịch sử.
1. “Thiêu Bính Ca” của Lưu Bá Ôn
Buổi sáng một ngày năm 1368, Chu Nguyên Chương đang ăn cơm, trong đó có món bánh nướng rất phổ biến. Vừa cắn một miếng thì thái giám truyền báo có Lưu Bá Ôn cầu kiến. Chu Nguyên Chương đột nhiên nhớ đến Lưu Bá Ôn đã trợ giúp mình giành thiên hạ, chế định sách lược, dùng binh như thần. Cho nên đã nảy sinh ý định thử Lưu Bá Ôn một chút.
Thế là, Chu Nguyên Chương cắn một miếng bánh nướng rồi giấu ở dưới bát, sau đó mới truyền mời Lưu Bá Ôn vào. Sau khi Lưu Bá Ôn đã ngồi vào chỗ, Chu Nguyên Chương mới hỏi rằng: “Tiên sinh thâm hiểu lý số, vậy có thể biết ở trong bát của ta có vật gì không?”.
Lưu Bá Ôn bấm tay tính toán một lúc, rồi nói: “Nửa tựa mặt trời nửa mặt trăng, vừa bị Kim Long cắn một miếng, là cái bánh nướng”.
Chu Nguyên Chương thán phục, liền hỏi tiếp: “Việc trong thiên hạ sẽ ra sao? Thiên hạ nhà Chu có được lâu dài hay không?”.
Lưu Bá Ôn đáp: “Số trời mênh mông, ta là chủ vạn con vạn cháu, hà tất phải hỏi”. Lời tiên đoán này có ý rằng: Giang sơn triều Minh sẽ truyền tới Hoàng đế Sùng Trinh, tức Vạn Lịch Hoàng đế rồi dừng.
Điều khiến mọi người kinh ngạc là tất cả những lời tiên đoán của Lưu Bá Ôn liên quan đến giang sơn khi ấy, từng lời từng lời đều chuẩn xác với thực tế xảy ra sau này.
2. Quỷ Cốc Tử dùng hoa để đoán sự nghiệp của Tôn Tẫn và Bàng Quyên
Quỷ Cốc Tử là người sáng lập của Tung Hoành Gia (1 trong 9 dòng phái học thuật – Cửu Lưu). Tôn Tẫn và Bàng Quyên là hai đệ tử đắc ý của ông. Theo sử sách ghi lại, ông là người có bản lĩnh thông thiên triệt địa, giỏi về toán học, chiêm tinh học. Ông còn giỏi về bày binh trận, biến hóa vô cùng, quỷ thần đều khó dự liệu. Ông có khả năng nhớ nhiều biết rộng.
Một lần, Quỷ Cốc Tử bảo Bàng Quyên đi ra ngoài hái một bông hoa về để ông đoán vận mệnh cho. Bàng Quyên đi ra ngoài không thấy loại hoa nào khác ngoài cây Mã Đâu Linh, thế là đành nhổ cả gốc mang về. Quỷ Cốc Tử dựa vào tập tính của loại cây này mà dự đoán ra ngày Bàng Quyên làm thành đại sự. Đồng thời, ông căn cứ địa điểm mà Bàng Quyên nhổ loại cây này là ở Quỷ Cốc, gặp mặt trời mà héo nên đã kết luận nơi mà Bàng Quyên giành được vẻ vang nhất định là ở nước Ngụy.
Quỷ Cốc Tử lại căn cứ vào bông hoa Hoàng cúc mà Tôn Tẫn hái về rồi đoán: “Bông hoa này bị bẻ gãy, không hoàn hảo nhưng lại có tính chịu được rét, trải qua sương giá mà không bị hủy hoại, mặc dù có tàn sát nhưng không phải là đại hung. Lúc cắm trong bình lại được mọi người yêu quý, mà cái bình là do vàng đúc thành, thuộc loại chung đỉnh, chắc rồi sẽ có tiếng tăm lừng lẫy. Nhưng loại hoa này phải trải qua cất nhắc, cuối cùng rồi mới cắm vào bình nên e là nhất thời không thể đắc ý. Thành công của ngươi vẫn là ở quê hương”.
