“Vận động tiết kiệm” của TQ chỉ là trò hề, nạn đói thực sự đến từ chế độ độc tài
Cuộc “vận động tiết kiệm” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang “nở rộ” khắp các tỉnh thành và gây ảnh hưởng lớn tới đời sống của người dân. Trước tình hình này, một số học giả nói rằng, nguyên nhân thực sự của nạn đói đến từ chế độ độc tài.
Theo tin tức vào ngày 24/8, một công ty ở Thượng Hải đã đưa ra quy định mới. Vì để ngăn chặn hành vi lãng phí thức ăn của nhân viên, ngoài lý do thức ăn bị hỏng hay các lý do khác, nếu nhân viên “tùy ý đổ bữa trưa miễn phí do công ty cung cấp (bao gồm cả việc đổ bỏ một phần thức ăn)”, thì hễ phạm một lần sẽ bị cảnh cáo, ba lần sẽ bị sa thải.
Rất nhiều nhân viên tỏ ra bất bình về điều này. Một nhân viên cho biết: “Lúc đó chúng tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy quy định này. Chẳng lẽ 3 lần đổ thức ăn thì bị đuổi việc rồi sao?”.
Tình trạng này không còn là một trường hợp cá biệt nữa. Vào thời kỳ khủng hoảng lương thực thường xuyên ở Trung Quốc này, ĐCSTQ đã đưa ra khẩu hiệu “cấm lãng phí” cho người dân thường.
Tiếp đó, “thanh tra” xuất hiện ở khắp mọi nơi, trực tiếp “buộc” thức ăn thừa với công việc, công trạng, học tập, thậm chí là quyền riêng tư của người dân liền với nhau. Người dân thẳng thừng cho rằng đây quả thực là cuộc “vận động” trở lại thời Hồng vệ binh.
Các quan chức ở Thượng Hải vào giữa tháng 8 bắt đầu tiến hành “vạch trần và tố giác”. Những người bị tố giác lãng phí đồ ăn có thể sẽ bị “phơi bày trước công chúng”.
Một trường học ở thành phố Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam đã bị phanh phui rằng, đồ ăn thừa của học sinh phải được cân lên, nếu vượt quá 100 gam thì tất cả học sinh trong lớp sẽ bị “liên lụy” và cả lớp sẽ bị loại học bổng.
Ngành giáo dục của thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây vào ngày 18/8 đã đưa ra thông báo nêu rõ rằng, “giáo dục tiết kiệm thực phẩm sẽ được đưa vào kiểm tra đánh giá hàng năm và hành vi tiết kiệm thực phẩm hàng ngày của học sinh sẽ được đưa vào đánh giá chất lượng toàn diện của học sinh”.
Một khách sạn ở thành phố Tây An quy định rằng, nếu khách hàng có thức ăn thừa thì người phục vụ liên quan sẽ bị trừ điểm đánh giá.
Các nền tảng mạng xã hội của Trung Quốc như: Kuaishou, Douyin, Douyu, Weibo.v.v.. đã lần lượt ngừng phát sóng, xóa video và đóng tài khoản, những người dẫn chương trình về ăn uống cũng ngay lập tức mất việc.
Trước cách làm của ĐCSTQ, một số lượng lớn cư dân mạng bình luận chỉ trích rằng: “Trong xã hội này, nói quá nhiều là có tội, ăn quá nhiều cũng có tội …”; “ĐCSTQ không chỉ muốn kiểm soát những gì người dân nói, mà còn kiểm soát cách người dân ăn”.
Có người nói: “Tôi thì cho rằng, đất nước kiểm soát việc ăn uống của người dân cũng xấu xa và ngu xuẩn như khống chế việc sinh sản của người dân vậy. Tất cả các quốc gia lấy việc khống chế để thống trị đất nước đều là những kẻ độc tài, không phản kháng thì không có tương lai”; “Kẻ độc tài sẽ coi người dân như heo và chó”.
Học giả: Nạn đói đến từ chế độ độc tài
Trường Bình, một nhà bình luận về các vấn đề thời sự sống ở Đức, đã đăng một bài báo trên tờ “Apple Daily” vào ngày 24/8 nói rằng hành động của ĐCSTQ đã trở thành một trò hề, mà nguồn gốc thực sự của nạn đói chính là đến từ chế độ độc tài.
Trường Bình nói rằng, nhà kinh tế học là Amartya Sen qua một số lượng lớn các nghiên cứu thực nghiệm đã kết luận rằng: “Một thực tế quan trọng trong lịch sử nạn đói của loài người là không có nạn đói lớn nào xảy ra ở một quốc gia có chính phủ dân chủ và báo chí tự do”.
Chẳng hạn, thiên tai do dịch bệnh và lũ lụt gây ra phần lớn là do hạn chế quyền tự do ngôn luận vì lợi ích ổn định chính trị; nếu ĐCSTQ có thể tuân thủ các quy tắc thương mại đã hứa khi gia nhập WTO và duy trì trật tự thị trường tự do thì Trung Quốc sẽ không đến nỗi phải đối mặt với mối đe dọa của nạn đói.
Tôn Lập Bình, một giáo sư tại Đại học Thanh Hoa, khoa Xã hội học đã nói trong một bài báo gần đây rằng: “Sự thực mà nói, sự lãng phí mà người dân bình thường có thể gây ra là rất hạn chế. Sự lãng phí thường xảy ra ở nơi có quyền lực tập thể”.
Ông nói thêm: “Một loại lãng phí khác nữa là gì? Chính là làm đi làm lại”. Ví dụ, đường được đào rồi lát, lát rồi lại đào, phá rồi xây, xây rồi lại phá, trả đất nông nghiệp cho lâm nghiệp, rồi lại trả lại đất lâm nghiệp cho nông nghiệp; biến đồng cỏ thành đất canh tác và đất canh tác lại biến thành đồng cỏ. Đây đều là do những người có quyền lực gây ra, một hành động gây lãng phí cực kỳ lớn.
Gia Hưng (Theo NTDTV)