Việt Nam có cơ hội ngắm trận mưa sao băng đẹp nhất trong năm
Theo các nhà Thiên văn học, mưa sao băng Geminids sẽ xảy ra vào ngày 13-14/12 tới và người dân Việt Nam hoàn toàn có thể quan sát hiện tượng này mà không cần đến bất kì thiết bị hỗ trợ nào.
Mưa sao băng Geminids (Geminids Meteor Shower) là hiện tượng diễn ra vào tháng 12 hàng năm khi Trái đất di chuyển qua khu vực có chứa các dải đá bụi. Theo các nhà khoa học, dải đá bụi này là tàn tích của sao chổi 3200 Phaethon sau khi nó di chuyển cắt ngang quỹ đạo của Trái đất trong quá khứ.
Tại Việt Nam, thời điểm lý tưởng nhất để quan sát trận mưa sao băng này là từ 1-3h sáng ngày 14/12. Vào thời điểm đó, chòm sao Gemini (Song Tử), trung tâm của trận mưa sao băng đang nằm rất cao trên bầu trời phía Đông, gần như ngay trên đỉnh đầu của bạn. Bạn có thể xác định hình dạng của nó như bức hình phía dưới, chú ý hai ngôi sao rất sáng của nó là Pollux và Castor. Tất nhiên, trên thực tế, bạn vẫn có thể quan sát trước giờ cực điểm nêu trên, khi chòm sao Gemini mới đang nằm hoàn toàn ở phần bầu trời phía Đông.
Mưa sao băng Geminids rất sáng, lại rơi vào ngày không trăng nên rất dễ để quan sát. Theo ước tính, ở điều kiện trời quang, bạn có thể nhìn thấy tới 50 – 100 vệt sao băng/giờ.
Tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, mật độ bụi và ánh sáng trong không khí rất nhiều nên ngay cả khi thời tiết lý tưởng, người quan sát cũng cần chọn địa điểm phù hợp để có thể ngắm hiện tượng này.
Dưới đây là một số hướng dẫn:
- Chọn địa điểm phù hợp, tránh xa nơi có ánh sáng nhân tạo.
- Mặc áo ấm cẩn thận bởi thời điểm về đêm rất lạnh.
- Bạn không cần kính thiên văn hay bất cứ dụng cụ nào mà chỉ cần một đôi mắt tinh tường.
- Thời điểm từ 1h – 3h là thời gian lý tưởng nhất để quan sát.
- Hãy đứng khoảng 5 phút ngoài trời để cho mắt quen dần với bóng tối. Nếu bạn có thể đếm được trên 50 ngôi sao thì có nghĩa là trời quang mây và tầm nhìn tốt. Ngược lại thì bạn nên… quay về đi ngủ.
Cuối cùng khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện, hãy thật kiên nhẫn bởi ngay cả vào lúc cực điểm, bạn cũng có thể phải nhìn liên tục tới 10 phút mới thấy một vệt sao băng lao qua.
Chúc các bạn may mắn!
Theo Khoahoc