Vì sao Triệu Vy bị phong sát, còn “trùm bê bối” Thành Long vẫn bình an vô sự?
Liên quan đến sự kiện chính quyền Bắc Kinh liệt Triệu Vy vào danh sách “nghệ sĩ có vết nhơ” và tiến hành “phong sát” toàn diện, nhà bình luận thời sự Phan Trác Hồng cho rằng, bàn về “vết nhơ”, Thành Long mới là người đứng đầu danh sách với hàng loạt những bê bối “để đời”, nhưng tại sao ông ta vẫn bình an vô sự, còn Triệu Vy lại bị phong sát?
Trước đó, có thông tin lan truyền nói rằng Triệu Vy bị liệt vào danh sách “nghệ sĩ có vết nhơ” cần phải được “chấn chỉnh”. Vậy nên, chỉ sau một đêm, hàng chục tác phẩm mà Triệu Vy tham gia đã liên tiếp bị xóa bỏ trên các nền tảng mạng nổi tiếng của Trung Quốc, bao gồm cả những bộ phim truyền hình và điện ảnh kinh điển như “Hoàn châu Cách Cách”, “Tân dòng sông ly biệt” và “Họa bì” . Không chỉ vậy, Weibo của Triệu Vy cũng bị cấm, và từ khóa Triệu Vy cũng biến mất trên các nền tảng tìm kiếm video.
Phan Trác Hồng chỉ ra, việc chính quyền sử dụng từ ngữ “nghệ sĩ có vết nhơ, nghệ sĩ thất đức” để mô tả, giống như nói rằng các nghệ sĩ này đã làm những chuyện thất đức, bao gồm cả không yêu nước hoặc lừa dối…, vậy nên phải chịu chế tài. Thế nhưng, đại bộ phận những nghệ sĩ này đều có một điểm chung, bọn họ không nhất định là không yêu nước, cũng không nhất định là sùng bái Nhật Bản.
Ông tiếp tục nói, nếu bàn về “thất đức”, nhất định phải kể đến Thành Long. Ông ta từng ngoại tình và có con riêng với nữ minh tinh Ngô Ỷ Lợi, nhưng lại không nhận mặt và chăm sóc cho con gái riêng Ngô Trác Lâm của mình, đây chính là hành vi “thất đức”. Tuy vậy, Thành Long lại chẳng hề hấn gì, “ngược lại ông ta còn được tuyên truyền như một hình tượng yêu nước hoặc hình tượng anh hùng chính nghĩa”.
Còn nói về Triệu Vy, Phan Trác Hồng cho rằng dường như cô đã dính vào cuộc đấu đá quyền lực trong quan trường Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Hồi đầu tháng 10, trên Weibo Đại lục lan truyền danh sách “Phong sát toàn diện những nghệ sĩ có vấn đề”, bao gồm 21 nam và 4 nữ. Danh sách này được chia thành ba nhóm, bao gồm: “Vấn đề chính trị”, “Vi phạm pháp luật, loạn kỷ cương”, “Vi phạm đạo đức”. Trong đó, ngôi sao Triệu Vy đứng đầu trong nhóm có “Vấn đề chính trị”, con trai của Thành Long là Phòng Tổ Danh bị liệt vào nhóm “Vi phạm pháp luật, loạn kỷ cương”.
Phan Trác Hồng xem xét từ những sự kiện mà Triệu Vy đã trải qua trong quá khứ, cho thấy mối quan hệ của cô với Jack Ma bắt đầu từ năm 2014 đến 2015. Khi đó, vợ chồng Triệu Vy đã gia nhập và trở thành cổ đông lớn thứ hai của Alibaba Pictures, sau khi bán cổ phần đã thu về hơn 2 tỷ Nhân dân tệ (NDT).
Nhưng đến năm 2016-2017, khi vợ chồng Triệu Vy mua lại 29,1% cổ phần của công ty Văn hóa Vạn Gia (Wanjia Culture), ngoại giới phát hiện ra bọn họ chỉ là “thùng rỗng”. Triệu Vy đã chi 3,06 tỷ NDT để mua lại cổ phần của Văn hóa Vạn Gia, nhưng vốn riêng của cô chỉ có 60 triệu NDT, ngân hàng cho vay 1,5 tỷ, 1,5 tỷ còn lại là của người không rõ danh tính. Tất nhiên, cuộc điều tra sau đó cho thấy có liên quan đến Giang Trạch Dân. Có thể thấy tỷ lệ đòn bẩy lên đến 51 lần.
Ông đặt câu hỏi: vợ chồng Triệu Vy đã kiếm được hơn 2 tỷ NDT khi bán cổ phần của Ali Pictures, tại sao lại không có tiền để mua lại cổ phần của Văn hóa Vạn Gia? “Điều đó có nghĩa là Triệu Vy đã lợi dụng thân phận ngôi sao của mình ở Hồng Kông để đẩy giá cổ phiếu của Ali Pictures lên cao”, đây là “vai trò đặc biệt” của Triệu Vy. Hơn nữa, toàn bộ quá trình đẩy giá cổ phiếu chỉ là quảng cáo, “Trên thực tế, vợ chồng Triệu Vy có thể không nhận được lợi ích từ việc bán cổ phần”, hơn 2 tỷ NDT có rơi vào túi của vợ chồng Triệu Vy hay không vẫn là một câu hỏi lớn.
Phi vụ thu mua cổ phần Văn hóa Vạn Gia thất bại đã gây ra tác động tới thị trường và các nhà đầu tư, khiến cho giá trị cổ phiếu của Văn hóa Vạn Gia bị sụt giảm nghiêm trọng, không ít cổ đông đã đâm đơn kiện vợ chồng Triệu Vy. “Nhưng Triệu Vy dường như chưa muốn dừng lại, vẫn tiếp tục kinh doanh bằng phương pháp đòn bẩy cao”, ông Phan nhận định.
Ông Phan Trác Hồng phân tích, có lẽ vì thủ đoạn kinh doanh ‘lợi dụng danh tiếng của mình để thu về tài phú’ của Triệu Vy, đã thu hút sự chú ý của cơ quan quản lý. Việc phong sát Triệu Vy cũng chính là “hủy hoại thanh danh của cô ấy trong một đêm”, như vậy 2 vợ chồng họ không thể lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình trong showbiz để “gây sóng gió”, thu lợi trên thị trường đầu tư nữa. Ngoài ra, ông cho rằng Triệu Vy có sự khác biệt với các nghệ sĩ có vết nhơ khác, bởi đằng sau cô còn liên quan đến vòng tròn quyền lực.
Về việc chính quyền thường xuyên chèn ép những người nổi tiếng, Phan Trác Hồng nói rằng khi ĐCSTQ phát hiện ra việc sùng bái thần tượng của người dân nằm ngoài tầm kiểm soát, thì đương nhiên họ sẽ trấn áp. Ông nhận thấy tại Gala Lễ hội mùa xuân của CCTV có sử dụng thần tượng trí tuệ nhân tạo AI, “không sử dụng người thật, sử dụng thần tượng giả”, “nếu một thần tượng được tạo ra bằng AI có thể thành công, thần tượng này chắc chắn sẽ bị kiểm soát bởi nhà nước và các tổ chức”, điều này cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang ngăn chặn nghiêm ngặt các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật có nguy cơ uy hiếp đối với chính quyền.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)