Nguồn gốc Tết Trung Thu
Lễ hội trăng tròn, hay còn được gọi là Tết Trung Thu rơi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch. Đây cũng là một ngày lễ tạ mùa màng của người Trung Quốc. Thông thường miền bắc Trung Quốc trồng nhiều lúa mì còn miền nam thì trồng lúa gạo. Ngày lễ này của Trung Hoa cũng giống như Lễ Tạ Ơn của người Mỹ.
Hằng Nga và Hậu Nghệ
Tết Trung Thu gắn liền với truyền thuyết chàng Hậu Nghệ và nữ thần mặt trăng bất tử Hằng Nga. Theo thần thoại Trung Hoa, hai nhân vật này sống vào khoảng 2.200 năm trước Công nguyên, đương thời trị vì của Nghiêu Hoàng đế.Những dị bản cũng như tài liệu khác nhau kể về huyền thoại nàng Hằng Nga thường trái ngược nhau. Tuy nhiên, hầu hết các phiên bản có những nét khác nhau nhưng vẫn gặp nhau ở một số các yếu tố sau: Hậu Nghệ – cung thủ – đế vương, lương thiện hoặc độc ác, và một viên thuốc trường sinh bất tử.Một phiên bản kể rằng Hậu Nghệ là một vị thần bất tử, trong khi người vợ xinh đẹp Hằng Nga là tiên nữ trong Thiên cung của Ngọc hoàng làm hầu cận của Vương Mẫu nương nương (vợ của Ngọc Hoàng đại đế). Hậu Nghệ bị các thần khác đố kỵ và vu cáo trước mặt Ngọc Hoàng. Thế là Hậu Nghệ cùng vợ bị trục xuất khỏi Thiên Đình. Họ bị buộc phải xuống trần gian. Hậu Nghệ buộc phải săn bắn để sinh sống rồi dần trở thành một cung thủ điêu luyện có tiếng.
Vào thời điểm đó, có tới 10 mặt trời, dưới hình hài của những con Quạ Vàng 3 chân (Kim Ô), sống trên một cây Phù Tang giữa biển Đông. Mỗi ngày, 1 trong những con Kim Ô sẽ phải bay vòng quanh trái đất. Một ngày nọ, cả 10 con chim đều bay cùng nhau, khiến trái đất nóng như thiêu như đốt. Vua Nghiêu ra lệnh cho Hậu Nghệ dùng tài bắn cung để bắn hạ cả bầy Quạ Vàng ấy, chỉ chừa lại một con. Sau khi Hậu Nghệ hoàn thành nhiệm vụ, Hoàng đế ban thưởng cho Hậu Nghệ một viên thuốc trường sinh bất tử. Vua Nghiêu dặn Hậu Nghệ không uống thuốc ngay, mà phải ăn chay cầu nguyện một năm rồi mới được uống. Hậu Nghệ nhận lấy viên thuốc đem về và giấu dưới xà nhà. Một ngày nọ, Vua Nghiêu lại sai Hậu Nghệ đi phụng mệnh xa nhà. Trong thời gian chồng vắng nhà, Hằng Nga trông thấy một tia sáng trắng từ trên xà nhà tỏa sáng, thế rồi nàng đã phát hiện ra viên thuốc quý. Hằng Nga nuốt viên thuốc, và lập tức nàng phát hiện ra mình có thể bay được. Hậu Nghệ trở về nhà, biết chuyện nên bực mình trách mắng vợ. Hằng Nga bay qua cửa sổ rồi bị cuốn thẳng lên trời.
Hậu Nghệ đuổi theo nàng lên trời được nửa đường thì buộc phải quay trở về mặt đất vì gió quá mạnh. Hằng Nga đến mặt trăng, ho ra nửa viên thuốc. Nàng bảo Thỏ Ngọc sống trên mặt trăng làm một viên thuốc khác, để Hằng Nga có thể trở về mặt đất với chồng.
Truyền thuyết kể rằng chú thỏ ngày ngày vẫn đang nghiền dược thảo, cố gắng làm viên thuốc ấy. Hậu Nghệ tự xây cho mình một cung điện ở trên Mặt trời, đại diện cho “dương”, đối lại với nhà của Hằng Nga đại diện cho “âm” ở cung trăng. Mỗi năm một lần, vào đêm Trung thu, Hậu Nghệ lại đến thăm vợ. Đó là lý do tại sao mặt trăng rất tròn và đẹp trong đêm rằm Trung Thu.
Hoàng đế Đường Huyền Tông
Một huyền thoại khác kể về chuyện vị Hoàng đế Đường Huyền Tông nhờ một Đạo sỹ giúp đỡ. Đạo sỹ ném cây gậy lên trời, biến hóa ra một cây cầu dẫn đến mặt trăng. Vua Đường Huyền Tông theo Đạo sỹ lên cầu và bước vào cung Quảng Hàn, gặp chú Thỏ Ngọc đang cố gắng làm thuốc trường sinh bất tử. Hoàng đế cũng trông thấy các tiên nữ nhảy múa và ca hát. Khi trở về, ông đã sáng tác một bài hát và vũ điệu, có tên “Nghê Thường Vũ Y khúc”.
Vũ Cương, chàng tiều phu trên mặt trăng
Truyền thuyết khác kể về Vũ Cương anh tiều phu trên cung trăng. Chàng vẫn miệt mài cố gắng để đốn hạ cây đa bất tử của mặt trăng nhưng sau mỗi nhát rìu những vết cắt lành lại một cách thần kỳ.
Ẩm thực Truyền thống trong ngày Tết Trung Thu
Khoai môn, bưởi và ốc là những món ăn truyền thông trong ngày Tết trung thu. Khoai môn là một món ăn truyền thống bởi vì nó đã cứu đói cho binh lính Trung Quốc; bưởi là loại trái cây ngọt ngào được cho là có thể trừ tà, ốc như một lời nhắc nhở về sự thịnh vượng của đất. Thức ăn được dọn ra trên 5, 7 hoặc 9 đĩa, bởi vì đây là những số may mắn.
Bánh Trung Thu
Bánh Trung thu tượng trưng cho tuổi thọ và sức khỏe. Nó được in hình Hằng Nga, hoa văn, Thỏ Ngọc hoặc là một con cóc. Nhân bánh có thể chứa bột đậu đỏ, hạt sen, dưa, trái cây khô, dừa, dứa và thường có một quả trứng bên trong.
Ở thế kỷ thứ 14, những chiếc bánh trung thu từng được dùng để giấu các mật thư liên lạc chống quân Mông Cổ cầm quyền và lập ra triều đại nhà Minh. Bánh Trung thu được ghi dấu cùng với chiến thắng đó.
Nguồn: Kan Zhong Guo, tin180