Trung Quốc bồi thường 1 tỷ đồng cho người phụ nữ bị ‘thẩm vấn’ đến chết
Một tòa án tại Trung Quốc đã yêu cầu cảnh sát bồi thường cho gia đình một phụ nữ bị bức hại đến chết trong một cuộc thẩm vấn kéo dài 12 tiếng đồng hồ tại đồn cảnh sát. Đây có thể được coi là vụ việc chưa từng có tiền lệ.
Năm 2012, bà Hứa Sâm Sinh, 47 tuổi, là một học viên Pháp Luân Công ở thành phố Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam, đã bị công an ở Đồn công an phố Nhân Dân Tây bắt giữ. Tuy nhiên, bà đã đột ngột qua đời sau khi bị thẩm vấn trong 12 tiếng. Phòng công an đã thông báo với gia đình bà hai ngày sau đó, nói rằng bà đã qua đời vì bệnh tật. Gia đình và bạn bè của bà Hứa đều rất đau buồn và giận dữ. Họ đã thuê một luật sư và chuyên gia giám định để tìm lý do thực sự về cái chết của bà Hứa.
Lúc 10 giờ sáng ngày 16/05/2012, bà Hứa đã bị bắt đến Đồn công an phố Nhân Dân Tây. Bà bị còng tay ở sau lưng, cưỡng ép ngồi vào “ghế thẩm vấn”, và bị thẩm vấn trong hơn 12 tiếng. Bà không được cung cấp thức ăn, nước uống và dùng nhà vệ sinh trong quá trình thẩm vấn.
Đến đêm cùng ngày, lúc 10h39, bà Hứa bị ba người đưa vào trong xe công an và sau đó họ chở bà đến Bệnh viện Nhân Dân số 01 lúc 11h15. Bác sỹ đã khám cho bà Hứa và xác nhận rằng bà đã chết. Không rõ điều gì đã xảy ra và nguyên nhân dẫn đến cái chết của bà. Thi thể bà được bảo quản đông lạnh tại một nhà xác, với hai mắt khép hờ.
Hai ngày sau, ngày 18/05/2012, phòng công an đã thông báo cho người chồng cũ của bà Hứa về cái chết của bà. Mẹ bà Hứa, đã 87 tuổi, rất đau buồn và tức giận, đã tuyên bố rằng họ sẽ mang những kẻ giết người ra công lý. Gia đình đã thuê một luật sư ở bên ngoài thị trấn và tiến hành làm khám nghiệm y tế để làm các thủ tục pháp lý.
Trước đó, bà Hứa đã từng bị bắt và giam giữ, nhà bà còn bị lục soát nhiều lần chỉ vì bà tập Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần từng gây tiếng vang lớn tại Trung Quốc bởi số lượng người theo tập luyện quá đông.
Trái ngược với hơn 100 quốc gia trên thế giới, chính quyền Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công sau khi chứng kiến sự ưa chuộng của người dân đối với môn khí công gồm 5 bài tập và các nguyên tắc sống theo Chân – Thiện – Nhẫn.
Khi số lượng người tập Pháp Luân Công lên đến 70-100 triệu người, vượt quá số lượng Đảng viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc, cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Giang Trạch Dân đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công trên toàn quốc với chỉ lệnh có thể đánh chết các học viên và coi đó là tự sát.
Chiến dịch bức hại đi kèm với hoạt động tuyên truyền không ngừng nghỉ, chụp mũ Pháp Luân Công với các cáo buộc về ‘tà giáo’. Tuy nhiên, “những cáo buộc này là vô căn cứ khi được xem xét tại Trung Quốc, cũng như khi xét đến sự phổ biến của Pháp Luân Công ở những nơi khác trên thế giới, bao gồm cả Đài Loan vốn có nền dân chủ“, theo bà Sara Cook, Chuyên gia Nghiên cứu Cấp cao về Đông Á của Tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House).
“Kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu, chính quyền Trung Quốc đã làm xói mòn hệ thống pháp luật. Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết hoặc bị tàn phế vì cuộc đàn áp. Nhưng họ không biết đi đâu để khiếu kiện”, theo ông Heng He, một nhà phân tích về Trung Quốc nói với Đài Truyền hình NTD.
Tuy nhiên, bà Hứa Sâm Sinh đã trở thành học viên Pháp Luân Công đầu tiên được bồi thường vì cuộc bức hại. Gia đình bà đã nhận được 319.000 nhân dân tệ (khoảng 1 tỷ đồng) vào cuối năm 2016.
Con trai của bà Hứa đã đệ đơn kiện lên tòa án và cơ quan công an sau khi bà Hứa bị giết hại vào năm 2012. Đồn công an quận Bắc Hồ đã từ chối bồi thường, vì vậy anh đã kháng cáo lên tòa án quận. Ngày 19/12/2016, tòa án ra quyết định bồi thường cho gia đình anh.
Nhà phân tích Heng He nói rằng: “Theo như tôi biết, đây là trường hợp đầu tiên được bồi thường”.
Ông Heng cũng cho rằng việc nhà nước chấp nhận bồi thường trong vụ án này là một biểu hiện cho thấy cuộc đàn áp Pháp Luân Công khó có thể tiếp tục ở Trung Quốc.
Ông Heng cho biết: “Điều này có nghĩa là bộ máy bức hại trường kỳ và chính sách về cuộc đàn áp đang đi đến thất bại”.
“Các thẩm phán và các quan chức địa phương có liên quan cũng không muốn bị quy trách nhiệm về cuộc đàn áp. Đó chắc chắn là một lời cảnh báo cho các quan chức nào vẫn còn đang bức hại các học viên Pháp Luân Công”, ông Heng nói thêm.
Các luật sư cho rằng sẽ ngày càng có thêm nhiều nạn nhân và gia đình đệ đơn khởi kiện để đòi công lý cho họ và người thân. Các gia đình nên gửi đơn đến tất cả các cấp chính quyền để yêu cầu bồi thường, theo luật sư Teresa Chu.
“Trước tiên, cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân đã sử dụng toàn bộ bộ máy quốc gia để phát động cuộc đàn áp. Vì thế, các nạn nhân nên khởi kiện ông Giang và yêu cầu nhà nước bồi thường”, bà Chu phân tích.
“Thứ hai, những kẻ đánh đập trực tiếp phải chịu trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Thứ ba, cũng như vụ án này, vì cơ quan công an có hành động vi phạm pháp luật, nên nạn nhân có quyền yêu cầu nhà nước bồi thường”.
Trong vụ tử vong của bà Hứa Sâm Sinh, gia đình bà đã nghi ngờ về kết quả khám nghiệm tử thi của nhà nước và yêu cầu tiến hành một cuộc khám nghiệm độc lập, nhưng cảnh sát, công tố viên và quan chức tòa án đã ngăn cản.
Gia đình bà Hứa cũng đã triển khai một chiến dịch rộng khắp ở thành phố để phơi bày các quan chức can thiệp vào vụ việc này.
Người dân địa phương sau khi biết sự việc đã công khai chỉ trích các quan chức liên quan đến vụ án. Cảnh sát được điều động đến để duy trì an ninh trong khu vực, nhưng cuối cùng đã phải rời đi sau khi bị người dân chất vấn liên tục.
Theo NTD, các luật sư tin rằng với sự hỗ trợ của cộng đồng, cộng với sự kiên trì của gia đình nạn nhân, cuối cùng chính quyền Trung Quốc cũng đã chấp nhận bồi thường. Vụ việc này hiện trở thành một tiền lệ cho các vụ kiện trong tương lai.
TinhHoa tổng hợp