‘Nếu công bố tiếp clip phao thi, tôi không có đất sống’

12/06/12, 16:49 Cuộc sống

Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, tại sao ông lại chọn Bắc Giang làm nơi tổ chức quay clip tiêu cực thi để lấy chứng cứ?

– Hai năm nay, các thầy cô ở miền Bắc gọi điện cho tôi nói rằng: “Thầy Khoa ơi, chúng tôi tiếc cho công sức của thầy quá, ‘Hai không’ hỏng hết rồi”. Họ kể, chưa có giải bài tập thể nhưng giám thị để cho các em chép thoải mái. Năm ngoái, tôi lên một tỉnh miền núi phía Bắc và chứng kiến hội đồng thi có 7 phòng, 14 giám thị đều bỏ vị trí ra ngoài hết. Cháu tôi nói phao được mang vào thoải mái nhưng không có đáp án từ ngoài ném vào và tôi nghĩ mức độ đó bình thường.

Còn các thầy cô ở Bắc Giang gọi điện cho biết, tình trạng thi rất hỗn loạn, trường giải bài tập thể các môn Toán, Lý, Hóa, Anh, Sinh học, sau đó photo rồi ném bài vào phòng… Tôi hỏi sao các thầy cô không chấn chỉnh thì họ bảo: “Chúng em sợ lắm, chẳng làm được như thầy đâu”. Khi ấy tôi nói là năm tới sẽ nghĩ cách nhờ các thầy cô thu thập chứng cứ gian lận.

Đợt thi vừa qua, tôi chọn 3 huyện khác nhau ở Bắc Giang và nhờ hoặc thầy cô quay cho tôi, hoặc tìm các em học sinh dũng cảm nhất quay. Tôi bày cho họ cách dùng bút quay, ai không có tôi cho mượn. Ở trường Đồi Ngô, thầy Ngọc tìm được 3 học sinh nhưng chỉ có 2 máy quay nên chỉ làm được ở 2 phòng khác nhau. Một người đứng ở cổng trường quay lại diễn biến khu vực thi.

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, người dũng cảm tố cáo tiêu cực thi năm 2006 ở Hà Tây và sau đó được Bộ GD&ĐT mời đi dự lễ phát động phong trào “Hai không”. Ảnh: Tiến Dũng.

– Vậy mục đích của việc tổ chức quay clip gian lận phòng thi của ông là gì?

– Việc này chẳng mang lại cho tôi lợi nhuận hay lợi ích gì mà chỉ để cho ngành giáo dục thấy rõ tình hình, chấn chỉnh ‘Hai không’ cho chúng tôi đỡ xấu hổ. Và các clip cho thấy gian lận ở Bắc Giang khá đại trà, riêng trường Đồi Ngô là trọn vẹn nhất. Lãnh đạo hội đồng chuyển đề cho những người không có chức năng giải, xong photo thu nhỏ đưa vào phòng. Riêng 3 môn Văn, Sử, Địa, họ để cho thí sinh quay cóp và không ngăn cản.

Tôi muốn làm thêm ở một số huyện nữa nhưng không có tiền để mua máy quay. Nếu tôi có 100 triệu đồng mua máy quay, có lẽ sẽ có hình ảnh ném phao ở cả tỉnh Bắc Giang. Còn clip của huyện Việt Yên và Lục Ngạn xin giữ bí mật vì clip ở một hội đồng thi Đồi Ngô khi công bố đã ảnh hưởng cả trăm người. Nếu công bố ở các hội đồng khác, tôi lại nhiều kẻ thù quá, không có đất sống.

Khi sử dụng học sinh để quay clip, ông đã tính toán thế nào về khả năng các em có thể bị kỷ luật vì vi phạm quy chế?

