Trung Quốc tiếp tục che giấu thông tin dịch Covid-19, mặc cho người dân cầu cứu trong tuyệt vọng
Trước thực trạng nguy hiểm của virus corona gây ra dịch Covid-19, ở Trung Quốc, các bác sĩ vẫn được căn dặn không được gây lo lắng cho người dân. Các bài đăng trên mạng xã hội đều bị hệ thống kiểm duyệt của chính phủ xóa bỏ, còn những thông tin cần thiết thì bị phủ nhận và bị coi là tin đồn.
Tôi nhận được cú điện thoại từ bác sĩ Song vào một đêm nọ. Anh vừa mới hoàn thành ca trực tại một bệnh viện ở Vũ Hán và sắp phải quay lại làm việc tiếp. Anh chia sẻ, đã nhiều tuần trôi qua kể từ khi anh có một ngày nghỉ hoặc có một đêm ngủ trọn vẹn. Anh đã không còn nhớ lần cuối được ở bên gia đình hay có một bữa tối ấm cúng là khi nào.
Tại nơi làm việc, vị bác sĩ phải mặc áo mưa do thiếu hụt đồ bảo hộ. Một số đồng nghiệp của anh còn phải mặc bỉm để tránh phải cởi bỏ quần áo bảo hộ ra, bởi mỗi khi đi vệ sinh, họ sẽ phải cởi bỏ quần áo bảo hộ, dẫn tới lãng phí vì những trang phục này chỉ sử dụng được 1 lần.
Vị bác sĩ chia sẻ: “Hi vọng anh có thể viết đôi ba dòng để các bệnh nhân biết được rằng chúng tôi đã cố gắng nỗ lực hết sức mình”. Chỉ khoảng vài giờ trước đó, một bệnh nhân đã tử vong tại một bệnh viện tại Vũ Hán khiến 2 bác sĩ bị người nhà bệnh nhân hành hung và bị thương nặng. Dù bản thân anh và những đồng nghiệp luôn phải làm việc không ngừng nghỉ trong tình trạng quá sức chịu đựng, thiếu thốn vật dụng bảo hộ và kiệt sức nhưng họ vẫn phải đối mặt với những phản ứng dữ dội từ bệnh nhân. Bác sĩ Song buộc phải từ chối một số lượng lớn bệnh nhân cần nhập viện vì cơ sở không đủ giường bệnh. Một số bệnh nhân thất vọng và bỏ đi, nhưng số khác thì bực tức và hành hung anh.
Tôi quen biết bác sĩ Song trong một lần hỗ trợ một nhóm quyên góp vật tư y tế. Anh không phải là bác sĩ duy nhất cầu cứu và được hỗ trợ vật tư từ mạng xã hội, vì tôi đã được hàng tá cán bộ y tế liên hệ xin giúp đỡ và nói rằng họ đang trong tình thế tuyệt vọng.
Tôi cũng nhận được vô vàn lời cầu xin giúp đỡ từ các bệnh nhân. Họ đã chờ đợi tại sảnh bệnh viện trong nhiều ngày, lo sợ rằng sẽ không được chẩn đoán bệnh để điều trị và cuối cùng sẽ phải chết vì nhiễm virus Covid-19. Một số người đã bị ốm được gần 1 tuần và tại thời điểm đó, người nhà của họ cũng bắt đầu có các triệu chứng bị nhiễm bệnh. Nhưng những người này phải chờ đợi rất lâu để được xét nghiệm và điều trị.
Lin, một nữ sinh viên đại học đã cảm thấy sốt nhẹ và nghĩ rằng cô đang bị cảm lạnh. Thời điểm đó, không có bất kỳ thông báo chính thức nào từ chính phủ về sự bùng phát của dịch virus Covid-19, và tình trạng của cô ngày càng xấu đi. Việc chính quyền cấm lưu thông xe cộ đã khiến cô và mẹ phải đi bộ hàng giờ để tới được bệnh viện. Cô đã đợi tại sảnh bệnh viện suốt cả đêm, rồi cuối cùng được kê thuốc và thông báo đến khám lại vào ngày mai bởi bệnh viện đã hết bộ công cụ chẩn đoán virus corona.
