Chính sách khủng hoảng an ninh lương thực của Trung Quốc: Lại một trò thái quá!
Nhu cầu ổn định chính trị, năng lực yếu kém và tâm lý nôn nóng đạt được mục tiêu là những nguyên nhân khiến các chính sách của Trung Quốc khi ứng đối với bất kể sự việc gì, đặc biệt là các sự cố bất ngờ, đều trở nên rất cực đoan.
Chính sách đối phó với khủng hoảng an ninh lương thực của Trung Quốc gần đây đã trở thành đề tài tiếu lâm cho dư luận.
Từ đầu năm đến nay tại Trung Quốc, thiên tai nhân họa xảy ra liên miên và kho dự trữ bị hỏa hoạn hàng loạt (do tham nhũng) đã đẩy quốc gia này đến gần bờ vực khủng hoảng lương thực nghiêm trọng.
Tập Cận Bình thậm chí đã ban hành lệnh đến chính quyền các cấp, yêu cầu “chấm dứt tình trạng lãng phí thực phẩm của người dân”. Sau đó, từ cơ quan công quyền, các kênh truyền thông cho đến các hiệp hội ẩm thực đều có phản ứng mau lẹ.
Truyền thông ‘loa phường’ của Trung Quốc đưa tin, tại một khách sạn nọ ở Hà Nam, đầu bếp được yêu cầu “không được cắt bỏ quá nhiều phao câu”, còn tại một nhà hàng khác thì chủ quán biểu diễn ăn thức ăn thừa của khách. Theo đó, các sáng kiến n-1 (bớt một món ăn), phong trào sạch mâm,… được sinh ra.
Những kiểu cổ động phản cảm trên vẫn chưa lố bịch hơn việc Thượng Hải ban hành một cơ chế báo cáo và khiếu nại theo kiểu đấu tố. Theo đó, chính quyền địa phương sẽ giám sát các thương vụ tiệc chiêu đãi, đám cưới, đám ma, đám hỏi v.v. các hoạt động ăn uống lãng phí khác, nếu những người bị báo cáo kiên quyết không thay đổi, thì sẽ bị “phê bình, vạch mặt”.
Thậm chí, ngay cả các kênh truyền thông về ăn uống cũng bị cấm và gỡ bỏ.
Không phải lần đầu tiên!
Cách tuyên truyền, làm việc cực đoan của Trung Quốc không phải mới mẻ gì.
Gần đây nhất, trong quá trình xử lý đại dịch Vũ Hán, chính quyền Trung Quốc đã bịt cả cửa nhà người dân để ngăn cản họ ra ngoài khiến không ít người bị chết đói.
Hồi cuối năm 2019, khi nước này đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, chính phủ đã ra nghị quyết yêu cầu dân chúng tiến hành chuyển đổi từ than sang khí gas ngay trong mùa đông.
Ở một thôn nhỏ thuộc tỉnh Sơn Tây (Trung Quốc), chính quyền đã liên tục tuyên truyền và đe dọa dân làng “Nếu bất cứ nhà nào thổi lửa nấu cơm sưởi ấm, chính là đang đối đầu với quốc gia”. Cán bộ thôn còn dẫn người dùng xi măng lấp bếp lò của từng nhà, người dân bị ép tới đường cùng, trời đông giá rét không thể nào nấu cơm sưởi ấm, tiếng oán than khắp nơi. Trong khi đó, chủ tịch huyện còn biện giải với truyền thông, “phá lò” là việc tiến hành sau khi đã thương lượng với người dân.
Nói xa hơn một chút, chúng ta nhắc lại chính sách một con của Trung Quốc. Đó là một chính sách ngu dốt, tàn bạo nhất mà một chính quyền có thể gây cho nhân dân của chính nó. Hãy nghe lại những khẩu hiệu được Đảng Cộng Sản Trung Quốc áp dụng khi tuyên truyền chính sách này:
“Một người sinh vượt mức, cả thôn buộc Ga-rô!” “Thai đầu sinh, thai hai ga-rô, thai ba thai bốn nạo! nạo! nạo!” “Thai đầu đặt vòng, thai hai ga-rô, thai ba thai bốn giết giết giết!” “Thà máu chảy thành sông, hơn để sinh quá một con!,” “Thà thêm 10 ngôi mộ, không để thêm một người!,” “Thà phá nhà, không để vong quốc”…
Đáng nói, những khẩu hiệu này không chỉ là treo trên miệng, mà còn được áp dụng hẳn vào thực thi, tạo nên vô số những bi kịch đẫm máu và mất nhân tính.
Xin đi xa hơn một chút nữa, nhắc lại Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông về chiến dịch tiêu diệt chim sẻ trong kế hoạch Đại nhảy vọt. Theo đó, chim sẻ bị liệt vào một trong bốn loại con vật cần phải bị diệt trừ vì chúng ăn hạt thóc lúa, gây thiệt hại cho nông nghiệp. Vì nỗ lực đạt được mục tiêu biến nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu thành một xã hội công nghiệp cộng sản hiện đại trong thời gian ngắn, ĐCSTQ đã phát động tiêu diệt chim sẻ trên toàn quốc.
Nông dân trên toàn Trung Quốc hưởng ứng chiến dịch đã đập gõ nồi, niêu và rượt đuổi chim sẻ khiến chúng sợ sệt bay đi, do không thể hạ cánh, không có thức ăn nên mệt chết. Ổ chim sẻ bị phá, trứng bị đập vỡ, các chim con trong tổ bị giết chết. Kết quả là châu chấu mất đi thiên địch, tràn ngập vùng miền quê sau đó phá nát mùa màng và kéo theo nạn đói kinh hoàng khiến hàng chục triệu người chết đói.
Nhu cầu ổn định chính trị, năng lực yếu kém và nôn nóng là nguyên nhân
Nhu cầu ổn định chính trị, năng lực yếu kém và tâm lý nôn nóng đạt được mục tiêu là những nguyên nhân khiến các chính sách của Trung Quốc khi ứng đối với bất kể sự việc gì, đặc biệt là các sự cố bất ngờ, đều trở nên rất cực đoan.
Riêng về Chính sách đối phó với khủng hoảng an ninh lương thực gần đây của Trung Quốc, vấn đề thiếu lương thực đã lộ rõ ra từ rất sớm nhưng các biện pháp được đưa ra quá trễ. Nguyên nhân vì tâm lý muốn ổn định của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, ‘truyền thông loa phường’ không dám đưa tin tiêu cực, thậm chí đưa tin trái với thực tế (trước đó, Trung Quốc còn tuyên bố được mùa).
Một phần, đối mặt với làn sóng chỉ trích từ quần chúng, áp lực từ thượng cấp, đã buộc chính quyền các địa phương phải có phản ứng, thậm chí bao gồm cả những phản ứng cực đoan. Tâm lý nôn nóng đã thúc đẩy họ bỏ qua các vấn đề nhân quyền, sinh kế của người dân để nhanh chóng đạt được mục đích hòng ‘lấy điểm’ với cấp trên.
Các chính sách sai lầm xuất phát từ năng lực yếu kém như chính sách một con, tiêu diệt chim sẻ, bế tắc trong việc tìm giải pháp cho nạn ô nhiễm, hệ lụy từ nạn tham nhũng tràn lan trong các kho lương thực,.v.v..
Đó là vì bản chất Giả Ác Đấu của ĐCSTQ. Những điều này đã được bàn nhiều lần, nay mạn phép không đi sâu hơn nữa.
Từ Thức