Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút nhóm tàu vi phạm ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế
Bộ Ngoại giao Việt Nam mới đây đã yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định hòa bình ở khu vực.
Ngày 19/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã có phản hồi về phát biểu của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 17/7 liên quan đến diễn biến ở khu vực Biển Đông.
Bà Hằng cho biết, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.
Video: VN nêu tên TQ ‘vi phạm vùng đặc quyền kinh tế’ (nguồn: VOA)
“Đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên”, bà Hằng tuyên bố.
Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm
Bà Hằng cho biết, Việt Nam đã nhiều lần tiếp xúc với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Gần đây nhất là việc Việt Nam phản đối Trung Quốc tự ý tổ chức các hoạt động kỷ niệm 6 năm thành lập ‘thành phố Tam Sa’, lắp đặt và đưa vào sử dụng phao đèn quan trắc sóng biển ở Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa vào tháng 8/2018 hay việc kênh Thiếu nhi Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc tổ chức chương trình truyền hình thực tế cho thiếu nhi, Đại học Trung Sơn Trung Quốc thực hiện một loạt các khảo sát khoa học tổng hợp ở quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam…
Luôn giữ vững lập trường, tuân thủ luật biển quốc tế 1982
Bất chấp các hoạt động khiêu khích của Trung Quốc, cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang hết sức bình tĩnh và kiên trì không sử dụng vũ lực, luôn giữ vững lập trường là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Bà Hằng, phát ngôn viên Bộ ngoại giao cũng chia sẻ thêm rằng, việc duy trì trật tự, hòa bình, an ninh ở khu vực Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực cũng như cộng đồng quốc tế nên Việt Nam mong muốn các nước liên quan và cộng đồng quốc tế cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung này.
Đây cũng là lần thứ 2 Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng chính thức về việc vụ này, sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng yêu cầu Việt Nam “nghiêm túc tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc đối với các vùng lãnh hải liên quan và không có bất kỳ hành động nào làm phức tạp tình hình” tại cuộc họp báo ngày hôm 17/7.
Diễn biến tình hình Biển Đông
Theo nguồn tin của phóng viên, từ ngày 3/7 đến 17/7/2019 tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 thuộc quyền quản lý và sử dụng của chính phủ Trung Quốc đã đi vào vùng biển gần với khu vực Bãi Tư Chính – Vũng Mây, gần với lô 06-01 của Việt Nam.
Đây không phải là vùng biển tranh chấp mà thuộc vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo luật biển quốc tế 1982 (UNCLOS) mà cả Trung Quốc và Việt Nam đều là thành viên.
Đi theo bảo vệ tàu này còn có ba tàu hải giám của Trung Quốc được vệ tinh phát hiện, đặc biệt là tàu hải giám trên 10.000 tấn ký hiệu 3901 và tàu dân quân biển Qiong Sansah Yu0014.
Theo đó, các tàu cảnh sát biển Việt Nam cũng được điều động đến khu vực này, thực hiện các hoạt động cần thiết để bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Ngoài ra, từ ngày 18/6 đến nay tàu cảnh sát biển được trang bị vũ khí hạng nặng ký hiệu 35111 của Trung Quốc đã neo đậu cách Bãi Tư Chính 40 dặm về phía tây (hôm 12/7 tàu này có di chuyển đến Bãi Chữ Thập và đã quay trở lại khu vực Bãi Tư Chính).
Tuy không trực tiếp tham gia vào việc đi theo bảo vệ tàu Hải Dương 8 nhưng tàu này lại thực hiện các hành vi rất khiêu khích xung quanh dàn khoan Hakuryu-5, ở lô 06-01 thuộc Dự án Nam Côn Sơn, liên doanh của Việt Nam với Nga.
Vũ Tuấn (t/h)