Tà không thể thắng chính: Cuộc bức hại Pháp Luân Công cuối cùng cũng đang đến hồi kết

20 năm trước, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dùng quyền lực để tuyên truyền lừa dối, đàn áp Pháp Luân Công, những tưởng một tay có thể che trời, nhưng cuối cùng tội ác phản nhân loại cũng bị phán quyết trước cộng đồng quốc tế. Cuộc bức hại này giờ đây cũng đang đi đến hồi kết…

Ngày 20/7/2019 đánh dấu tròn 20 năm kể từ khi Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ phát động chiến dịch đàn áp nhằm xóa sổ Pháp Luân Công, một môn tu luyện thiền định theo trường phái Phật gia có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây được xem là cuộc bức hại nhân quyền lớn nhất trong lịch sử nhân loại bởi mức độ, quy mô và số lượng người bị ảnh hưởng. 

Cảnh tượng người dân Trung Quốc tập Pháp Luân Công khi chưa xảy ra cuộc đàn áp. (Ảnh qua Pinterest)

Vì những lời tuyên truyền của ĐCSTQ để lấy cớ đàn áp như: vu khống Pháp Luân Công không cho người học đi bệnh viện, gán mác là “tà giáo”, dàn dựng vụ người học Pháp Luân Công tự thiêu,… nên thời đầu cuộc bức hại, nhiều người đã không phân biệt được đâu là thật là giả, đâu là chính là tà. Mãi cho đến ngày nay, rất nhiều người trên thế giới vẫn không khỏi thắc mắc về Pháp Luân Công là gì và vì sao chính quyền Trung Quốc lại đàn áp môn tu luyện này?

Pháp Luân Công là gì?

Pháp Luân Công hay còn gọi gọi là Pháp Luân Đại Pháp, được ông Lý Hồng Chí truyền ra xã hội vào tháng 5/1992 thuận theo cao trào khí công cuối những năm 1980 tại Trung Quốc. Pháp Luân Đại Pháp dạy người ta dùng giá trị phổ quát Chân – Thiện – Nhẫn để đối đãi với mọi người xung quanh, chú trọng tu dưỡng đạo đức, đồng thời cùng với 5 bài động tác rèn luyện thân thể thì có thể giúp người tập đạt được hiệu quả loại bỏ bệnh tật, thân tâm thăng hoa.

Do hiệu quả trị bệnh của Pháp Luân Công rất rõ ràng, và việc tập luyện là hoàn toàn miễn phí, môn tập này đã nhanh chóng được lan truyền rộng rãi. Đến tháng 7/1999, trên toàn Trung Quốc có khoảng 70 -100 triệu người tập luyện.

Sự công nhận và ủng hộ của chính quyền Trung Quốc trong những năm đầu thập niên 90

Nhờ hiệu quả nâng cao sức khỏe lẫn đạo đức tinh thần, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ngàn người đã tham gia theo học. Chính quyền Bắc Kinh khi ấy không chỉ chấp nhận sự phát triển nhanh chóng của môn tập mà còn mời ông Lý tới giảng dạy tại các cơ sở của chính phủ và khen ngợi những lợi ích mà Pháp Luân Công đã mang đến cho cộng đồng. 

Ngày 21/9/1993, tờ Nhật báo Công an Nhân dân đã đăng một câu chuyện ca ngợi ông Lý vì những đóng góp của ông “trong việc đẩy mạnh đạo đức truyền thống của người Trung Hoa chống lại tội ác, trong bảo vệ an ninh và trật tự xã hội, và trong việc đẩy mạnh sự chính trực trong xã hội”.

Ngày 14/2/1999, thời báo U. S. News & World dẫn lời một quan chức trong Bộ Thể thao Trung Quốc nói rằng: “Hàng năm, mỗi học viên Pháp Luân Công đã tiết kiệm cho chính phủ 1.000 tệ tiền chi phí y tế” do lợi ích sức khỏe mà môn tập này đem lại.

Các học viên Pháp Luân Công luyện công tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, trước khi xảy ra cuộc đàn áp. (Ảnh: Minghui.org)

Đến năm 1999, chỉ trong chưa đầy 10 năm, gần 100 triệu người dân Trung Quốc đã bước vào tập luyện và có được cuộc sống khỏe mạnh, an hòa. Trung bình cứ khoảng 10 người lại có một người học Pháp Luân Công, trong đó có đủ mọi giai tầng khác nhau từ trí thức đến bần nông, từ người dân phổ thông đến quan chức chính phủ.

