Người phố quay lại với tục gói bánh chưng
Khệ nệ xách túi gạo nếp mẹ gửi từ quê ra, chị Tâm xếp ngay ngắn cạnh bó lá dong và ít đậu xanh chị và cô con gái chọn mua sáng qua. Đây là Tết đầu tiên tự tay gói bánh nên cả nhà chị đều rất hào hứng.
Chị Tâm cho biết, hai vợ chồng chị đều quê Thái Bình, năm nào cũng về ăn Tết với bố mẹ, và các cụ đã gói sẵn bánh rồi. Năm nay, vì dự sinh là ra giêng, chị không thể đi lại xa, ông bà nói sẽ gửi bánh cho, nhưng chị lại muốn tự tay làm cho ý nghĩa.
“Gia đình mình và nhà cô bạn sẽ tập trung gói và đun ở nhà mình ngay hôm được nghỉ làm, rồi liên hoan tất niên luôn. Lá dong, gạo nếp, xôi đỗ… hôm qua đã mua hết rồi. Hai nhà chỉ gói tầm chục chiếc để ăn thôi. Cô con gái đầu của mình nghe mẹ kể về việc gói bánh háo hức lắm, làm bố mẹ cũng mong nhanh tới Tết”, chị Tâm chia sẻ.
Chị cho biết, vì ông xã biết gói bánh nên mọi việc khá đơn giản, vấn đề nan giải là khâu luộc. “Nhà mình chật, không thể đun củi được, cũng chẳng kiếm đâu ra nồi to mà luộc chục cái. Tính đi tính lại, cuối cùng quyết định đun bánh bằng than tổ ong, mượn nồi gang của bác hàng xóm chuyên bán cháo sườn”, chị Tâm kể.
Gia đình ông Luyến ở Tây Hồ (Hà Nội) năm nào cũng gói bánh chưng Tết. Ảnh: Khánh Huyền. |
Chưa từng gói bánh lần nào nhưng Tết năm nay, anh Thanh (Hà Đông, Hà Nội) cũng quyết tâm sẽ tự tay làm bánh chưng đón Tết.
“Nhà mình ăn ít, mọi năm mình toàn nhận nhiệm vụ đi đặt và lấy bánh chưng. Năm ngoái, chính mắt chứng kiến có quả pin trong nồi bánh đang vớt, mình sợ hết hồn. Năm nay sẽ tự gói, không biết thì học. Cũng muốn cho cậu con trai vừa vào tiểu học biết không khí nấu bánh chưng là thế nào, để cảm nhận hương vị đầy đủ của Tết”, anh Thanh cho biết.
Chưa tự tin lắm, anh đã nhờ ông chú ghé hướng dẫn. Mọi công việc chuẩn bị được anh phân công cụ thể: bà xã phụ trách khâu cọ rửa lá, ngâm gạo, đỗ, thái ướp thịt, cu con thì đưa lá, nối lạt để bố và ông trẻ gói. Riêng khâu đun, trông bánh anh đảm trách.
Theo anh Thanh, vì cả hai vợ chồng đều bận đi làm, nên tới 28 Tết anh mới có thể bắt tay gói bánh. “Vất vả hơn nhiều đấy, nhưng không ai ngại, mà lại thấy vui”, anh hồ hởi nói.
Gói bánh chưng dịp Tết là phong tục đẹp, đã tồn tại qua nhiều đời ở nước ta, nhưng cũng dần mai một ở nhiều thành phố lớn do điều kiện kinh tế, xã hội đổi khác.
Hiện nay, không ít người trẻ thành thị muốn khơi lạ ý nghĩa này, tạo không khí Tết cổ truyền cho gia đình, con cái, nên đã tự tay gói bánh chưng, dù chỉ làm vài chiếc và trước đó chưa từng cầm tới lá dong, gạo nếp… Nhà cửa chật chội, nhiều gia chủ còn sáng tạo ra cách đun bánh chưng bằng bếp than tổ ong, hay nồi áp suất.
Trên một số diễn đàn của phụ huynh, không ít người đăng đàn hỏi cách gói bánh đón Tết. Thành viên Sonlien kêu gọi sự giúp đỡ trên Webtretho: “Các mẹ thông thái ơi, năm nay em quyết tâm tự gói bánh chưng, nhưng chưa biết gói ạ. Mẹ nào biết gói bánh chưng bằng khuôn thì hướng dẫn em cụ tỉ với ạ, từ cách cắt lá, xếp lá vào khuôn…”.
Thực tế, chủ đề này được khá nhiều thành viên hưởng ứng, chia sẻ. Một số thành viên còn đưa cả những clip dạy gói bánh chi tiết lên để mọi người tham khảo và áp dụng. Một thành viên trên web còn tâm sự: “Năm nay nhà mình cũng tự làm bánh. Cả hai vợ chồng đều chưa gói bao giờ, nhưng cứ thử, tròn ăn tròn, méo ăn méo, quan trọng là cả nhà vui, con cái thấy được ý nghĩa của Tết”.
Duy trì nếp gói bánh chưng từ vài năm trở lại đây dù công việc bận rộn, chị Diễm (Hoàng Mai, Hà Nội) bộc bạch: “Bây giờ cần gì cũng sẵn nhưng vẫn muốn tự tay làm. Có nồi bánh, Tết vất vả bận rộn hơn nhiều, nhưng nếu không gói thì thấy Tết nhạt đi bao nhiêu”..
Chị cho biết, mấy năm nay, 3-4 gia đình xóm chị thường rủ nhau nấu chung một nồi bánh. Mọi người góp tiền lại rồi phân công nhau từng việc, sau đó sẽ tập trung cùng làm ở nhà một người, rồi bánh chín thì chia ra mỗi nhà vài chiếc. Những dịp đó, trẻ con trong xóm thường túm tụm lại, lon ton, hứng khởi làm chân sai vặt, đứa lớn thì lau lá, cắt lá, đứa nhỏ thì xếp bánh…
“Công đoạn đun bánh là vui nhất, bọn trẻ xúm xít vây quanh, mua thêm vài củ khoai, bắp ngô, bỏ vào bếp nướng trong lúc đợi bánh. Rộn ràng, háo hức lắm”, chị Diễm kể.
Vương Linh