Việc liên lạc với thí sinh là của các thầy cô giáo sở tại. Đừng gọi học sinh là vật thí nghiệm, đó là sự hy sinh mất mát. Người Việt mình dở lắm, hay thờ ơ với đấu tranh, rất ghét người nào hay đi tố cáo, mặc dù họ đấu tranh cho đất nước tốt đẹp lên. Các em học sinh đáng được khen ngợi vì dám làm. Từ trước đến nay tôi không khuyến khích ai chống tiêu cực cả, chỉ dám nhờ các thầy cô địa phương và cảnh báo trước với họ là hậu quả nặng lắm, thầy cô nào sắp bỏ việc, sắp giã từ ngành thì hãy làm.

Còn quy chế của Bộ rất kỳ quái. Trong trường hợp này, máy quay là một cái bút, phục vụ cho việc viết, không thể phục vụ cho quay cóp bài được. Do đó, cái bút cũng giống như cái thắt lưng thôi, chỉ khác là nó giúp xã hội nhìn được diễn biến của sự việc, hoàn toàn không giúp em học sinh đó được gì. Quy chế do con người tạo ra để phục vụ kỳ thi nghiêm túc. Khi quy chế mà cản trở, chống lại việc tố cáo hành vi gian lận thì đó thì phải thay đổi ngay.

Nếu năm nay học sinh quay clip bị xử lý thì xin Bộ chấm dứt ‘Hai không’ ngay bởi sẽ không còn ai dám tố cáo đâu. Bộ có ngần ấy thanh tra, ngần ấy người mà những năm đi làm ‘Hai không” chẳng quay được clip nào, chẳng phát hiện được tiêu cực gì. Trong khi một học sinh bé con con lại quay được.

Sau khi tố cáo hàng loạt sai phạm của lãnh đạo THPT Vân Tảo, thầy giáo Khoa bị trù dập nhiều năm và phải chuyển sang trường khác dạy. Ảnh: Tiến Dũng.

– Là người ủng hộ phong trào “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích”, ông đánh giá thế nào về tỷ lệ tốt nghiệp tăng dần đều theo từng năm?

– Năm đầu tiên của ‘Hai không’, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm mạnh, trường Vân Tảo của tôi trước đây đỗ 99% nhưng năm 2007 tụt xuống còn 29%. Phụ huynh và học sinh đi qua nhà tôi là réo lên chửi: “Khoa điếc!”. Sau những năm phản ánh tương đối sát thực tế thì 3 năm trở lại đây tỷ lệ tốt nghiệp càng ngày càng khác xa và clip quay ở Bắc Giang đã lý giải vì sao.

Ví dụ, như Tuyên Quang, năm 2007 đỗ được 14,5% nhưng giờ đỗ 98%. Con số đó khác xa thực tế. Tuyên Quang có dám cho tôi chọn một trường bất kỳ thi thử, kinh phí hết bao nhiêu tôi chịu, nếu như kết quả được giữ nguyên. Còn kinh phí tỉnh phải trả nếu kết quả giảm dưới 50%. Tôi cá là tôi chọn một trường bất kỳ của họ, tỷ lệ đỗ không quá 50%.

Đây là phát biểu riêng của tôi, nhưng căn cứ vào những gì tôi nắm được từ thầy cô ở các tỉnh đó gửi về. Làm sao các tỉnh miền núi như Tuyên Quang lại đỗ tốt nghiệp cao hơn cả Hà Nội, Hà Tây và TP HCM. Tôi không tin chuyện đó và chúng ta đừng nhắm mắt vào khen, tâng bốc nó lên. Trong nghề giáo ai đó rung đùi tự hào với tỷ lệ đỗ cao, chứ những giáo viên chúng tôi chua chát lắm.

– Ông nghĩ gì nếu sự kiện ở Đồi Ngô được coi là dấu chấm hết cho ‘Hai không’?

– Tôi vẫn hy vọng vào hai không. Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã chuyển sang giữ chức Phó Thủ tướng, nhưng những người có tâm ở Việt Nam còn nhiều lắm. Không nói đến quan chức, một giáo viên bình thường cũng đem lại cho mình hy vọng cơ mà. “Hai không” có thất bại ở nơi này nơi kia nhưng vẫn có nhiều nơi không thất bại bởi người ta không dám công khai hóa ép uổng giáo viên phải cấy điểm, bắt giáo viên phải đi ném bài. Đồi Ngô (Bắc Giang) là cá biệt.

