22 năm bị lừa sang Trung Quốc, mất trí nhớ, 6 lần bị bán làm vợ và osin
“Tôi thấy người ta ai cũng có cha mẹ, anh chị em còn tôi thì không biết mình từ đâu có mặt trên đời. Càng cố nhớ tôi càng chua xót, tủi thân và nghĩ có lẽ vậy mà người ta đối xử với tôi không giống như một con người”.
Sáng 3/7, bà Nguyễn Kim Hến (82 tuổi, ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông A, H.Đông Hải, Bạc Liêu) vui mừng cho biết nhờ cộng đồng mạng, gia đình bà đã tìm được người con gái mất tích 22 năm nay.
Theo bà Hến, cách đây 2 ngày, gia đình tình cờ phát hiện trên mạng xã hội chia sẻ về hình ảnh đứa con gái của bà tên Nguyễn Kim Hon (43 tuổi) bị lưu lạc sang Trung Quốc đã 22 năm. Vừa xem clip xong bà xác nhận ngay đấy chính là đứa con gái bị mất tích lâu nay của mình.
Video: Trùng phùng sau 22 năm bị lừa sang Trung Quốc (nguồn: T’ Idea)
Mặc dù chỉ nói lơ lớ được vài câu tiếng Việt nhưng trong trí nhớ của phụ nữ này vẫn còn nhớ rõ quê nhà ở ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, tỉnh Bạc Liêu và nhớ tên từng thành viên trong gia đình. Câu chuyện 22 năm lưu lạc xứ người của người phụ nữ tội nghiệp này nhận được sự quan tâm của cộng đồng mạng ngay khi được các thành viên của Trung tâm quay clip chia sẻ trên mạng xã hội.
Sáng 3/7, được sự giúp đỡ của cộng đồng, tại Lạng Sơn, chị Hon đã được trùng phùng với người thân trong nước mắt. Tối cùng ngày, mặc dù không có giấy tờ tùy thân nhưng chị Hon và gia đình đã được tạo điều kiện đi chuyến bay cuối về đến Cần Thơ lúc rạng sáng nay và được đưa về quê nhà ngay sau đó.
Đoàn tụ trong nước mắt
Sau nhiều năm lưu lạc, ngày 4/7, chị Nguyễn Kim Hon (43 tuổi, quê Bạc Liêu) đã đáp chuyến bay sớm đến sân bay Cần Thơ rồi nhanh chóng lên xe ô tô di chuyển về Bạc Liêu để đoàn tụ cùng người mẹ già 80 tuổi và các anh chị em sau hơn 20 năm xa cách.
Ngay khi chị Hon về đến nhà đã có rất đông người thân cùng dân làng ra đón. Trước giây phút cận kề được gặp những người thân yêu của mình, chị Hon đã òa khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt lăn dài sau nhiều năm tháng lưu lạc nơi đất khách quê người.
“Dìa mẹ con tui sum họp… nhưng ngày hôm nay… ngày tui chết tui gặp mặt được con tui”, người mẹ già vừa khóc vừa nói những câu đứt quãng trong ngày gia đình được đoàn tụ. Cả hai mẹ con cứ thế ôm chầm lấy nhau mà khóc đến ngất lịm rồi lại dìu nhau vào phòng.
Bà Hến nghẹn ngào kể: “Tôi có 12 người con, Hon là đứa thứ 10. Năm 1997, khi 21 tuổi đã mất liên lạc 22 năm qua. Sau 4 năm tìm kiếm trong vô vọng, tôi nghĩ con đã không còn sống nên làm đám giỗ suốt 18 năm qua và chỉ vừa làm thủ tục khai tử trong năm nay. Khi người ta đem hình con gái trên mạng xã hội cho tôi xem, tôi nhìn là nhận ra ngay. Từ khi biết tin con gái còn sống, tôi không ăn cơm, chỉ uống nước cầm hơi vì không cảm thấy đói, lúc nào cũng nôn nóng chờ gặp con”.
“Hơn hai chục năm trước, nó đi làm ăn xa rồi mất tích. Tôi cầu trời khấn Phật mấy năm để mong tìm được con gái út nhưng nó không về. Vậy là gia đình làm đám giỗ cho nó hàng năm. Nào ngờ đâu nó về thật rồi”, bà Hến khóc òa trong niềm hạnh phúc.
Tháng ngày tha hương nơi xứ lạ, 6 lần bị bán làm vợ và osin
Nhớ lại thời gian lưu lạc ở Trung Quốc, chị Hon trải qua nhiều năm rất bất hạnh khi có đến 3 năm không thể nói được và suốt một thời gian dài chị mất trí nhớ, không biết mình mang quốc tịch nào.
