Chuyến tàu đêm
Chuyến tàu lao vút vào màn đêm đen kịt, chở trên mình trĩu nặng tâm tư của một người mẹ buộc phải ruồng bỏ con. Có lẽ con tàu ấy may mắn hơn, bởi nó biết mình đang đi về đâu, còn người mẹ ấy thì không được thế.
Ngày cô từ bỏ cái làng quê nghèo của mình ra đi, người ta nói về cô bằng những lời cay nghiệt: “Loại đàn bà bỏ con mà đi thì không thể nào tha thứ”. Chỉ có trong tim người mẹ đó hiểu được rằng, cô đã khóc bằng những giọt máu của tình mẫu tử.
Cô lấy chồng và sinh đứa con gái bụ bẫm, kháu khỉnh. Cuộc đời tưởng ưu ái cho cô khi người chồng giàu có không bắt cô phải làm gì. Nhưng lẽ đời, cái gì có được dễ dàng thì mất đi cũng chẳng khó. Chồng cô phải lòng gái và bỏ cô. Ngày ra tòa, cô trắng tay, không tài sản, không nghề nghiệp. Đứa con nhỏ vừa lên 3 tuổi khóc nằng nặc theo mẹ. Tòa xử cho bé ở với mẹ. Nhưng trước tòa và những người thân của mình, cô từ chối. Cô nhường quyền nuôi con cho chồng.
Mọi người đã nhìn cô bằng con mắt khác. Có kẻ ác mồm còn nói “Vất con lại cho chồng để tìm thằng khác bấu víu cho nó dễ”. Sau tất cả những lời đàm tiếu, những thị phi cay nghiệt, cô chọn cách im lặng.
Cô từ bỏ cái làng quê nơi đã từng sống, từng nên duyên chồng vợ, từng đón nhận đứa con gái đầu lòng cô yêu hơn chính bản thân để vào Nam lập nghiệp. Sự ra đi của cô càng làm cho những nhìn nhận về cô được đa chiều hơn. Người ta càng có cớ để bàn tán, để chê bai và dè bỉu. Cô vẫn vậy, lặng thinh mà ra đi.
Trên chuyến tàu đêm đó, cô khóc thầm vì nhớ con, xót xa đến đắng lòng. Sinh con ra, ấp con vào bầu ngực ấm nóng, nhìn con mỉm cười, nhìn con vấp ngã, nghe con bi bô gọi tiếng “mạ mạ”… tất cả như một thước phim quay chậm buộc nước mắt cô cứ chảy không ngừng. Làm sao cô không yêu con cho được. Nhưng cô còn có lựa chọn nào khác khi thân mình còn không nuôi nổi?
Cô thà mang tiếng ác với cuộc đời chứ không thể nhìn con khổ. Chồng cô có tiền, chí ít con cô sẽ được đi học và sống tốt hơn. Giữa hai sự tàn ác, một là bỏ con lại cho chồng, hai là để con vất vưởng không được học hành tử tế, cô cam chịu lìa xa con. Cô cần phải làm lại cuộc đời, tìm cho ra một công việc tử tế, kiếm được tiền nuôi thân. Ngày đó, cô sẽ quay lại.
Màn đêm như muốn nuốt chửng con tàu. Nó vẫn lao vun vút. Cô nhìn vào cái màu đặc quánh của đêm, lòng thầm mong ước: Rồi đây cô sẽ học lấy một cái nghề, kiếm lấy tiền nuôi mình và nuôi con, thuê một căn nhà nhỏ cho hai mẹ con. Cô sẽ bù đắp cho con những gì mà thời gian xa cách nó thiết hụt. Cô lẩm bẩm với chính mình: “Con ơi, chờ mẹ nhé”.
Hải Âu