Câu cá đêm ở Trường Sa
Câu cá đêm ở Trường Sa
Mỗi chuyến tàu ra với quần đảo Trường Sa, các thủy thủ không bỏ lỡ cơ hội buông câu và hò reo khi bắt được cá lớn. Câu đêm với họ không chỉ là thú vui mà còn giúp cải thiện bữa cơm người lính.18h tối, bóng điện phía sau boong chính tàu HQ 561 được thắp sáng để thu hút sự chú ý của đàn cá. “Đã đi tàu thì hầu như anh em nào cũng sắm sẵn bộ đồ câu, giá khoảng 400-500 nghìn đồng mới có thể câu được các loại lớn như cá thu, cá ngừ”, thuyền viên Nguyễn Văn Quang nói.
Khác với đất liền, câu cá ở Trường Sa chỉ dùng sợi dây có buộc lưỡi và chỉ để mắc mồi buông câu. Ảnh: Nguyễn Đông |
Không giống như trên đất liền, câu cá ở Trường Sa không dùng cần mà chỉ dùng những cuộn cước buộc lưỡi, chì và mắc mồi từ chính con cá chuồn nhỏ bắt được rồi tung xuống biển. Mỗi khi bắt được cá lớn, người câu lại cắt phần bụng để làm mồi cho đợt buông câu tiếp theo. Theo lý giải của thuyền viên, phần bụng cá vừa dai, vừa trắng sáng dưới ánh đèn điện nên dễ dụ cá cắn câu.
Vận sức buông câu rồi ngồi yên một góc chờ đợi, anh Nguyễn Quang Sáng, thuyền viên báo vụ số 1, cho biết câu cá ở Trường Sa có hai cách là câu kéo (mắc mồi vào lưỡi và buông câu xuống độ sâu chừng 30-50 m rồi kéo lên để nhử cá) và câu ngâm (mắc mồi và quăng xuống biển ở độ sâu vài trăm mét, chờ khi nào cá cắn câu thì kéo lên).
“Không dùng phao nên để biết cá đã cắn câu hay chưa thì bắt buộc phải có cảm giác ở đôi tay. Chỉ cần cá mắc câu, giựt dây ở độ sâu hàng trăm mét là người câu phải biết cách kéo dây sao cho đều đặn để đưa cá lên. Nếu cá lớn thì phải dùng móc sắt”, anh Quang bật mí.
Mồi câu được lấy từ cá chuồn nhỏ hoặc cắt phần bụng của cá ngư, cá thu. Ảnh: Nguyễn Đông |
Tiếng hò vang cả góc boong khi thuyền viên Nguyễn Trường Chinh kéo lên một con chép mỏ vịt nặng khoảng 10 kg. Là tay câu có tiếng, anh Chinh cho biết nếu gặp may có thể câu được cá ngừ, cá thu nặng 20-30 kg. “Khi kéo lên gần mặt nước phải thật dứt khoát, ghì chặt tay vì cá lớn rất khỏe, mình không khéo léo sẽ bị cá kéo hoặc cắn đứt dây câu và trốn thoát”, anh Chinh nói.
Nghề câu hên xui theo luồng cá, nhưng người câu phải nắm được lý thuyết cơ bản về thời tiết, không thả mồi vào đêm trăng sáng. Thuyền viên trên tàu nhớ làm lòng khu vực nhiều cá như ở đảo Đá Nam, Đá Lát, Núi Le, Tốc Tan… Mỗi lần ngang qua ngư trường này, họ không bỏ lỡ cơ hội buông câu. “Có lần gặp trúng luồng cá măng, dùng vợt cũng có thể vớt được hàng tạ cá”, một thuyền viên cho biết.
Có thâm niên hàng chục năm câu đêm, thuyền viên Nguyễn Hải Nam cho biết, ban ngày anh em bận công việc chuyên môn nên chỉ rảnh rỗi vào ban đêm. Thêm vào đó, buổi đêm khi bật điện sẽ dễ thu hút luồng cá. “Có hôm nhiều cá tụi tôi câu thâu đêm. Sáng ra được cả tạ cá, ai cũng vui”, anh Nam kể.
Thành quả của buổi câu đêm là những con cá lớn mắc lưới. Ảnh: Nguyễn Đông |
Những thuyền viên mới vào nghề hay bộ đội từ đất liền ra nhận nhiệm vụ tại đảo khi muốn thử sức đều được các “lão làng” hướng dẫn tỉ mỉ từ cách mắc mồi, buông câu. “Nhìn thì dễ nhưng để câu được con cá từ biển không hề đơn giản. Có người khi buông câu bị lưỡi câu mắc vào cổ. Đôi khi nhiều người buông câu khiến dây cước mắc vào nhau, buộc phải cắt dây, thiệt hại vài trăm nghìn, nhưng buồn là hành trình còn lại sẽ không được câu nữa”, anh Nam chia sẻ.
Thượng úy Phạm Hồng Phú, chính trị viên tàu HQ 561 cho biết, với thuyền viên, việc câu cá không chỉ là thú tiêu khiển mà còn là cách để anh em trên tàu cải thiện nguồn thức ăn. Có khi là một bữa tiệc nho nhỏ với đặc sản cá Trường Sa ngay sau khi buổi câu kết thúc để tiếp khách trong đoàn công tác, hay cá được bỏ vào tủ đông để phục vụ cho những bữa ăn dài ngày trên biển.
Nguyễn Đông