Cảm xúc, trí tuệ… đến từ đâu?
– Trí thông minh cảm xúc, hiểu một cách đơn giản – là khả năng thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ với người khác – là một dạng trí tuệ cực kỳ quan trọng.
ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN
Bước vào tuổi trưởng thành, con người chịu các áp lực xã hội ngày càng lớn, trong khi không phải ai cũng được trang bị đủ các kĩ năng cần thiết khi còn nhỏ. Bài viết dưới đây được chọn với một tiêu chí đặc biệt, dành cho ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
***
Từ sơ sinh đến 8 tháng tuổi: Giai đoạn phát triển trí tuệ cảm xúc – EQ
Các dạng cảm xúc tích cực cần xây dựng từ khi còn nhỏ |
Trí thông minh cảm xúc, hiểu một cách đơn giản – là khả năng thấu hiểu và chia sẻ suy nghĩ với người khác – là một dạng trí tuệ cực kỳ quan trọng.
Theo nghiên cứu của Khoa phát triển gia đình và trẻ em thuộc Đại học Georgia (Mỹ) thì trí thông minh cảm xúc quyết định tới 80% khả năng thành công trong sự nghiệp của mỗi người.
Các trạng thái tình cảm như hạnh phúc, buồn bã, thất vọng, cảm thông được định hình ở mỗi người như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào việc họ đã được nuôi dạy ra sao trong giai đoạn thơ ấu. Trí thông minh cảm xúc được phát triển đúng hướng sẽ giúp con người có được những tiêu chuẩn đạo đức tốt. Cho dù trí thông minh cảm xúc vẫn tiếp tục được phát triển và hoàn thiện cho đến khi trưởng thành, song các nhà khoa học vẫn cho rằng, thời điểm quyết định đối với nhân tố này là giai đoạn đầu tiên của cuộc đời, từ lúc sơ sinh đến 8 tháng tuổi.
Sau đây là một số phương pháp để kích thích sự phát triển trí thông minh cảm xúc ở trẻ trong giai đoạn này:
– Tạo ra một môi trường sống ổn định và an toàn cho bé.
– Thường xuyên mỉm cười. Những cảm xúc tích cực của bạn luôn ảnh hưởng đến bé rất nhiều.
– Diễn tả bằng nét mặt, lời nói những cảm xúc mà bé đang cảm thấy.
– Tỏ ra quan tâm và chia sẻ khi bé khó chịu.
– Trò chuyện với bé bằng ngôn ngữ của trẻ thơ.
– Mỗi khi phải từ chối một đòi hỏi nào đó của bé, hãy giải thích tại sao bạn làm như vậy, thay vì chỉ nói “không”.
– Khuyến khích bé giúp đỡ bạn một số công việc nhẹ nhàng đơn giản như gấp quần áo, cất đồ chơi…
– Biểu lộ sự hài lòng và đừng tiết kiệm những lời khen mỗi khi bé tỏ ra lễ phép, ngoan ngoãn.
– Kiên trì và từ tốn sự giải thích cho bé hiểu mỗi lúc hành động không đúng của bé làm người khác bị tổn thương.
Từ sơ sinh đến 10 tuổi: Giai đoạn phát triển trí thông minh ngôn ngữ
Đọc sách là một phần quan trọng trong suốt cuộc đời – sẽ dễ dàng hơn nếu thói quen này được hình thành từ bé. |
Trẻ khi mới sinh ra đều có khả năng tiếp thu như nhau đối với mọi ngôn ngữ. Càng được tiếp xúc với môi trường giao tiếp bằng lời nói của người lớn, bé càng sớm phát triển khả năng ngôn ngữ của mình. Trẻ em trong giai đoạn từ sơ sinh đến 0 tuổi còn có một khả năng đặc biệt để nhận biết và ghi nhớ các đặc điểm ngữ pháp và cấu trúc xây dựng câu mà những người lớn khi học một thứ ngôn ngữ mới không thể nào có được.