Không lâu sau thì những dự ngôn này của Quỷ Cốc Tử từng cái từng cái đều ứng nghiệm chuẩn xác. Người ta cho rằng, khả năng của Quỷ Cốc Tử là được lập trên cơ sở học rộng tài cao của ông.
3. “Mã Tiền Khóa” của Gia Cát Lượng
“Mã Tiền Khóa” là dự ngôn do Thừa tướng Gia Cát Lượng nhà Thục Hán thời Tam Quốc sáng tác. Nhắc đến Gia Cát Lượng, tại Trung Quốc có thể nói hầu như người người đều biết, nhưng lại không có nhiều người biết về “Mã Tiền Khóa”. Tương truyền rằng, vào lúc nhàn hạ trong quân ngũ, Gia Cát Lượng đã sáng tác “Mã Tiền Khóa”. Đây là tiên tri dự đoán những việc lớn sắp xảy ra trong thiên hạ. Dự ngôn tổng cộng có 14 khóa, trong đó 10 khóa đã được giải, 4 khóa còn lại vẫn là điều mà các bậc sĩ đang tìm hiểu.
Có thể nói, “Mã Tiền Khóa”của Gia Cát Lượng tương đối dễ giải hơn so với những dự ngôn khác xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc. Bởi vì nó vô cùng quy tắc, mỗi một khóa tiên đoán về một triều đại, miêu tả thuận theo diễn biến của lịch sử. Còn các dự ngôn khác, hầu hết đều không có quy tắc rõ ràng, có khi tiên đoán rất nhiều đại sự về một triều đại nhưng có triều đại lại rất ít đại sự, do đó không dễ để xem lời dự ngôn đối ứng với triều đại nào.
“Mã Tiền Khóa” tổng cộng bao gồm 14 khóa. 10 khóa đầu bắt đầu từ thời Thục Hán kéo dài đến thời Trung Hoa Dân Quốc ra đời, vô cùng chuẩn xác. Trong khóa thứ nhất của “Mã Tiền Khóa”, Gia Cát Lượng nói “Vô lực hồi thiên, Cúc cung tận tụy, Âm cư Dương phất, Bát thiên nữ quỷ”. Trong “Xuất Sư Biểu” ông cũng có nói qua: “Thần cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi“.
8 chữ này chính là Gia Cát Lượng tự miêu tả về mình. Bởi vì ông biết giang sơn nhà Hán khí số đã tận, không ai có thể cứu vãn được nữa. 2 câu sau “Âm cư Dương phất, Bát thiên nữ quỷ”.“Bát thiên nữ quỷ” ở đây là đố chữ, chữ “Bát” (八) thêm chữ “thiên” (千) và thêm chữ “nữ” (女) rồi thêm chữ “quỷ” (鬼), hợp thành một chữ “Ngụy” (魏), chính là có ý nói rằng Thục Hán cuối cùng bị nước Ngụy tiêu diệt.
4. “Càn khôn vạn niên ca” của Khương Tử Nha
Khương Tử Nha được biết đến như một vị tướng tài vĩ đại và là người góp phần lập nên sự nghiệp nhà Chu kéo dài hơn 800 năm, là triều đại kéo dài nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là nhân vật đứng đầu trong tác phẩm tiểu thuyết kinh điển Trung Quốc “Phong Thần diễn nghĩa” như là người được Nguyên Thủy Thiên Tôn chọn để phong tước cho các vị Thần. “Càn Khôn Vạn Niên Ca” (Bài thơ tiên tri thế giới 10.000 năm) của Khương Tử Nha được lưu truyền hậu thế.