Thời còn ở Bạc Liêu, chị có chồng tại xóm Lung (thuộc phường Láng Tròn, thị xã Giá Rai), sống với nhau hơn một tháng rồi chia tay. Sau đó, chị lên TP Cần Thơ làm thuê, có thời gian lang bạt tận Campuchia rồi quay về phụ bán nước mía ở xóm Lung.
Tháng đầu tiên chị đi làm, bà Hến có lên TP Cần Thơ thăm con. Tuy nhiên, lần thứ hai trở lại thăm con, bà không còn gặp được chị Hon nữa. “Lúc đó, chủ nhà trọ nói con tôi đi theo ai đó, không còn ở nữa. Không biết đi đâu tìm, tôi đành về nhà chờ tin con nhưng chờ mãi vẫn không thấy”, bà Hến kể.
Thời gian này, chị Hon kể có một người đàn ông lớn hơn mình khoảng 2-3 tuổi, nói giọng miền Bắc tối nào cũng đến uống nước, quen biết như bạn bè.
Thời gian sau, người này rủ chị về nhà ở quê, rồi sau đó cùng lên TP Bạc Liêu. Người này có đãi chị ăn cơm và cho uống nước trong một chai nhỏ, rồi chị ngủ luôn từ đây.
Đến khi mở mắt ra đã thấy mình ở… Quảng Đông (Trung Quốc) trong một căn phòng nhỏ với một người phụ nữ khác cùng cảnh ngộ.
Chị kể đó là lúc mình bị nhức đầu dữ dội, lơ mơ không còn nhớ gì và không nói chuyện được. Hôm sau, chị bị tách ra, dẫn tới ở nơi khác.
Tại đây, mỗi ngày có 2 – 3 phụ nữ được dẫn đến, nếu ai chạy trốn là sẽ “ăn đòn”. Những ngày đen tối tiếp nối, chị trải qua 6 lần bị đem bán để làm “osin” và làm vợ cho người ta ở các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.
Nhớ lại khoảng thời gian kinh khủng đó chị nói rằng mình từng làm vợ cho 4- 5 người đàn ông, người cuối cùng là người đàn ông hơn chị 3 tuổi, sống cùng chị 8 năm. Cuộc sống chị lúc đó chỉ được một năm đầu yên ắng, sau đó là những trận đòn mà chị phải nhận với bất cứ lý do gì.
“Ông ấy nhậu bằng rượu đế, nhậu hằng ngày và sau mỗi lần nhậu là tôi bị đánh, sau này thấy ông ấy nhậu là tôi không dám hé răng để tạm được yên thân. Có lần bị đánh vào hông đau dữ dội, tôi năn nỉ được chở vào bệnh viện nhưng không được chở đi. Tôi cứ chịu đựng qua cơn đau…
Không cha không mẹ, không người thân quen, tôi dường như phải sống một mình, tự làm hết mọi việc. Đó là những cái tôi sợ nhất khi nhớ về những tháng ngày bị đày đọa vừa qua”, chị Hon nói.
Đến khi thấy chị không sinh được con nên người đàn ông này mới ruồng bỏ, đuổi chị ra khỏi nhà, phải sống vất vưởng. Khi đó, chị Hon bế tắc với mọi thứ, chẳng biết bản thân mình là ai, đến từ đâu.
Chị nói: “Tôi thấy người ta ai cũng có cha mẹ, anh chị em còn tôi thì không biết mình từ đâu có mặt trên đời. Càng cố nhớ tôi càng chua xót, tủi thân và nghĩ có lẽ vậy mà người ta đối xử với tôi không giống như một con người”.
Hồi phục trí nhớ nhờ nghe tiếng mẹ đẻ
Thế nhưng, trong một lần chị xem được một chương trình được chiếu trên ti vi có nói bằng tiếng Việt hai từ “ăn cơm”, chị Hon bất ngờ nhớ lại mình là người Việt Nam. Kể từ đó chị cố gắng nhớ lại và học hỏi tiếng mẹ đẻ để tìm đường về quê hương. Sau đó chị Hon được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Lạng Sơn chăm sóc, lo ăn ở và giúp chị tìm đường về nhà.
Khi về đến Bạc Liêu, theo tâm nguyện của chị Hon, người thân đã đưa chị đến Chùa Quan âm Phật đài để bái Phật vì trước khi tìm được về đến quê nhà chị đã ngày đêm quỳ cầu nguyện được sớm đoàn tụ gia đình.
Chúc Di (t/h)