Thuốc nội giá rẻ vẫn bị chê
Thuốc nội giá rẻ vẫn bị chê
Cho rằng uống thuốc nội không tốt, nhiều người bệnh vẫn muốn mua thuốc ngoại dù đắt hơn rất nhiều. Trong khi đó, theo các chuyên gia ngành dược, thuốc sản xuất trong nước chất lượng không thua hàng nhập khẩu.
Phát biểu tại hội thảo – triển lãm thuốc Việt diễn ra ở TP HCM ngày 6/5, bà Phạm Khánh Phong Lan, Chủ tịch Hội dược học TP HCM cho biết, tình trạng người bệnh và cả bác sĩ e dè trước thuốc nội vẫn còn tồn tại, dù gần đây rộ lên phong trào kêu gọi “người Việt dùng thuốc Việt”.
Không ít bệnh nhân đến cửa hàng dược phẩm mua thuốc cảm thông thường, thấy dược sĩ bán liều một ngày chưa đến 10.000 đồng thì tỏ ý quan ngại và đòi đổi thuốc ngoại đắt tiền hơn. Trong khi đó, thuốc ngoại chỉ khác tên, còn hoạt chất của thuốc cũng tương đương.
Bà Lê Thị Mỹ Châu, Chủ tịch hội đồng quản trị hệ thống nhà thuốc Mỹ Châu nói rằng, dù đã được giải thích thuốc sản xuất trong nước cũng có cùng nguồn gốc nguyên liệu giống với thuốc ngoại, chất lượng vì thế tương đương nhau, song không phải người bệnh nào cũng chịu tin.
Trong khi đó theo tiến sĩ Lan, trừ các loại thuốc độc quyền chuyên trị các bệnh chuyên khoa tim, mắt, ung bướu mà các công ty trong nước chưa sản xuất; thuốc thông thường như trị cúm, kháng sinh kháng viêm, được chế biến trong nước vừa rẻ hơn thuốc ngoại nhiều lần mà chất lượng không kém.
Giá của hầu hết thuốc sản xuất trong nước, theo bà Lan, chỉ bằng nửa, thậm chí thấp hơn nửa so với giá thuốc tương đương được nhập khẩu. Cụ thể, một viên thuốc cảm trong nước giá chưa đến 300 đồng, trong khi một viên thuốc ngoại cùng trị cảm lại có giá từ 500 đến 700 đồng, nhiều loại lên đến vài nghìn đồng. Giá một chai thuốc nhỏ mắt sản xuất trong nước chỉ vài nghìn đồng, trong khi loại ngoại nhập giá đến vài chục nghìn.
Khảo sát của VnExpress.net cũng cho thấy, hầu hết giá kháng sinh trong nước chỉ bằng nửa, thậm chí có loại rẻ hơn hàng ngoại đến 8 lần.
Theo bà Lan, không chỉ người bệnh chưa hiểu để tin vào thuốc Việt, ngay cả bác sĩ trong bệnh viện khi kê toa cho bệnh nhân cũng thường hướng tới các loại thuốc ngoại đắt tiền. Thực tế này được ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế, giải thích là do việc kê đơn phụ thuộc vào quan điểm của bác sĩ mà điều này vốn không bị khống chế.
Một trong những nguyên nhân mấu chốt khiến thuốc sản xuất trong nước vẫn chưa được quan tâm, theo các chuyên gia ngành dược là do thuốc nội chỉ mới tập trung đầu tư nhóm hàng phổ thông chứ chưa hướng đến các loại thuốc đặc trị. Thêm nữa, chiến lược tiếp thị còn yếu nên không thể cạnh tranh với thuốc ngoại và đành an phận.
Nói về việc thay đổi thói quen tiêu dùng thuốc, ông Ngô Chí Dũng, Tổng giám đốc hệ thống nhà thuốc Eco cũng cho rằng, đây không phải là chuyện một ngày một buổi có thể làm được. Theo ông Dũng, muốn được người tiêu dùng biết đến, các công ty dược nội cần đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm, đồng thời tạo được uy tín từ chất lượng. Bên cạnh đó, việc các hiệu thuốc mạnh dạn kinh doanh thuốc nội và tư vấn cho người bệnh hướng đến sử dụng thuốc nội cũng giữ một vai trò quan trọng.
“Với tỷ lệ 40-60% thuốc nội được kinh doanh, quan điểm của chúng tôi là làm cho người bệnh hiểu được họ nên dùng loại thuốc nào để vừa có giá thành thấp vừa có kết quả điều trị tốt”, ông Dũng nói.
Đại diện nhà thuốc Mỹ Châu cũng cho biết, hiện hệ thống này có đến hơn 50% sản phẩm nội. “Chọn đưa thuốc nội vào kinh doanh là chấp nhận lãi ít hơn, tuy nhiên để người bệnh không phải chịu cảnh còng lưng cõng thuốc”, bà Châu nói.
Theo các doanh nghiệp dược Việt Nam, với 101 nhà máy đạt chuẩn Thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP -WHO), hiện nay có thể sản xuất tất cả các loại thuốc thiết yếu dùng trong cả nước. Song việc cạnh tranh với thuốc ngoại từ lâu đã trở thành cuộc chiến cam go. Nguyên nhân chính do thiếu kinh phí chi cho quảng cáo và chiết khấu. Thứ hai, quá nhiều mặt hàng thuốc thiết yếu ngoại vẫn được cấp phép vào Việt Nam. Trong khi đó, những người cấp phép lại biết rõ chất lượng loại thuốc này sản xuất trong nước lại không thua kém hàng ngoại.
“Để thuốc nội có cơ hội đến gần với người dân, rất cần sự hỗ trợ công tâm từ phía cơ quan quản lý trong việc cấp số đăng ký lưu hành sản phẩm và cân chỉnh khoản kinh phí dành cho công tác quảng bá”, một giám đốc công ty dược nói.
Thiên Chương
Nguồn: VnExpress