Mặc dù “Càn khôn vạn niên ca” của Khương Tử Nha cũng không quá nổi tiếng nhưng nó lại tiên đoán chuẩn xác sự biến đổi tương lai của Trung Hoa 5000 năm. Nó là bản dự ngôn lớn nhất, nhiều nhất về Trung Quốc. Trong lịch sử, rất nhiều việc lớn của Trung Quốc phát sinh sau này, từng việc từng việc đều là trùng khớp không sai lệch với dự ngôn này.
Cho đến nay, lịch sử Trung Hoa từ thời cổ đại cho đến nhà Thanh (1644 – 1911) được Khương Tử Nha tiên đoán vắn tắt, mọi thứ xảy ra chính xác 100% đối với sự hình thành và tiêu vong của các triều đại.
5. Khổng Tử dự đoán về người sẽ mở chiếc vò gốm sau khi ông mất
Trong cuốn: “Sưu thần ký” có ghi chép lại một câu chuyện về dự ngôn vô cùng chuẩn xác của Khổng Tử như sau: Vào năm Vĩnh Bình thời nhà Hán, có một người tên là Chung Ly Ý tự là Tử A, người ở quận Hội Kê, làm chức thừa tướng của nước Lỗ.
Chung Ly Ý sau khi nhậm chức đã tự bỏ ra 13.000 quan tiền cho Khổng Tố, để sửa chữa chiếc xe của Khổng Tử. Ông cũng tự mình đi đến miếu Khổng Tử lau chùi bàn ghế, chiếu ngồi, đao, kiếm và giày của Khổng Tử.
Lúc bấy giờ, có một người đàn ông trẻ tuổi tên là Trương Bá, trong lúc làm cỏ ở miếu Khổng Tử đã đào được bảy khối ngọc bích. Trương Bá liền giấu riêng một khối vào ngực mình và cầm sáu khối còn lại giao nộp cho Chung Ly Ý.
Căn phòng mà Khổng Tử dùng để dạy học có một chiếc giường. Trên đầu giường có treo một cái vò gốm rất lớn. Hôm ấy, Chung Ly Ý gọi Khổng Tố đến và hỏi: “Đây là cái vò gốm gì vậy?”
Khổng Tố trả lời: “Thưa ngài! Đây là cái vò gốm của Khổng Phu Tử, bên trong đựng sách, đến giờ vẫn chưa có ai dám mở ra xem ạ!”.
Chung Ly Ý nói: “Khổng Phu Tử là bậc thánh nhân. Ngài sở dĩ lưu lại cái vò gốm này ở đây chắc là để cho người hiền lương đời sau đến xem”.
Sau đó, Chung Lý Ý đã mở cái vò gốm đó ra và thấy bên trong có một cuốn sách lụa, trên cuốn sách có viết: “Người đời sau nghiên cứu trước tác của ta, có Đổng Trọng Thư. Giữ gìn xe của ta, lau chùi giày của ta, mở cuốn sách này của ta là Chung Ly Ý, người đất Hội Kê. Ngọc bích có bảy khối, Trương Bá giấu riêng một khối cho mình”.
Chung Ly Ý lập tức gọi Trương Bá đến và trách mắng rằng: “Có bảy khối ngọc bích, tại sao ngươi dám giấu đi một khối?”.
Trương Bá dập đầu cầu xin tha thứ và ngay lập tức lấy ra khối ngọc còn lại trao trả.
Khổng Tử từng bái Lão Tử làm thầy, lại từng dốc lòng chuyên tâm nghiên cứu Kinh Dịch. Cho nên, đối với Khổng Tử mà nói, ông không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà biên khảo nổi tiếng mà còn là nhà dự ngôn của Trung Hoa cổ đại mà nhiều người chưa biết đến.
