Từ chối thi hành chính sách đàn áp của ĐCSTQ, một Tòa án bác bỏ cáo buộc đối với học viên Pháp Luân Công
Gần đây, một tòa án ở quận trung tâm tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc đối với các học viên Pháp Luân Công, môn tu luyện bị đàn áp từ năm 1999 đến nay do “thay đổi trong diễn giải tư pháp”. Đây là một trường hợp cực kỳ hiếm thấy trong suốt 18 năm diễn ra cuộc đàn áp.
Trường hợp này cực kỳ hiếm thấy, vì các nhà chức trách đã từ chối thi hành chính sách ngoài pháp luật của chính quyền Trung Quốc, đã được áp dụng từ năm 1999 nhằm đàn áp các học viên của môn tu luyện.
Theo Minh Huệ (Minghui.org), trang web thông tin về cuộc bức hại Pháp Luân Công, các bị cáo Trương Triết, Lý Hiểu Quân và Tôn Diễm Bình đã được Viện Kiểm sát Quận Sơn Dương trả tự do vào ngày 28/7 vừa qua. Họ bị bắt sau khi đệ trình đơn kiện Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc vì đã phát động cuộc đàn áp phi pháp lên môn tu luyện ôn hòa này.
Sau hơn một năm bị giam giữ và tra tấn, các học viên xuất hiện trong trạng thái rất gầy gò, hốc hác, theo Minh Huệ. Mái tóc đen của Trương Triết đã chuyển sang màu xám và lưng cô bị gù sau 14 tháng bị giam giữ.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện ôn hoà và lý trí, chú trọng vào thiền định và nâng cao tâm tính, đạo đức theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn, đã thu hút khoảng 70 đến 100 triệu học viên vào những năm 90, theo ước tính của ĐCSTQ. Sự phổ biến của môn tu luyện làm dấy lên sự tức giận của Giang Trạch Dân, người lãnh đạo vào thời đó. Ông cho rằng sự phổ truyền của Pháp Luân Công như một thách thức đối với sự kiểm soát của chính quyền về xã hội và chính trị.
Trong suốt 18 năm sau đó, hàng triệu người vì không muốn từ bỏ tín ngưỡng của mình đã bị mất việc, bị bỏ tù, hoặc trở thành những nô lệ trong các trại lao động cưỡng bức, nơi họ bị ép làm việc khổ sai để sản xuất các mặt hàng đồ chơi cho thị trường nước ngoài. Họ cũng dễ trở thành nạn nhân của nạn mổ cướp nội tạng do chính quyền nước này chỉ đạo, các nhà nghiên cứu cho biết.
Trước khi được thả, ba người bị yêu cầu ký vào một văn bản thừa nhận họ chỉ bị tạm giam trong 15 ngày, đây rõ ràng là nỗ lực từ phía cảnh sát nhằm tránh hậu quả của việc giam giữ kéo dài, vốn vi phạm quy trình tư pháp thông thường. Tuy nhiên họ đã từ chối.
Mặc dù viện kiểm sát không nêu rõ những thay đổi luật pháp cụ thể, nhưng dường như phiên tòa đã đề cập đến một số cải cách pháp lý dưới chính quyền của ông Tập Cận Bình vào năm 2015. Theo đó, ông yêu cầu các tòa án Trung Quốc phải tiếp nhận tất cả các khiếu nại hình sự.
Yêu cầu này của ông Tập đã tạo điều kiện thuận lợi cho các học viên Pháp Luân Công trong qua trình đưa Giang Trạch Dân ra công lý. Từ đó, hơn hai triệu đơn khiếu nại hình sự đã được đệ trình bởi các học viên Pháp Luân Công và được đông đảo người dân Trung Quốc ủng hộ nhằm kêu gọi truy tố các tội danh của ông Giang, theo các dữ liệu chưa đầy đủ từ Minh Huệ.
Cuộc bức hại vẫn chưa chấm dứt. Theo Minh Huệ, riêng Hà Nam đã có ít nhất 43 vụ bắt giữ phi pháp từ tháng 3 đến tháng 8/2017. Mặc dù không có thay đổi chính thức trong chính sách, nhưng các quan chức địa phương dường như đã trở nên ôn hòa hơn. Trong nhiều trường hợp, các luật sư nhân quyền đã có thể bảo vệ các học viên mà không gặp nhiều trở ngại như trước. Hàng chục học viên đã có thể rời phiên tòa mà không bị buộc tội vào đầu năm nay. Trong tháng 7 vừa qua, viện kiểm sát của 1 địa phương đã rút lại đơn khởi tố 4 học viên Pháp Luân Công và cho biết do “không có đầy đủ bằng chứng”.
Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cho đóng cửa nhiều trại lao động kể từ khi lên nắm quyền sau Đại hội lần thứ 18 vào năm 2013. Chiến dịch chống tham nhũng mà ông phát động đã kỷ luật 1,2 triệu quan chức, nhiều người trong số đó được cho là đã tham gia và hưởng lợi từ chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của ông Giang.
Trương Tán Ninh, giáo sư luật tại trường Đại học Đông Nam ở Nam Kinh, người theo sát các vụ việc về Pháp Luân Công nói với tờ Epoch Times, việc bắt giữ các học viên Pháp Luân Công là trái pháp luật. “Không những các đơn kiện không được thụ lý, mà những người khởi kiện còn bị bắt giữ, điều này chắc chắn là bất hợp pháp. Nó cũng minh chứng rằng đất nước chúng tôi không được cai quản bởi pháp luật. Quyền lực của những người lãnh đạo có thể làm lu mờ cả luật pháp”.
Theo Epoch Times