Giang Trạch Dân phát động đàn áp bất chấp sự phản đối

Giữa những năm 1990, truyền thông nhà nước thỉnh thoảng công kích khí công, trong đó có cả Pháp Luân Công, cho là “mê tín”, “phong kiến”. Người tập Pháp Luân Công bắt đầu tới các tòa soạn để thỉnh nguyện, kiến nghị gỡ bỏ các bài viết không đúng sự thật.

Vụ việc đi đến cao trào vào ngày 25/4/1999, khi 10.000 người tập Pháp Luân Công đến Văn phòng Kháng cáo Nhà nước ở Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa nhằm kháng nghị việc những người tập Pháp Luân Công bị cảnh sát quấy nhiễu và bị bắt bớ tại Thiên Tân trước đó.

học viên Trung Nam Hải
Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải ngày 25/04/1999. (Ảnh qua ĐKN)

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Chu Dung Cơ sau đó đã nhanh chóng đồng ý yêu cầu thả tự do cho người tập Pháp Luân Công. Nhưng phản ứng của ông Giang Trạch Dân, bấy giờ là Chủ tịch nước, lại hoàn toàn trái lại. Trong bức thư tay ngày 25/4 gửi các thành viên Bộ Chính trị, ông Giang đã không giấu giếm sự đố kỵ: “Chủ nghĩa Mác-xít mà người cộng sản chúng ta có, chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa vô thần mà chúng ta tin không thể chiến thắng được những điều của Pháp Luân Công hay sao? Nếu đúng là như vậy, nó sẽ là một trò cười lớn có phải không?”

Những năm đương quyền, ông Giang Trạch Dân luôn muốn mọi đảng viên phải học thuyết “ba đại diện” của mình, nhưng thực tế hoàn toàn trái lại. Trong khi đó dân chúng Trung Quốc lại tự nguyện đón chào nguyên lý Chân Thiện Nhẫn của Pháp Luân Công, hàng ngày gần 100 triệu người cùng nhau tập luyện các bài tập và đọc sách của ông Lý Hồng Chí, đông hơn cả số đảng viên bấy giờ, khoảng 60 triệu.

Trong hội nghị lấy ý kiến về việc xử lý vấn đề Pháp Luân Công, ông Giang Trạch Dân đã kiên quyết đàn áp Pháp Luân Công, mặc cho 6 thường ủy Bộ Chính trị im lặng biểu đạt phản đối. Cuối cùng, cuộc đàn áp đã diễn ra bất chấp việc không hề có được đa số phiếu của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công: từ tra tấn tàn ác đến mổ cướp nội tạng

Ngày 20/7/1999, Giang Trạch Dân huy động toàn bộ lực lượng vũ trang, quân đội tràn ra khắp Trung Quốc bắt bớ, tống giam, tra tấn và cưỡng bức người tu luyện Pháp Luân Công từ bỏ đức tin.

Hình ảnh đàn áp người tập Pháp Luân Công tại nhiều nơi. (Ảnh qua Fiveprime)
Hình ảnh đàn áp người tập Pháp Luân Công tại nhiều nơi. (Ảnh qua Fiveprime)

Giang Trạch Dân lo sợ để lại chứng cứ trong việc bức hại Pháp Luân Công nên thông thường đều truyền khẩu lệnh như “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể”, “với Pháp Luân Công thì không kể đến luật pháp, đánh chết coi như tự sát, không điều tra ngọn nguồn thân phận, trực tiếp hỏa thiêu”,…

Một thời gian dài sau đó, các phương tiện truyền thông liên tục tuyên truyền rằng Pháp Luân Công “tuyên truyền mê tín, lừa dối, xúi giục kích động, và gây nguy hại cho sự ổn định xã hội”. ĐCSTQ còn dựng nên một chiến dịch tuyên truyền Pháp Luân Công là “tà giáo”, quy chụp cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/4/1999 tại Trung Nam Hải thành “vụ bao vây” khu chính quyền trung ương, dàn dựng vụ người tập Pháp Luân Công tự thiêu ở Thiên An Môn để kích động người dân sợ hãi, thù hận, xa lánh môn tập này và lấy cớ cho cuộc đàn áp. 

Để ép người học Pháp Luân Công từ bỏ đức tin, ĐCSTQ đã sử dụng đến những thủ đoạn tra tấn tàn độc nhất từ cổ chí kim. Những người trốn thoát khỏi các nhà tù đã mô tả lại hơn 100 phương thức tàn bạo khác nhau như: đánh đập tàn nhẫn, hạn chế nhu cầu sinh lý, kéo căng thân thể, chích điện, tiêm thuốc lạ, dùng lửa thiêu đốt thân thể, bức thực, hãm hiếp ngược đãi tình dục học viên nữ,.… Các thủ đoạn tra tấn này thường kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm. Đến năm 2004, ước tính khoảng hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đã chết vì tra tấn

Ghê rợn hơn cả là năm 2006, cô Anne, vợ cũ một cựu bác sĩ phẫu thuật Trung Quốc đã đứng ra tiết lộ, chồng cô đã lấy đi giác mạc của 2.000 người tu luyện Pháp Luân Công còn sống, nội tạng của họ cũng bị mổ cướp, sau đó thi thể bị hỏa thiêu mà không được sự đồng ý của người nhà.

Anh Vương Bân bị tra tấn, bị mổ lấy nội tạng vào ngày 24/9/2000. (Ảnh qua Flabber)
Anh Vương Bân, một người tập Pháp Luân Công bị tra tấn và mổ lấy nội tạng vào ngày 24/9/2000. (Ảnh qua Flabber)

Từ đó, ngày càng nhiều nhân chứng và tổ chức điều tra phơi bày tội ác kinh hoàng này. Trong đó phải kể đến Tổ chức Thế giới Điều tra về Bức hại Pháp Luân Công (WOIPFG) vào tháng 6/2015 đã công bố một báo cáo nói rằng: “Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) dưới sự chỉ huy của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã giết trên 2 triệu học viên Pháp Luân Công để mổ sống lấy nội tạng”. “Đây là con số vô cùng ghê rợn, nhưng hoàn toàn đáng tin”, ông Uông Chí Viễn, phát ngôn viên của WOIPFG cho biết thêm.

Đáp lại bạo lực bằng ôn hòa và lý trí 

Người Trung Quốc thường bảo nhau, từ trước đến nay, nếu ĐCSTQ muốn đạp đổ ai thì chỉ không quá 3 ngày người ấy sẽ phải đổ. Ấy vậy mà cuộc đàn áp khốc liệt nhắm vào người học Pháp Luân Công đã trải qua 2 thập kỷ, hàng triệu người đã bị bức hại đến chết, nhưng giờ đây hàng chục triệu người trên khắp Trung Quốc vẫn đang tiếp tục tu luyện, nhiều người mới vẫn không ngừng tiến vào học, hơn nữa còn được phổ truyền khắp thế giới. Điều gì đã làm sức sống của môn tu luyện này dẻo dai đến vậy?

Người học Pháp Luân Công chủ yếu lấy việc tu dưỡng tâm tính, thực hành theo nguyên lý Chân Thiện Nhẫn làm căn bản. Vậy nên đối diện với chính sách khủng bố, đàn áp vô lý nhắm vào mình, họ không dùng bạo lực để phản kháng mà dùng lương thiện chống lại cái ác, dùng sự thật xua tan lừa dối. 

Các học viên Pháp Luân Công từ 36 quốc gia thỉnh nguyện trên quảng trường Thiên An Môn yêu cầu chấm dứt cuộc đàn áp các học viên Trung Quốc tại Bắc Kinh vào năm 2001. (Ảnh: Minghui.org)

Bất chấp mọi nguy hiểm, bằng sự kiên định, nhẫn nại, lý trí, năm này qua năm khác, họ không ngừng đi nói rõ cho các cấp chính quyền và người dân khắp nơi sự thật về Pháp Luân Công, sự tàn ác của cuộc bức hại cũng như những người khởi xướng nó. Hoạt động của họ khiến ngày càng nhiều người dân Trung Quốc hiểu ra sự thật, từ chỗ hiểu lầm chuyển sang đồng cảm và khâm phục Pháp Luân Công.