6. “Thôi bối đồ” của Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang
Nói “Thôi bối đồ” là đệ nhất kỳ thư của Trung Hoa cũng là xứng đáng. Tương truyền rằng, “Thôi Bối Đồ” là Đường Cao Tổ Lý Thế Dân vì để đoán vận mệnh của Đường triều nên đã mời hai vị đại sư Lý Thuần Phong và Viên Thiên Cang đến suy tính. Không ngờ, Lý Thuần Phong suy tính ra đến vận mệnh của Trung Quốc 2.000 năm sau. Cho đến lúc Viên Thiên Cang đẩy lưng của Lý Thuần Phong và nói: “Thiên cơ không thể tiết lộ, hay là đi về nghỉ ngơi đi!” mới dừng lại. Cho nên cuốn sách này được đặt tên là “Thôi Bối Đồ” (ý là đẩy lưng).
Vì cuốn sách này tiên đoán quá chuẩn xác nên trong ba triều Tống, Nguyên, Minh nó là sách cấm không cho mọi người được phép xem. Những lời tiên đoán trong cuốn sách này chuẩn xác đến mức khiến mọi người hoài nghi rằng, những sự kiện liên quan đến vận mệnh của Trung Quốc đều là dựa theo cuốn sách này mà lần lượt “trình diễn” ra.
7. Tiên đoán của Viên Thiên Cang về Võ Tắc Thiên
Trong cuốn “Tân đường thư – Viên Thiên Cang truyện” ghi lại, lúc ấy, cha của Võ Tắc Thiên là đô đốc ở Lợi Châu. Trong một lần Viên Thiên Cang đi ngang qua ngoài phủ của ông, gặp vợ của ông đã nói rằng trong nhà họ tất có quý tử. Viên Thiên Cang lúc ấy đã là bậc thầy về tướng số. Thế là, Viên Thiên Cang được mời vào trong phủ.
Đầu tiên, hai người con trai của gia đình họ là Võ Nguyên Khánh và Võ Nguyên Sảng được đưa ra. Viên Thiên Cang nhìn thấy hai người này liền khen họ là “bảo gia chi tử”. Sau đó, Viên Thiên Cang nói rằng, con gái của họ tương lai sẽ là quý phu nhân nhưng lại khắc chồng.
Cuối cùng, khi nhìn thấy Võ Tắc Thiên đang tập tễnh học bước đi, Viên Thiên Cang có phần kinh hãi, sau khi nhìn kỹ ông nói rằng Võ Tắc Thiên sinh đúng ở chỗ “long tinh phượng cảnh” (tạm dịch: con ngươi của rồng, cái cổ của phượng hoàng), có tướng đại phú đại quý. Là con trai thì tất sẽ là thiên tử. Sau này, quả nhiên không ngoài dự đoán của Viên Thiên Cang, Võ Tắc Thiên đã trở thành nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử Trung Hoa.
8. “Thất Bộ Thi” của Tào Thực
Tào Thực là người đất Bái, huyện Tiêu, nay thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc, là con trai thứ ba của Tào Tháo, em của Tào Phi. Bài thơ “Thất bộ thi” là bài thơ Tào Thực làm trong bảy bước đi trong sự bức ép của Tào Phi. Thoạt nhìn, bài thơ rất đơn giản nhưng nội dung thực sự là châm chọc Tào Phi đa nghi, nhất định thiên hạ của Tào gia cũng sẽ sớm bị thay thế.
“Chử đậu nhiên đậu ki. Đậu tại phủ trung khấp. Bản thị đồng căn sinh. Tương tiên hà thái cấp.” (Tạm dịch: Nấu đậu bằng dây đậu; Đậu ở trong nồi khóc. Vốn cùng một gốc sinh. Đốt nhau sao mà gấp). Câu chuyện “thất bộ thi” (bài thơ làm trong bảy bước) của Tào Thực đã trở thành một giai thoại trong lịch sử văn học Trung Quốc và được truyền tụng mãi đến ngày nay.
Những đại dự ngôn truyền kỳ trong lịch sử Trung Hoa chuẩn xác đến mức khiến người đời sau phải sợ hãi và thán phục. Đồng thời cũng khiến người ta hoài nghi rằng: “Phải chăng thế giới này thực sự tồn tại một số quy luật mà có thể đoán trước được vận mệnh tương lai?”.
TinhHoa tổng hợp