Tìm thấy bằng chứng về đại hồng thủy kinh hoàng trong truyền thuyết
Các nhà khoa học quốc tế vừa tìm thấy bằng chứng cho thấy tại Trung Quốc đã xảy ra trận lũ lụt khủng khiếp vào hơn 4.000 năm trước, phù hợp với truyền thuyết đại hồng thủy dẫn tới sự ra đời của vương triều phong kiến thị tộc đầu tiên ở nước này.
Huyền thoại Đại quan Thủy đế Hạ Vũ kể rằng Hạ Vũ đã chế ngự được dòng sông Hoàng Hà hung hãn bằng cách nạo vét lòng sông và nắn dòng chảy, qua đó tạo nền móng xây dựng triều nhà Hạ và nền văn minh Trung Hoa.
Câu chuyện được lưu truyền cách đây 1.000 năm trước khi xuất hiện trong các tài liệu lịch sử. Do không đủ chứng cứ địa chất học về trận lụt, một số học giả nghi ngờ quy mô trận lụt bị phóng đại theo thời gian. Họ cho rằng đây có thể cách tuyên truyền để hợp thức hóa việc Hạ Vũ lên ngôi.
Tuy nhiên, một nhóm nghiên cứu do người Trung Quốc dẫn đầu đã vừa phát hiện được một sự kiện như vậy, xảy ra vào khoảng năm 1.900 trước Công nguyên.
Cụ thể, Trưởng nhóm nghiên cứu Ngô Thanh Long ở Đại học Bắc Kinh các đồng nghiệp đã tình cờ tìm được các mẫu trầm tích khi đi khảo sát hồi 2007.
“Nó khiến chúng tôi liên tưởng tới khả năng có trận lụt lớn, dẫn tới việc địa điểm thời tiền sử Lạt Gia cách đó 25km về phía hạ lưu bị bỏ hoang“, ông nói với các phóng viên trong một cuộc trao đổi qua cầu truyền hình. “Nhưng khi đó, chúng tôi không nghĩ ra là bằng chứng về vụ lụt lội khủng khiếp sẽ là gì“.
Lạt Gia, nơi nổi tiếng về món mỳ cổ nhất thế giới, được biết đến như Pompeii của Trung Quốc. Pompeii là tàn tích một thành bang La Mã gần Napoli Italia hiện nay trong vùng Campania, đã bị phá huỷ, và bị chôn vùi hoàn toàn, trong một vụ phun trào hai ngày của núi lửa Vesuvius vào năm 79 sau Công nguyên.
“Hồi tháng 7/2008, tôi đột nhiên nhận ra là cái thứ được gọi là cát đen trước đó được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Lạt Gia trên thực tế có thể là phần trầm tích từ trận lụt khủng khiếp mà chúng tôi nghiên cứu“, Tiến sỹ Ngô nói.
Sau đó, ông cùng với một nhóm nhà nghiên cứu quốc tế quyết định tái hiện sự kiện diễn ra trên sông Hoàng Hà. Bằng cách phân tích trầm tích ở lưu vực sông Hoàng Hà, họ tìm thấy bằng chứng của một vụ sạt lở tự nhiên diễn ra cách đây khoảng 4.100 năm. Tiếp đó, họ dựng lại những sự kiện xung quanh trận lụt nhằm xác định rõ thời điểm trận lụt diễn ra cũng như sức tàn phá của nó.
Trong kết quả công bố trên tạp chí Science hôm 5/8, nhóm nghiên cứu nhận định một trận động đất đã gây nên sạt lở đất, tạo ra một con đập chắn ngang sông Hoàng Hà. Nước sông tích tụ trong 6 – 9 tháng. Khi con đập vỡ, nó gây nên một trong những trận lụt lớn nhất ở thế Holocene (từ năm 9.700 trước Công nguyên đến nay).
Theo Business Times, chứng cứ địa chất từ sông Hoàng Hà chỉ ra một trận động đất từng khiến nước sông chảy với tốc độ 500.000 m3/giây. “Nước dâng cao tới 38m so với mức sông thời hiện đại“, một trong các đồng tác giả, Tiến sỹ Darryl Granger từ Đại học Purdue tại Mỹ nói.
“Trận lụt này tương đương với trận lụt mạnh nhất từng đo được trên sông Amazon, con sông lớn nhất thế giới. Đây cũng là một trong những trận lụt lớn nhất từng diễn ra trên Trái Đất trong suốt 10.000 năm qua, và mạnh gấp 500 lần mức dự kiến từ một cơn mưa lớn. Do đó, nó trở thành sự kiện có sức tàn phá dữ dội đối với bất kỳ cư dân nào ở hạ nguồn sông Hoàng Hà“, nhà địa chất học Mỹ này nhận xét.
Để tìm hiểu thời điểm trận lụt diễn ra, nhóm nghiên cứu sử dụng phương pháp xác định niên đại bằng đồng vị carbon trên bộ xương của những trẻ em chết trong trận động đất. Phân tích cho thấy chúng chết vào khoảng năm 1922 trước Công nguyên, “trên dưới thời điểm đó khoảng 28 năm“, Tiến sỹ Granger nói. Thời điểm này muộn hơn 200-300 năm so với các ước tính trước kia.
Nếu khoảng thời gian trên được cho là thời điểm hình thành nhà Hạ thì điều này củng cố cho lập luận rằng triều đại đầu tiên này ra đời trùng với thời kỳ con người chuyển từ Kỷ Đồ Đá sang Kỷ Đồ Đồng. Một số nhà khảo cổ đã liên hệ triều nhà Hạ với nền văn hóa Nhị Lý Đầu, là thời đầu của Kỷ Đồ Đồng được tìm thấy tại thung lũng sông Hoàng Hà.
Giáo sư Ye Maolin, đồng tác giả nghiên cứu từ Học viện Khoa học Xã hội và Khảo cổ Trung Quốc hy vọng sẽ huy động thêm kinh phí để tiến hành sâu hơn vì nhiều vấn đề vẫn đang được bỏ ngỏ, như quy mô trận động đất, hay các khám phá ngoài lề về văn hóa như loại mì sợi đầu tiên xuất hiện có thể mở bức màn về nền văn minh cổ đại.
Đại hồng thủy có mặt trong nhiều nền văn hóa, từ Hindu giáo cho tới Noah trong Kinh Thánh của Công giáo. Ở thời tiền sử, lũ lụt thường xuyên xảy ra do băng đá tan chảy sau kỷ băng hà 10.000 năm trước, làm tăng mực nước biển.
Tổng hợp