Tôi không chắc vụ việc ở Bắc Giang có được coi là một bước ngoặt để việc đấu tranh chống tiêu cực chuyển sang một giai đoạn mới hay không, chỉ biết rằng ngay trong lực lượng giáo giới, học sinh đều rất sợ đấu tranh. Ai làm cho thầy và trò cả nước sợ đấu tranh với cái xấu đến thế? Câu này xin hỏi các lãnh đạo, đừng hỏi tôi.

Nếu đợt này Bắc Giang cách chức lãnh đạo hội đồng thi, kỷ luật ở mức nặng nhất với những người trực tiếp đi ném bài là đình chỉ công tác, tôi chắc chắn sang năm sẽ không còn trường nào tiêu cực nữa. Còn nếu Bắc Giang xử lý xuê xoa, vẫn cảnh cáo nhắc nhở nhau thôi thì sang năm nó vẫn đâu vào đấy.

Trong đề thi Văn năm nay có một câu hỏi về sự dối trá. Thầy nhìn nhận thế nào khi chính trong ngành giáo dục vẫn còn nhiều dối trá?

– Bệnh này là bệnh hơi đặc trưng của của người Việt. Tôi chắc rằng thông qua việc giải quyết vụ thi cử ở Bắc Giang, Bộ Giáo dục cũng chịu không giải quyết được thói dối trá. Cứ nhìn cách giải quyết như bây giờ, Sở GD&ĐT Bắc Giang chỉ đáng nhận điểm 0 về bài luận thói dối trá.

Nếu đặt mình ở cương vị lãnh đạo Sở hoặc Bộ Giáo dục, khi biết tin học sinh quay clip gian lận thi cử, đầu tiên tôi sẽ hoan hô em và điện thoại hỏi nhà học sinh ấy ở đâu để đến thăm và nhờ em mở clip cho xem. Sau đó, tôi sẽ yêu cầu công an tỉnh xử lý vụ việc, truy tố lãnh đạo hội đồng thi tội làm lộ bí mật quốc gia, phá hoại kỳ thi quốc gia, phá hoại phong trào “Hai không” rất lớn mà 64 giám đốc Sở cùng ký.

Năm 2006, lần đầu tiên trong ngành giáo dục, giám thị Đỗ Việt Khoa dũng cảm công khai tố cáo những tiêu cực liên quan đến gian lận thi cử tại Hà Tây (cũ). Ngay năm đó, Bộ GD&ĐT phát động phong trào ‘Hai không’: “Nói không với bệnh thành tích và tiêu cực trong thi cử”. Thầy Khoa được Bộ trưởng Giáo dục tới thăm, tặng bằng khen và trở thành “Người đương thời” trên VTV3.

Từ đó, dù liên tục bị đe dọa, thầy giáo Đỗ Việt Khoa vẫn tiếp tục theo đuổi việc chống tiêu cực ngay tại ngôi trường mình đang dạy. Tuy nhiên, sau 4 năm kiên trì chống tiêu cực, tháng 5/2010, thầy giáo Đỗ Việt Khoa quyết định nộp đơn xin nghỉ việc. Lý do thầy giáo có 20 năm đứng trên bục giảng xin nghỉ việc là vì sự thờ ơ của Sở GD&ĐT Hà Nội trong việc giải quyết tiêu cực tại THPT Vân Tảo.

Khi biết tin thầy Khoa xin ra khỏi ngành, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ rà soát lại toàn bộ quá trình giải quyết vụ việc của thầy Khoa. Tuy nhiên, sau đó vụ việc lại rơi vào quên lãng. Hiệu trưởng mắc hàng loạt sai phạm về tài chính, liên kết đào tạo… chỉ bị “rút kinh nghiệm” thì thầy Khoa bị buộc phải chuyển trường khác, sau 4 năm bị người đứng đầu nhà trường trù dập, đe dọa.

Tiến Dũng – Hoàng Thùy

(vnexpress.net)

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng