TQ: Công chức Thượng Hải tiết kiệm chỉ ăn “nửa phần”, bị chỉ trích là đang ‘làm màu’
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tuyên bố “sản lượng vụ chiêm tăng” và “vụ chiêm được mùa”, nhưng đồng thời lại yêu cầu người dân “ăn uống tiết kiệm”. Thành phố Thượng Hải đã tích cực hưởng ứng và thông báo một loạt hành động “tiết kiệm”, nói rằng từ tuần này, căng tin công vụ sẽ phục vụ nửa phần thức ăn và bánh bã đậu. Cư dân mạng nghi ngờ đây chỉ là ‘làm màu’ cho dân xem.
Các hành động “tiết kiệm” của Thượng Hải bao gồm mở một khu vực đặc biệt trong căng tin nơi nhân viên chính phủ làm việc từ tuần này, để chuyên cung cấp một nửa phần và phần nhỏ đồ ăn. Quan chức địa phương cho biết: “Ví dụ, thịt xông khói, phần nửa thường để hai miếng, phần nhỏ thì để một miếng. Phần nửa có 4 đến 5 con tôm, phần nhỏ thì là 2 con”.
Đồng thời, căng tin công vụ bắt đầu tận dụng vật liệu thừa của nguyên liệu để làm thức ăn, chẳng hạn như dùng bã đậu còn sót lại từ quá trình xay sữa đậu nành thành bột để làm bánh bã đậu.
Ngoài ra, tại căng tin còn bố trí một “giám sát viên” để giám sát đồ ăn có bị lãng phí hay không.
Những hành động nêu trên ở Thượng Hải bắt nguồn từ một thông báo vào ngày 16/8 tại Thượng Hải- “Thông tri về việc quán triệt chỉ đạo tinh thần quan trọng của tổng bí thư Tập Cận Bình, triển khai sâu sắc ‘ngăn cấm hành vi ăn uống lãng phí, hình thành thói quen tiết kiệm'”. Thông báo yêu cầu, cần phải khuyến khích các nhà điều hành nhà hàng địa phương cung cấp dịch vụ gọi thức ăn “nửa phần” và “phần nhỏ”.
Liên quan đến thông tin trên của căng tin nhân viên chính phủ Thượng Hải, một số cư dân mạng cho rằng: “Sao mà tôi cảm thấy đây chỉ như là làm màu cho người dân xem. Các quan lớn nhân viên chính phủ đều ăn ít như vậy rồi mà dân đen vẫn còn muốn ăn ngon (chế giễu). Không ngoài dự liệu, thảm kịch của 60 năm trước đang kéo ra tấm màn che…”
“Nếu tiếp tục mở rộng thì phải phát lương thực, dùng phiếu để nhận lương thực …”; “Trở lại thời đại công xã nhân dân, đất nước của tôi thật tuyệt vời.”; “Oa, lại tiếp tục ăn bã đậu? Có thể sẽ trở lại thời ăn rễ cây như trước kia không?”
Ngoài ra, thông báo của thành phố Thượng Hải còn yêu cầu thiết lập một bộ cơ chế tố cáo khiếu nại để dân chúng tố giác hành vi lãng phí thức ăn, đồng thời nêu rõ “nếu người bị tố cáo không thay đổi thói quen xấu của mình, họ sẽ bị phê bình và vạch mặt”. Điều này bị chỉ trích là dường như đã trở lại thời kỳ Cách mạng Văn hóa.
Từ đầu năm tới giờ, trước tình hình dịch bệnh, lũ lụt và nạn châu chấu chồng chất, Trung Quốc đã liên tiếp truyền ra tin tức về việc các cánh đồng lớn ở các khu vực sản xuất lương thực bị ngập lụt, côn trùng phá hoại, nhiều kho lương thực giả bốc cháy, cùng các loại tin tức khác.
Mà cục Thống kê ĐCSTQ vào ngày 19/8 đã tuyên bố rằng “sản lượng lúa chiêm toàn quốc tăng hơn một triệu tấn, đảo ngược tình trạng tuột dốc trong 7 năm liên tiếp”.
Trước đó, phương tiện truyền thông chính thức của ĐCSTQ gọi là “lương thực vụ chiêm được mùa” và “lại một năm bội thu nữa”. Tuy nhiên, ĐCSTQ lại yêu cầu người dân bình thường phải “chọn phần ăn N-1” và “nửa phần ăn”, để cho nông dân có thể “trồng lương thực trở lại”, thậm chí yêu cầu các nông trường “tiết kiệm thức ăn cho gia súc”.
Hơn nữa, giá cả lương thực đang tăng mạnh – giá ngô kỳ hạn đã tăng gần 30% kể từ tháng 1 và giá mua lúa mì đã tăng 1,72% từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 8, tăng lên 7,18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cái gọi là “Mùa màng bội thu” của ĐCSTQ đã bị chế giễu rất nhiều. Dân chúng nói rằng chính phủ muốn che giấu cuộc khủng hoảng lương thực nên mới phát động một cuộc “vận động tiết kiệm” – “Hơn nữa đất nước đều bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, lúa nước có thể không giảm mà còn tăng được sao, đã vậy thì sao còn phải khoác lác như thế”.
“(Tuyên truyền) trúng mùa lớn sau lũ lụt là tuyên truyền khoác lác được ĐCSTQ sử dụng để duy trì ổn định. Người bình thường sẽ không bao giờ tin điều đó”; “bịa đặt đã thành quen, con số hư cấu khổng lồ, thiên hạ có một không hai”.
Minh Huy (Theo Aboluowang)