Vì sao nói tu tâm dưỡng đức mới là phong thủy lớn nhất của đời người?
Người phương Đông rất chú trọng đến phong thủy, bất kể làm việc lớn nhỏ gì đều cân nhắc đến nó. Tuy nhiên, còn có một nhân tố khác, vượt trên mọi yếu tố phong thủy, nằm trong bản thân mỗi con người.
Nói về phong thủy, người xưa có câu rằng: “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”. Phong thủy thực sự có thể khởi tác dụng đối với sức khỏe và may mắn cho con người. Tuy nhiên, phong thủy không thể là nguyên nhân mang đến thành công hay sức khỏe, bởi nó không vượt khỏi lý phổ quát hơn của vũ trụ và nhân sinh: thiện tâm thực sự mới mang lại phúc báo, cải thiện vận mệnh và hoàn cảnh của bạn.
“Tu tâm” là cách điều chỉnh phong thủy
Người phương Đông có câu: “Người ta sinh ra một thiện niệm, tuy chưa biến thành việc thiện, nhưng đã được thần may mắn bảo hộ rồi”. Người phương Tây tin rằng: “Những điều xuất phát từ trái tim sẽ chạm đến trái tim”. Thiện niệm thực sự là phương thuốc màu nhiệm làm chấn động lương tâm con người, có sức mạnh vĩ đại để xóa đi mọi hận thù.
Không những thế, khoa học còn cho thấy thiện niệm có khả năng cải biến sức khỏe và môi trường sống của bạn. Vậy thì thiện niệm chẳng phải là phong thủy tốt nhất cho cuộc đời bạn hay sao?
Trong cuộc đời, mỗi ngày của một người thông thường đều trải qua hỉ (mừng rỡ), nộ (tức giận, phẫn uất), ai (buồn rầu, bi ai) , lạc (vui vẻ). Hỉ, nộ, ai, lạc cũng được phân thành ngũ hành.
Theo trung y, tức giận làm tổn thương gan, sắc dục làm tổn thương thận, mừng rỡ làm tổn thương tim, buồn đau làm tổn thương phổi. Vì vậy, cảm xúc của con người cần phải ổn định, mừng vui quá hay đau buồn quá cũng đều không tốt cho sức khỏe thân thể, làm hại trực tiếp đến lục phủ ngũ tạng.
Cho nên cổ nhân mới có câu danh ngôn: “Vinh nhục bất kinh khán đình tiền hoa khai hoa lạc, khứ lưu vô ý vọng thiên ngoại vân quyển vân thư”. Nghĩa là, không quan tâm điều hơn lẽ thiệt, ở trước sân ngắm hoa nở hoa tàn, tùy ý ra đi hay ở lại, nhìn khung trời mây tụ mây tan.
Một người làm việc mà có thể xem vinh nhục cũng bình thường như đóa hoa kia sớm nở tối tàn, thì mới có thể giữ cho nội tâm bình lặng không kinh động. Người có thể xem chức vị đến rồi đi biến đổi thất thường tựa như mây tụ mây tan, thì mới có thể giữ được tâm vô vi thanh tịnh.
Người mà có thể được thì không hoan hỉ, mất cũng không ưu phiền, vinh sủng hay chịu nhục cũng không kinh động, ra đi hay ở lại cũng không bận tâm. Như vậy mới có thể giữ tâm cảnh ôn hòa, thanh bạch tự nhiên. Người như vậy thì tự nhiên thể xác và tinh thần đều khỏe mạnh, vận khí cũng tốt. Người không tranh quyền, đoạt lợi, tu tâm thanh tịnh thì sẽ không có người đối địch, cuộc sống cũng thanh đạm, không lo lắng, cát tường.
“Đức” là phong thủy lớn nhất của con người
Theo như Đạo Đức kinh, đức luôn được vận hành với đạo, trong đó đạo chính là yếu tố có trước và đức có sau, phụ thuộc vào đạo. Khổng giáo quan niệm sống đúng với luân thường chính là có đức. Đức là cái gốc muôn hạnh cũng là cái gốc để cho con người lập thân.
Người sống có đức sẽ nhận được nhiều phúc báo. Người xưa thường nói phong thủy là nói đến nhà cửa, đất đai, nhưng thực ra, phong thủy lớn nhất đời người chính là bản thân họ, là chữ đức!
Vậy “Đức” được hiểu như thế nào? Dưới đây, chúng ta cùng đi phân tích chữ “Đức” này trong tiếng Hán để hiểu thêm về ý nghĩa của nó.
Chữ “Đức” (“德” ) trong tiếng Hán bao gồm năm bộ phận cấu thành, đó là “彳” (Xích) “十” (Thập) “罒” (là chữ Mục “目” nằm ngang) “一” (Nhất) và “心” (Tâm).
Trong đó “彳” (Xích) chỉ bước đi chậm rãi, lâu dài, trường kỳ. Có thể hiểu rằng, “đức” là phải từng chút từng chút tích lũy mà thành, không phải là việc nhất thời mà là việc của cả một đời.
“十” (Thập) ngụ ý là nhiều, là đầy đủ, là thập toàn thập mỹ, mười phân vẹn mười, cũng có ngụ ý là bốn phương tám hướng. Điều đó có nghĩa rằng, con người dù ở đâu, lúc nào cũng phải dùng đức hạnh để đối đãi với người khác.
“罒” là chữ Mục (mắt) “目” nằm ngang, nhấn mạnh rằng, người có đức thì có thể biết rõ thị phi, thật giả, có thể phân biệt được tốt xấu, đúng sai.
“一” mang ý nghĩa là chỉnh thể, tổng thể, là toàn bộ, ý nói người có đức lấy đại cục làm trọng, không tư lợi cho bản thân, vạn pháp quy nhất, một lòng một dạ, không tâm không tạp niệm, không vướng bận.
“心” là chỉ nội tâm, muốn tu dưỡng được đức thì cần phải dựa vào tu dưỡng nội tâm. Tâm là bên trong, là thật lòng, chân tình, trung thành. Tâm (“心”) là bộ phận dưới cùng của chữ đức (“德”), ý nói đức là trong đáy lòng không có vụ lợi, tư lợi.
Làm người phải lấy đức làm gốc, quản lý một đơn vị, một xí nghiệp thì càng phải lấy đức làm gốc mới mong được thành công lâu dài.
Người xưa có câu rằng, phong thủy âm dương bảo hộ người lương thiện, còn kẻ trộm, tà dâm, phóng túng thì dù ở nơi phong thủy tốt cũng khó có phúc báo. Hay những câu như, nhà tích thiện thì tất sẽ có dư phúc… đều là để nhấn mạnh tầm quan trọng của “đức” đối với sinh mệnh mỗi người.
TinhHoa tổng hợp