Phận đời những đứa bé sống xa cha mẹ
Zhou Jing, 14 tuổi, một trong 58 triệu “đứa trẻ bị bỏ lại” ở nông thôn Trung Quốc. Ảnh: ChinaDaily |
“Đôi lúc, cháu cảm thấy như mình bị bố mẹ bỏ rơi”, cô bé nói với một tiếng thở dài.
Zhou là một trong số hàng triệu trẻ em trên khắp Trung Quốc, được gọi với cái tên “những đứa trẻ bị bỏ lại”. Các em là con của những công nhân nhập cư, bị bố mẹ để lại ở nông thôn và lớn lên dưới sự chăm sóc của ông bà hoặc người thân.
Zhou Jin đang sống cùng ông bà, em gái và anh họ tại thị trấn Fushan, tỉnh Hà Nam. Bố mẹ của em, những công nhân, hiện làm việc ở Từ Châu, tỉnh Giang Tô.
He Enfu, 68 tuổi, bà của Zhou, cho biết các công việc ở thành phố sẽ kiếm được nhiều tiền hơn so với việc làm nông ở một ngôi làng miền núi.
“Gia đình tôi có 9 thành viên, nhưng chỉ có 0,3 ha đất ruộng. Với số đất đó, chúng tôi chỉ có thể đủ sống chứ chẳng dư dật được đồng nào”, bà nói với ChinaDaily.
“Khu vực miền núi không thích hợp cho việc xây dựng nhà máy. Vì vậy cơ hội việc làm ở đây cũng không nhiều”, Qiu Zhouhe, phó thị trưởng thị trấn Fushan, nói. “Với lý do đó, phần lớn thanh niên đều tới những nơi khác để tìm kiếm các công việc tốt hơn.”
Ông Qiu cho biết, trong số 31.000 dân của thị trấn này, có hơn 7.000 người đã đi làm ăn xa xứ.
Cuộc sống khó khăn
Theo Hiệp hội Phụ nữ Trung Quốc, khoảng 58 triệu thiếu nhi nước này đã trở thành “những đứa trẻ bị bỏ lại” khi bố mẹ các em chuyển tới những thành phố lớn, theo một thống kê năm 2010. Cũng theo số liệu này, 1/4 trẻ em nông thôn Trung Quốc đang phải lớn lên mà không có vòng tay chăm sóc của cha mẹ.
Khoảng 79,7% trong số những đứa trẻ này được ông bà chăm sóc, 13% được giao cho người thân hoặc bạn bè, trong khi 7,3% còn lại phải sống tự lập, Hiệp hội Phụ nữ Trung Quốc cho hay.
Theo bà He, các con bà buộc phải để chị em Zhou ở quê bởi không thể trang trải chi phí cho việc nuôi dạy hai đứa trẻ tại thành phố, nơi học phí, đồ ăn và tiền nhà luôn rất đắt đỏ.
“Làm việc suốt ngày đêm và không nghỉ cuối tuần, bố mẹ của con bé có thể kiếm được từ 4.000 tới 5.000 tệ một tháng”, bà He nói. (5.000 tệ tương đương 16 triệu đồng).
Những cuộc nói chuyện điện thoại giữa Zhou và bố mẹ luôn chỉ xoay quanh các công việc thường ngày và thành tích học tập của cô bé. “Cháu chẳng có chủ để nào khác ngoài hai câu hỏi quen thuộc ấy”, Zhou cho biết.
Trái với Zhou, bố mẹ của cô bé từ chối phỏng vấn, chỉ nói rằng họ luôn cảm thấy rất buồn vì không thể sống cùng hai cô con gái.
Xiang Yongjian, một công nhân nhập cư, 33 tuổi, cho biết anh đã xa con gái từ khi cô bé mới lọt lòng. Mặc dù nhớ cô bé rất nhiều, những Xiang nói hai vợ chồng anh không thể cho con gái đi cùng họ tới Quảng Đông, nơi họ làm việc từ năm suốt 8 năm trời.
“Vì cả hai đều phải làm việc quanh năm mà không có ngày nghỉ, nên chúng tôi chẳng thể dành thời gian để chăm sóc cho con cái”, Xiang nói. “Với thu nhập chỉ khoảng 2.500 tệ một tháng, chúng tôi cũng không thể thuê một người trông trẻ.”
Tuy vậy, Xiang cho biết hai vợ chồng anh luôn rất nhớ con. Họ đã không thể kìm được nước mắt khi nghe giọng cô bé qua điện thoại. “Cảm giác thật khó khăn khi thấy những người cha người mẹ khác chơi đùa với con cái trong công viên.”
“Không tiền, không hạnh phúc”, Xiang nói. “Có thể việc xa rời bọn trẻ tạm thời có thể gây đau đớn, nhưng chúng tôi không còn lựa chọn nào khác. Chẳng ai muốn sống trong cảnh khổ cực suốt đời.”
Những vết sẹo không thể chữa lành
Vợ Xiang vừa mang thai hồi năm ngoái, do đó họ quyết định trở về quê hương.
Lương tháng của cả hai vợ chồng được khoảng 7.000 tệ khi họ rời khỏi nhà máy ở Phật Sơn. Tuy nhiên, Xiang cho biết anh sẵn sàng đổi công việc lấy cơ hội được ở bên các con.
“Con gái tôi đã phải trải qua tuổi thơ xa bố mẹ. Tôi không muốn tiếp tục lặp lại điều đó với cậu con trai mới sinh”, anh nói.
Sau 7 năm làm việc ở Phật Sơn, vợ chồng Xiang đã kiếm đủ tiền để xây nhà, mua một chiếc ô tô trị giá 70 nghìn tệ và mở nhà hàng gần một trường học của thị trấn.
Mặc dù thành quả đạt được không khỏi khiến anh hạnh phúc, nhưng việc cô con gái đang dần trở thành một đứa trẻ bướng bỉnh và không chịu vâng lời làm Xiang vô cùng lo lắng.
Cô bé thường xuyên nói dối bố mẹ rằng không có bài tập về nhà, trong khi các giáo viên luôn khẳng định rằng mọi học sinh đều được giao bài tập sau mỗi buổi lên lớp.
“Khi phát hiện con bé nói dối, tôi đã cho nó một cái bạt tai”, anh nói. “Tôi quá tức giận đến mức không thể kiềm chế được bản thân.”
Xiang cho rằng sự nổi loạn của con gái anh là bởi quãng thời gian thiếu vắng sự dạy bảo của bố mẹ. “Dù sao, tôi vẫn nợ con bé rất nhiều”, anh lặp lại điều này nhiều lần.
Trong khi các bậc phụ huynh luôn ngày ngày nhớ mong con cái, phần lớn những đứa trẻ được phỏng vấn nói các em không nghĩ về bố mẹ quá nhiều.
“Cháu còn chẳng thế nhớ bố mẹ trông như thế nào nữa”, Zhou Jing nói.
Zhou cho biết cô bé chỉ thường nghĩ về bố mẹ khi bị những đứa trẻ nghịch ngợm ở trường bắt nạt.
“Nếu bố mẹ ở nhà để bảo vệ cháu, mọi chuyện chắc sẽ tốt hơn.”
Quỳnh Hoa
(vnexpress.net)