Vào cuối tháng 1, cô được chẩn đoán nhiễm Covid-19. Mẹ cô cũng bị lây nhiễm trong quá trình chăm sóc cô. Họ được nhắc nhở nhiều lần là cần cách ly ở nhà và chờ lực lượng y tế đến đưa tới bệnh viện. Thời gian càng trôi qua và bệnh tình của cô ngày càng nghiêm trọng. Một đêm nọ, cô chia sẻ với tôi rằng cô cảm thấy như đang chờ chết. Lần cuối cùng chúng tôi nói chuyện với nhau là lúc cô bé được đưa tới bệnh viện và tiếp tục phải chờ đợi lần nữa. Cô không ngừng khóc và nói: “Nếu chỉ có duy nhất 1 giường bệnh thì em sẽ nhường nó cho mẹ. Sức khỏe của bà đang suy giảm nhanh chóng. Còn em sẽ tự cách ly tại nhà”.
Lin không phải là trường hợp duy nhất chịu tình cảnh như vậy. Trên Weibo, một nhóm gồm hơn 150.000 người, bao gồm cả bệnh nhân và người thân của họ, đã cầu cứu được giúp đỡ. Những bài viết họ đăng cho thấy rõ sự thiếu thốn về mọi mặt. Nhiều người còn phải đưa ra quyết định nên ưu tiên chữa trị cho mẹ hay con gái mình, cho cháu hay cho ông, cho vợ hay cho chồng. Biết được sự khó khăn và gian truân mà các cán bộ y tế và bệnh nhân phải trải qua, tôi không thể ngừng nghĩ đến việc đáng ra chính quyền Trung Quốc nên rút kinh nghiệm từ những gì diễn ra với dịch SARS 17 năm trước.
Theo nguồn tin từ tờ Financial Times, chính quyền Vũ Hán đã biết được sự lây lan của bệnh dịch bệnh từ ít nhất 3 tuần nhưng vẫn ban lệnh che đậy thông tin về dịch bệnh. Vào đầu tháng 1/2020, một nhóm 8 chuyên gia y tế, bao gồm bác sĩ Lý Văn Lượng, đã bị lực lượng cảnh sát xử phạt vì “tung tin đồn thất thiệt.” Lý Văn Lượng là người đã đưa ra cảnh báo sớm về virus Covid-19 nhưng lại bị cảnh sát xử phạt rồi cuối cùng qua đời do lây nhiễm virus.
Chính điều này đã gây nên làn sóng phẫn nộ dữ dội từ người dân đối với chính phủ Trung Quốc vì sự che đậy thông tin và kiểm soát dịch bệnh thiếu chuyên nghiệp của họ. Trong khi đó, những mẩu “tin đồn thất thiệt” này lại được báo cáo dựa trên những ca lây nhiễm thực tế tại các bệnh viện ở Vũ Hán. Và nếu chính phủ tập trung nguồn lực điều tra những trường hợp lây nhiễm này thì mọi thứ đã khác, sinh mạng của những bệnh nhân vốn đã có khả năng được cứu.
Vào giữa tháng 1, một y tá bảo tôi rằng cán bộ y tế tại Vũ Hán đã được khuyên không nên mặc đồ bảo hộ để tránh gây hoảng loạn dư luận. Sau đó, bác sĩ Song đã nói với tôi các bác sĩ cũng được nhắc nhở không được kêu gọi cứu trợ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Điều này dẫn đến hậu quả đã có hơn 1.700 cán bộ y tế bị lây nhiễm virus COVID-19 trên toàn quốc.
Thậm chí bây giờ, ngay cả khi virus Covid-19 đã lây nhiễm cho ít nhất 79.824 người và cướp mất hơn 2800 mạng sống người dân thì chính phủ vẫn đang cố gắng che đậy thông tin về dịch bệnh. Hàng nghìn bài đăng về bệnh dịch tại các nhóm trực tuyến kêu gọi hỗ trợ đều bị kiểm duyệt và xóa bỏ, bao gồm cả các bài đăng trên nhóm của sinh viên Lin. Các biên tập viên đến từ những tờ báo của Trung Quốc cũng bảo tôi rằng tôi không thể viết bất kỳ thứ gì phản ánh tiêu cực tới chính phủ Trung Quốc.
Việc lực lượng chính phủ đặt lợi ích chính trị lên trên sức khỏe cộng đồng không có gì là mới lạ. Nhưng trước tình trạng lây nhiễm nhanh chóng của virus COVID-19 và tình hình nhiễm bệnh nghiêm trọng tại Trung Quốc, tôi đã nghĩ chính quyền có thể đặt việc kiểm duyệt và che đậy thông tin sang một bên để tập trung tìm ra biện pháp kiểm soát dịch bệnh và chữa trị cho người dân. Nhưng tôi đã lầm.
* Bác sĩ Song và sinh viên Lin là những bí danh.
* Tác giả là một nhà văn người Trung Quốc hiện đang sinh sống tại Bắc Mỹ.
Ngân Khánh (Theo The Guardian)