Ông David Ownby, tác giả cuốn “Falun Gong and the Future of China” (Tạm dịch: Pháp Luân Công và tương lai của Trung Quốc) nhận định: “Việc tiếp tục đàn áp của chính quyền Trung Quốc chỉ càng khuyến khích những người tập Pháp Luân Công không ngừng nỗ lực của họ. Với tôi, một chiến lược khôn ngoan cho chính quyền Trung Quốc nên là phớt lờ Pháp Luân Công, nhưng chế độ này chưa bao giờ có thể chấp nhận thái độ khoan dung đối với bất kỳ nhóm người bất đồng ý kiến nào”.

Hòa cùng học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc, các học viên ở hải ngoại cũng không ngừng lên tiếng để nói rõ sự thật cho người dân thế giới, hóa giải những lời tuyên truyền giả dối của chính quyền Trung Quốc ở nước ngoài; kêu gọi những người chính nghĩa trên toàn thế giới lên tiếng chấm dứt tội ác này.

Washington, Mỹ: Thắp nến tưởng niệm những người bị chết trong cuộc đàn áp Pháp Luân Công. (Ảnh: Minh Huệ)
Một buổi thắp nến tưởng niệm những nạn nhân bị bức hại đến chết và kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công tổ chức tại Washington, Mỹ. (Ảnh: Minh Huệ)

Cách giảng sự thật của họ vô cùng đa dạng như: Gặp gỡ cơ quan công quyền, tổ chức họp báo, nghiên cứu và thảo luận, tổ chức hội nghị, diễu hành, thu thập chữ ký, triển lãm tác phẩm mỹ thuật, dạy luyện công miễn phí, biểu diễn văn nghệ, gọi điện thoại cho người Trung Quốc…. Ngoài ra, họ còn tự lập tòa báo, kênh truyền hình, đoàn làm phim… Những hoạt động này đã phơi bày tội ác của chính quyền Trung Quốc, giúp hạn chế bức hại ở Đại Lục và truyền rộng Pháp Luân Công ở nước ngoài.

Chính phủ và người dân thế giới vào cuộc

Thời đầu diễn ra cuộc đàn áp, chính quyền ĐCSTQ liên tục phát đi những tuyên truyền lừa dối, vu khống Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc và nước ngoài. Truyền thông quốc tế chỉ nhận được thông tin một chiều nên cũng dựa vào đó đưa tin, vô tình góp thêm sóng gió cho cuộc đàn áp. Tuy nhiên sau những nỗ lực không ngừng nghỉ của người học Pháp Luân Công ở nước ngoài, liên tục đi nói rõ sự thật cho cơ quan công quyền các cấp, báo chí truyền thông,… chính phủ và người dân các nước đã dần hiểu ra sự thật.

Nghị sĩ Mỹ lên tiếng phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc
Nghị sĩ Mỹ lên tiếng phản đối cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc. (Ảnh qua Epoch Times)

Nhiều cá nhân, tổ chức đã chú ý và bước vào điều tra, vạch trần vụ vi phạm nhân quyền quy mô lớn chưa từng có này. 

Điển hình trong đó là cựu Quốc Vụ Khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas. Họ đã tiến hành điều tra và đưa ra những báo cáo đầu tiên về tội ác mổ cướp nội tạng người tập Pháp Luân Công vào năm 2006. Ngoài ra còn có nhà báo điều tra độc lập Ethan Gutmann với cuốn sách “Đại thảm sát” (The Slaughter). Cả 3 người đều được đề cử giải Nobel Hòa Bình vì nỗ lực phơi bày tội ác thu hoạch nội tạng người tập Pháp Luân Công trên diện rộng.

Video: Tội ác mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc bị phơi bày trước diễn đàn TED

Những năm qua, nhiều chuyên gia cũng đã làm chứng về tội ác mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc với các cơ quan lập pháp trên khắp thế giới. Nhiều nghị quyết lên án việc này đã được thông qua tại Mỹ, Nghị viện Châu Âu,… Một số quốc gia như Israel, Ý, Tây Ban Nha và Đài Loan còn cấm “du lịch ghép tạng” đến Trung Quốc.

Thậm chí cuối năm 2009, tòa án tại Tây Ban Nha và Argentina đã truy tố ông Giang Trạch Dân và những cựu quan chức Trung Quốc khác về tội diệt chủng và tội ác chống lại nhân loại.

Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây đã đề nghị các học viên Pháp Luân Công tại Mỹ cung cấp danh sách các quan chức cấp cao tham gia đàn áp Pháp Luân Công mà họ biết. Chính phủ Mỹ có thể sẽ sớm đóng băng tài sản và từ chối thị thực các quan chức đó.

Mới đây nhất ngày 17/6/2019, Tòa án độc lập điều tra về thu hoạch nội tạng cưỡng bức từ tù nhân lương tâm tại Trung Quốc đã công bố một Tuyên án dài 60 trang, kết luận chính quyền Trung Quốc đã phạm tội ác chống lại loài người khi cưỡng bức thu hoạch nội tạng phục vụ cho ngành công nghiệp ghép tạng nở rộ tại nước này.

Đây là lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ thế giới lên án tội ác mổ cướp nội tạng của ĐCSTQ, một tòa án độc lập đã đứng ra điều tra và đưa ra phán quyết về tội ác này. Tòa còn kêu gọi các chính phủ và cơ quan quốc tế phải có nghĩa vụ thực hiện công lý, đưa những kẻ phải chịu trách nhiệm ra chịu tội. “Các tổ chức này phải có trách nhiệm, bởi họ là những người có quyền khởi tố điều tra và tố tụng tại các tòa án quốc tế hoặc tại Mỹ để xét xem tội diệt chủng có xảy ra hay không”, tòa tuyên bố.

20 năm trước, ĐCSTQ thân là chính quyền một quốc gia lại bất chấp luân lý, bịa tạo tuyên truyền lừa dối cả thế giới để đàn áp hàng chục triệu người dân theo học một môn tu luyện ôn hòa. Những tưởng nắm được quyền lực thì một tay có thể che cả bầu trời, nhưng giấy không gói được lửa, tà không thể thẳng chính, tội ác phản nhân loại cuối cùng đã bị phơi bày trước cộng đồng quốc tế.

Hơn 70 năm trước, Đức Quốc Xã cũng đã dùng quyền lực để gây ra cuộc diệt chủng 6 triệu người Do Thái. Nhưng cuối cùng không một ai liên quan có thể thoát tội. Từ những kẻ chủ mưu cho đến những người thực thi mệnh lệnh, hay cả các bác sĩ can dự những thí nghiệm trên người sống, đến những nhân viên bảo vệ trại tập trung… đều bị kết tội và đem ra xét xử. 

Giờ đây, các nhân sĩ và tổ chức nhân quyền vẫn đang không ngừng làm việc để đưa những kẻ bức hại Pháp Luân Công ra công lý. Cuộc đàn áp kinh thiên động địa này chẳng bao lâu nữa cũng phải kết thúc. Bởi quy luật từ xưa đến nay đã định, chính cuối cùng cũng sẽ thắng tà.

Hồng Liên (t/h)

Ad will display in 09 seconds

Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

Ad will display in 09 seconds

Nhớ Tết quê 20 năm trước

Ad will display in 09 seconds

Tướng quân đầu thai làm heo 40 vạn lần vì điều này

Ad will display in 09 seconds

4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

Ad will display in 09 seconds

Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

Ad will display in 09 seconds

Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

Ad will display in 09 seconds

Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

Ad will display in 09 seconds

Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

Ad will display in 09 seconds

Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

  • Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

    Những câu chuyện đáng ngẫm: Lấy vợ cho Hà Bá

  • Nhớ Tết quê 20 năm trước

    Nhớ Tết quê 20 năm trước

  • Tướng quân đầu thai làm heo 40 vạn lần vì điều này

    Tướng quân đầu thai làm heo 40 vạn lần vì điều này

  • 4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

    4 đặc điểm của người Đại Phú Quý

  • Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

    Tinh Hoa kể chuyện: Lý Ký trảm xà

  • Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

    Dịch bệnh: Lời cảnh tỉnh từ những dự ngôn

  • Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

    Một niệm ta dâm nổi lên, Thần linh liền ghi sổ

  • Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

    Người xưa muốn xuất gia cần phải đạt được 10 điều này

  • Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

    Tôi vào Viện dưỡng lão, mang theo một chiếc ấm tử sa

  • Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi

    Cơ duyên chỉ đến 1 lần, bỏ qua rồi nuối tiếc khôn nguôi