Sau đây là những lời khuyên giúp bạn định hướng và phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ.
– Bắt đầu đọc sách cho bé nghe ngay từ những tháng đầu sau khi bé chào đời.
– Chỉ cho bé thấy và gọi tên những đồ vật xung quanh.
– Cho bé học một ngoại ngữ từ khi còn bé.
Nói chung, trẻ bắt đầu học ngoại ngữ càng sớm càng tốt. Khi một em bé mẫu giáo được bố mẹ cho học ngoại ngữ, bé sẽ thấy đó là một trò chơi thú vị. Còn khi đã vào trường tiểu học, bé bắt đầu coi học ngoại ngữ là một nhiệm vụ và rất có thể không thích như vậy.
Vì thế, các chuyên gia về tâm lý và giáo dục cho rằng, tốt nhất các ông bà bố mẹ nên bắt đầu cho bé làm quyen với ngoại ngữ từ lứa tuổi mẫu giáo. Tuy chỉ đến khi lên 5, bé mới có khả năng ghi nhớ chính xác các từ ngữ tiếng nước ngoài, nhưng việc được tiếp xúc sớm sẽ tạo thuận lợi cho bé sau này trong phát triển phản xạ và khả năng phát âm.
– Cố gắng dành thời gian mô tả cho bé những công việc hàng ngày của bạn mà bạn đang làm.
– Hát cho bé nghe những bài hát đơn giản và dạy cho bé thuộc theo kiểu truyền khẩu hiệu.
– Khi bé đã đủ lớn, hãy tìm những trò chơi ngôn ngữ như chơi ô chữ hoặc đố vui ghép từ để cùng chơi với bé.
Từ 1 đến 5 tuổi: Giai đoạn phát triển trí thông minh lôgic
Cờ vua là một trò chơi trí tuệ, tăng cường khả năng liên hệ theo không gian |
Đó là năng lực giải quyết vấn đề có liên quan trực tiếp đến khả năng thị giác, thính giác và xúc giác của bé. Nhưng còn một điều thú vị khác mà không phải bà mẹ nào cũng biết: Theo báo cáo khoa học của Đại học Georgia, khả năng toán học ở trẻ em thường phát triển cùng với khả năng liên hệ theo không gian, giải quyết vấn đề một cách khoa học và logic.
Phát triển trí thông minh lôgic cho bé bằng cách:
– Đưa cho bé những đồ vật với nhiều hình dạng, màu sắc và chất liệu khác nhau để bé quan sát và nhận xét.
– Cho bé nghe nhạc cổ điển.
– Trong điều kiện của gia đình, hãy cho bé chọn và chơi một loại nhạc cụ nào đó.
– Treo một tấm gương nhỏ trong phòng của bé.
– Khi bế bé ra ngoài dạo chơi, hãy chú ý để bé quay mặt ra ngoài đường, chứ không úp mặt vào mẹ, vì như vậy bé sẽ có nhiều cơ hội để quan sát cuộc sống hơn.
– Hãy chọn cho bé chơi những thứ đồ chơi phát ra âm thanh dễ chịu mỗi khi bé cầm.
– Dạy cho bé cách sắp xếp đồ vật theo chủng loại: chẳng hạn như quần và áo có thể để chung với nhau, nhưng quần áo không nên để chung với bát đĩa…
– Dạy cho bé đếm số, và hãy cùng bé thực hành kỹ năng mỗi khi có thể.
– Từ 4-5 tuổi, có thể dạy trẻ học thuộc các chữ cái, tập đọc những từ đơn giản.
– Bắt đầu học chơi một nhạc cụ: Việc học chơi nhạc chỉ nên bắt đầu khi bé lên 5. Ở lứa tuổi này, bé đã có thể ngồi một chỗ và tập trung tư tưởng trong ít nhất nửa giờ đồng hồ. Đó là điều kiện cần thiết để bắt đầu bài học với các nhạc cụ.
Vân Sam (chọn) – Theo MYC
(vietnamnet.vn)