Tìm thấy đồ chơi trẻ em 2 triệu năm tuổi tại Trung Quốc
Nhà khảo cổ học Trung Quốc Wei Qiwei vừa qua đã tuyên bố tìm thấy một số đồ vật đá được sử dụng như đồ chơi của trẻ nhỏ, điều đáng ngạc nhiên là chúng xuất hiện từ hai triệu năm trước, ở miền bắc Trung Quốc.
Nếu giới khoa học chứng thực được phát hiện này, thì nghĩa là Wei Qiwei, một nhà nghiên cứu tại “Viện Khoa học Trung Quốc” sẽ viết lại lịch sử vùng và có thể là của cả Trái đất với phát hiện này.
Theo tờ South China Morning Post, khám phá tuyệt vời này đã được thực hiện tại một “sân chơi” nhỏ ở hồ chứa tại thôn Hắc Thổ Câu, Hà Bắc, khu vực phía bắc Trung Quốc, giáp Bắc Kinh.
Các cuộc khai quật tại khu vực này bắt đầu vào năm 2002, nhưng cho đến nay các chuyên gia mới có thể xác định chính xác niên đại của khu vực và các hiện vật được tìm thấy. Khu vực này là một hồ nước cổ mà hai bên bờ sông có thể chính là nơi chủng người vượn hominid đã sinh sống hàng triệu năm trước, vì điều kiện môi trường sống ở đây khá lý tưởng vào thời gian đó. Tuy nhiên, khu vực cũng có thể đã bị bỏ hoang sau thảm họa thiên nhiên.
Theo Qiwei, khám phá của ông chứng minh rằng 2 triệu năm trước đây, những đứa trẻ hominid đã sử dụng đồ chơi để giải trí giống như trẻ em ngày nay. Có vẻ như một số thứ đã không thay đổi qua cả hàng triệu năm. Qiwei và nhóm của ông đã tìm thấy 700 hiện vật được xác định là đồ chơi trẻ em 2 triệu năm trước đây.
Qiwei chỉ ra rằng kích thước tương đối nhỏ của các hiện vật và việc chúng không bị mòn hay nứt, chính là gợi ý cho thấy những hiện vật này là đồ chơi và không phải công cụ của người lớn. Trong khi đó, các dụng cụ khác được tìm thấy trong khu vực đã qua sử dụng thường xuyên và hoàn toàn khác biệt khi so sánh với 700 món đồ chơi này.
Qiwei chỉ ra rằng một trong những đồ chơi là mũi khắc đá với độ chính xác cao, dán nhãn HTG268, ông tin rằng đây là món đồ đã được một bà mẹ làm cho con. Theo Qiwei: “Bạn hầu như có thể cảm nhận được tình yêu và sự công phu trong những tác phẩm này”.
Theo Qiwei và nhóm của ông, địa điểm được dùng làm khu vui chơi cho trẻ nhỏ này không có di vật của động vật, dù chúng được phát hiện rất nhiều quanh khu vực nhà ở hoặc nơi làm việc.
Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng địa điểm khảo cổ này chỉ có thể là bằng chứng tồn tại của chủng loại hominid đầu tiên bên ngoài châu Phi, thậm chí có thể sánh với Dmanisi ở nước cộng hòa Georgia. Theo những giả thuyết ban đầu chủng người hominid đầu tiên rời khỏi châu Phi cách đây khoảng 1,8 triệu năm, nhưng nếu kết quả định niên đại trên được xác thực thì người vượn nguyên thủy tại châu Phi đã di chuyển đến Trung Quốc sớm hơn.
Thiên Long – Theo Ancient Code