Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ thông qua dự luật liên quan đến Tân Cương
Vào sáng ngày thứ tư (30/10) theo giờ Mỹ, Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ đã biểu quyết bằng miệng, thống nhất thông qua “Dự luật chính sách nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ năm 2019”. Rất nhiều nghị sĩ đã phát biểu ủng hộ dự luật này, lên án việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đang diễn ra tại Tân Cương.
Nghị sĩ Đảng Cộng hòa Chris Smith, vào tháng 11/2018 và tháng 1/2019 đã đưa ra trong 2 kỳ Quốc hội “Dự luật chính sách nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ”, thúc giục giới lãnh đạo Mỹ có những hành động thiết thực, chống lại sự áp bức của Bắc Kinh đối với người Duy Ngô Nhĩ cùng với những dân tộc thiểu số khác theo đạo Hồi.
Trong bài phát biểu, ông Smith nói rằng dự luật này năm nay đã giành được sự ủng hộ của 108 nghị sĩ. Ông nói, nước Mỹ và xã hội quốc tế phải có nhiều hành động hơn nữa, để chống lại những “Hành vi tàn bạo” của chính quyền Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc – ĐCSTQ).
Ông Michael McCaul, nghị sĩ cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện thuộc Đảng Cộng hòa đã lên án gay gắt: “ĐCSTQ đã đàn áp khủng bố đối với người Duy Ngô Nhĩ, các tín đồ Hồi giáo và những dân tộc thiểu số khác, đây là ‘hành vi phạm tội’. Đảng Cộng sản đã xây dựng ở Tân Cương những ‘trại tập trung’, nước Mỹ nhất định phải làm cho thế giới hiểu rõ, Đảng Cộng sản đang hành ác nhắm vào những dân tộc thiểu số theo đạo Hồi, Quốc hội Mỹ phải có hành động”.
“Dự luật chính sách nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ” đã được Thượng viện thông qua vào tháng 9. Theo trình tự Lập pháp của nước Mỹ, kế tiếp, chỉ cần Hạ viện thông qua là có thể trình lên Nhà Trắng, chờ tổng thống Mỹ ký xong là có thể trở thành pháp luật có hiệu lực của nước Mỹ.
Ủy ban Đối ngoại Hạ viện vào ngày 30/10 đã thông qua phiên bản “Dự luật nhân quyền người Duy Ngô Nhĩ” của Thượng viện, dự luật yêu cầu chính phủ Mỹ cần phải hợp tác giữa các bộ phận, Bộ ngoại giao cần phải theo dõi tình hình Trung Quốc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, mỗi năm phải báo cáo lên Quốc hội, quan sát thật kỹ tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc, kể cả số người bị giam giữ trong các trại tập trung, xem liệu có tồn tại lao động cưỡng bức, chính phủ giám sát và điều khiển trên quy mô lớn…
Dự luật còn yêu cầu, Ngoại trưởng Mỹ phải đánh giá dựa vào cơ chế hiện hành của nước Mỹ, ví dụ như viện dẫn “Đạo luật Magnitsky“, chế tài liên quan đến các quan chức của Trung Quốc xâm phạm nhân quyền.
Lâu nay, ĐCSTQ vẫn luôn tuyên bố rằng các trại tập trung trải rộng khắp khu vực Tân Cương đang đào tạo nghề, và đưa những người bị giam giữ đến làm việc tại những dây chuyền sản xuất vì ‘lợi ích’ của chính họ, giúp họ thoát khỏi ‘nghèo đói, lạc hậu và những cám dỗ’ của Hồi giáo cực đoan.
Kể từ tháng 4/2019, có khoảng 800.000 đến 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác, bao gồm người Kyrgyz và người Kazakh đã bị đưa vào các tại tập trung.
Hầu hết những người này bị buộc tội mà không có lý do. Gia đình họ cũng không biết họ ở đâu, tình trạng sức khỏe ra sao, cũng như họ sẽ bị giam trong bao lâu. Một số trường hợp thì bị bắt giữ với những lý do kỳ lạ như đi du lịch hoặc liên lạc với những người ở trong 26 quốc gia mà Trung Quốc coi là nhạy cảm như Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan…
Các nhà hoạt động nhân quyền nhận định rằng, kỳ thực, “tội” của họ chính là theo Hồi giáo. Nhiều người Duy Ngô Nhĩ đã bị coi là cực đoan chỉ vì thực hành tôn giáo của họ.
Trong trại cải tạo, các nhóm dân tộc thiểu số này được dạy tiếng Trung và bị tẩy não theo hệ tư tưởng cộng sản. Họ bị ép phải từ bỏ các biểu tượng tín ngưỡng của mình như để râu, đội mũ sọ, đọc kinh cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập,… ĐCSTQ thậm chí còn khuyến khích những người Hồi giáo sùng đạo hút thuốc, uống rượu, ăn thịt lợn. Nếu chống cự, họ có thể bị tra tấn và đưa đến các trại lao động.
Minh Huy (Theo SOH)