CSGT được phép núp vườn chuối, ngọn cây, nóc nhà để bắn tốc độ…
Tại Việt Nam, hình ảnh các chiến sĩ CSGT đứng ở nơi khuất để bắn tốc độ các xe vi phạm không phải là điều gì quá xa lạ. Để có một vị trí thuận lợi, đảm bảo tốt nhất cho việc sử dụng thiết bị súng bắn tốc độ thì bụi chuối, ngọn cây, nóc nhà hay gốc cột điện đều là vị trí đắc địa.
Mới đây vào sáng 27/5, mạng xã hội lại xôn xao đoạn clip dài 2 phút ghi lại cảnh một người được cho là CSGT mặc thường phục, ngồi gần bụi cây và cầm máy bắn tốc độ tạo nên những cuộc tranh luận ‘nảy lửa’.
Theo đó, đa số ý kiến lên tiếng chê trách, cho rằng: “Đây là cách làm không minh bạch, sao không mặc cảnh phục rồi đứng ra đường bắn tốc độ”.
Đồng quan điểm, nhiều người còn dùng những từ ngữ để ví von về hành động của CSGT như: “Anh hùng núp là đây chứ đâu?”, “CSGT ngồi như này thì chạy xe ngoài đường là dính hết, chỉ khổ tài xế”…
Tuy nhiên vẫn có người bày tỏ rằng: “Cứ đi đúng luật thì công an làm gì ở đâu kệ họ đi” hay “Tới khi ai chạy quá tốc độ gây tai nạn cho người thân của các bạn rồi sao hả, tới đó lại hỏi công an ở đâu, không xử lý xe chạy quá tốc độ hả?”.
CSGT được phép hóa trang, ‘núp’ bắn tốc độ
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Hải Nam – Văn phòng Luật sư Công Quyền (TP HCM) cho hay, theo thông tư 65/2012/TT-BCA thì CSGT có quyền bí mật sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT)… Tức khi làm nhiệm vụ, CSGT có quyền được mặc thường phục để bắn tốc độ.
Trung tá Nguyễn Văn Bình – Đội trưởng Đội Tham mưu, thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cũng chia sẻ rằng, việc CSGT kết hợp biện pháp công khai với bí mật (hóa trang) để đo tốc độ là cần thiết, xuất phát từ thực tiễn công tác và đúng quy định của pháp luật.
Người dân nên tự giác chấp hành luật giao thông chứ không phải khi thấy CSGT mới chấp hành luật, còn không thấy CSGT thì chạy ào ào, thoải mái chen lấn, vượt ẩu. Đó là kiểu chấp hành luật đối phó.
“Đừng để vi phạm giao thông phải trả giá bằng tính mạng cũng như sức khỏe, tài sản của mình và của người khác”, ông Bình nhấn mạnh.
Vũ Tuấn (t/h)
Xem thêm:
- “Ác hữu ác báo” là Thiên lý, làm nhiều việc xấu tất tự hủy diệt chính mình
- Câu chuyện nhân quả: Miệng lưỡi hiểm độc phải bị báo ứng ngay tại đời này
- Sống làm việc thiện không tham cầu công danh, chết được vạn người thương xót