Công an khẳng định “tiếp thị sữa” trong clip đang xôn xao CĐM không phải là CSGT
Trên mạng xã hội đang lan truyền một clip dài 13 phút ghi hình một nhóm thanh niên hay còn gọi là “tiếp thị sữa” ở TP.HCM, đang rình bắt một người được cho là có hành vi quay lén người vi phạm giao thông để cung cấp cho các tổ CSGT, trên quốc lộ 51, tỉnh Đồng Nai.
Trước đó, theo đoạn clip được ghi hình lại, một nhóm thanh niên được cộng đồng mạng xác nhận là nhóm của “hiệp sĩ” Nguyễn Sin bắt tại trận một thanh niên mặc thường phục đang dùng máy quay, quay lén người đi đường. Nhóm của Nguyễn Sin nghi rằng thanh niên quay lén này là “nhóm tiếp thị sữa” (chỉ những người có quan hệ mờ ám với CSGT).
Clip nhóm Nguyễn Sin có phỏng vấn người dân ở đây thì được trả lời rằng, phải có người của CSGT “ủy nhiệm” thì người quay lén này mới ngồi ở đây ghi hình người vi phạm giao thông.
Khi được hỏi thanh niên quay lén rằng: “Ông có phải CSGT không mà quay?” thì người thanh niên này ú ớ không biết trả lời sao. Nhóm Sin tiếp tục xem trong túi xách của người thanh niên này thì phát hiện có máy quay, bộ đàm… Trong máy quay còn ghi hình rõ ràng các xe vi phạm.
Nam thanh niên ú ớ trước câu hỏi của Sin. (Ảnh cắt clip)
Sau khi bị Nguyễn Sin giữ máy, đề nghị làm rõ mục đích, động cơ quay phim thì người thanh niên này nói rằng “để em điện cho cấp trên em xuống”, đồng thời cho rằng mình là người trong tổ CSGT.
Tuy nhiên, sau khi thanh niên quay lén gọi điện thì không có “cấp trên” nào, mà chỉ có một nhóm thanh niên đi xe máy bịt khẩu trang đến hiện trường phản ứng gay gắt và quay phim lại nhóm người của Sin.
Sau hôm đó, clip của Nguyễn Sin được đăng tải lên MXH chừng 1 ngày thì trên YouTube cũng bất ngờ xuất hiện thêm 1 video nhưng đứng ở góc nhìn mà người áo xanh cầm camera trong clip Nguyễn Sin đăng.
Tuy nhiên video của người này được đăng không đầy đủ, chỉ trích 1 đoạn cuộc trò chuyện, đoạn video chỉ để lại đoạn cuối khi Nguyễn Sin sắp bỏ đi và kèm dòng trạng thái: “Nguyễn Sin quá hung hăn, người dân can ngăn thì chửi thề thách thức đánh nhau nhưng không dám đánh. Giả danh nhà báo lạm quyền lục soát bắt người…”
Nhưng vẫn còn rất nhiều dấu hỏi đặt ra cho đoạn clip là nhóm người này làm gì, là ai, cũng như thanh niên bị tình nghi ban đầu quay clip người dân qua ngã tư lúc đèn vàng sẽ gởi cho ai, bộ đàm liên lạc với ai…. Và còn rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp.
Sau khi đoạn clip được tung ra, đã nhận được rất nhiều lượt share trên mạng xã hội. Phía công an cũng đã vào cuộc điều tra và đưa ra lời giải thích cho sự việc này.
Theo vị lãnh đạo phòng, trong quy định của ngành, CSGT được mật phục hóa trang nhưng phải có kế hoạch cụ thể và được cấp trên phê duyệt. “Trường hợp thanh niên ghi hình xưng trong tổ CSGT không phải là người trong lực lượng”.
Một lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt Công an tỉnh Đồng Nai cũng cho biết: qua xác minh từ các tổ công tác, lực lượng khẳng định không có ai trong lực lượng CSGT ở trong clip được phát tán. Hiện các tổ công tác cũng cam kết không có liên quan gì đến những thanh niên ghi hình.
CSGT xử lý người vi phạm giao thông là nên làm và đúng đắn. Tuy nhiên, điều nghi ngại là CSGT nếu dùng người ngoài ngành và tổ chức ghi hình để gài bẫy các xe vi phạm trên đường để vòi tiền thì cần phải xử lý mạnh.
Trước đó, đã từng có rất nhiều vụ CSGT cho cài người lạ mặt vào để gài bẫy người dân, thậm chí là bảo kê, đánh người. Điển hình là vụ một nhân viên tiếp thị sữa nghe bộ đàm giúp cảnh sát giao thông, và đánh một người phụ nữ chảy máu miệng hồi năm 2015 đã từng gây sốt cộng động mạng, cái tên “nhân viên tiếp thị sữa” từ đó cũng được gán ghép cho những người có quan hệ mờ ám với CSGT.
Anh Thư (t/h)