Thủ khoa trượt công chức: Thủ tục hành chính cản nhân tài?
“Để tìm người giỏi, Hà Nội nên bỏ bớt các thủ tục hành chính, bởi đây có thể là yếu tố ngăn cản nhân tài vào công chức”, GS Tạ Ngọc Tấn nói.
Thủ khoa trượt công chức: Lo HN dùng 'người học thuộc lòng' Vì sao thủ khoa xuất sắc vẫn trượt công chức HN? 50% người cho rằng có “lót tay” khi xin vào công chức Mới đây, Sở Nội vụ TP.Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức thi trượt trong kỳ tuyển dụng công chức TP.Hà Nội năm 2015. Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, 30/63 thí sinh thuộc diện được đặc cách xét tuyển đã không qua được kỳ sát hạch. Điều đáng nói, trong số 30 người không đạt, 5 người có bằng thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài các ngành: Kinh tế, quản trị kinh doanh, quản trị tài chính, kỹ thuật hóa học và ngữ văn. Số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi nước ngoài.
Nội dung kiểm tra, sát hạch công chức bao gồm kiến thức về công vụ, công chức; kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành; vận dụng kiến thức chung và kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành vào thực tiễn công tác ở vị trí việc làm nếu được tiếp nhận; kỹ năng thuyết trình, tổng hợp và soạn thảo văn bản.
Các thí sinh trong một buổi thi công chức (ảnh minh họa). Công chức phải có đạo đức
GS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh chia sẻ: Đối với công chức, đạo đức nghề nghiệp là điều đầu tiên phải có. Bên cạnh đó, công chức phải quan tâm đến người dân, có thái độ tôn trọng người dân.
GS Tấn cho biết, ông đã từng chứng kiến các thủ tục sách nhiễu người dân ở các cơ quan hành chính sự nghiệp. Sở dĩ xảy ra tình trạng này do đạo đức cán bộ công chức bị buông lỏng, xuống cấp. Họ luôn hạch sách, nhũng nhiễu nhân dân bằng các thủ tục rườm rà. Tương tự như vậy, nếu đội ngũ tuyển chọn công chức bị tha hóa, thiếu minh bạch sẽ có một đội ngũ công chức tha hóa theo.
Theo ông Tấn, nếu không muốn nhận người tài, nhà tuyển dụng sẽ yêu cầu các thủ tục hành chính với ứng viên. Như vậy, khó ai có thể can thiệp. Ở Hà Nội gần 50% thủ khoa xuất sắc trong nước và nước ngoài thi trượt chứng tỏ Hà Nội đang bỏ lọt nhân tài. Đặc biệt, những người giỏi, họ có nhu cầu cống hiến nhưng sẽ quay lưng và làm việc cho các tổ chức nước ngoài. Họ sẽ không có ý định quay lại thi công chức. Cơ quan nhà nước cũng mất cơ hội có người tài vào làm việc.
GS Tấn cũng lo ngại, nếu “chê” người tài có thể số lượng công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” sẽ ngày càng nhiều. Năng lực cán bộ công chức cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội, phương pháp tổ chức bộ máy công chức chưa chặt chẽ. Vì thế, năng suất lao động của người Việt vẫn luôn ở mức thấp.
Theo GS Tấn, không chỉ công chức, Việt Nam cũng đang rất cần quan chức giỏi, người lãnh đạo có tầm nhìn để chọn người xuất sắc làm việc. Do đó, để tìm người tài, Hà Nội nên bỏ bớt các thủ tục hành chính. Bởi đây có thể là yếu tố ngăn cản nhân tài.
Tấm bằng không phải là tất cả
Bày tỏ quan điểm về kỳ thi sát hạch thủ khoa của Hà Nội, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội cho biết, quá trình tuyển dụng “có vấn đề” của chúng ta những năm qua khiến người dân đặt ra câu hỏi về tính khách quan trong kỳ thi sát hạch thủ khoa tại Hà Nội.
Do đó, Hội đồng tuyển dụng phải có sự thay đổi cho phù hợp. Trong quá trình tuyển dụng, nên có ghi âm, ghi chép đầy đủ toàn bộ quá trình sát hạch, quá trình phỏng vấn để tránh thắc mắc về sau của ứng viên và dư luận.
Ngoài ra, để có kỳ sát hạch chuẩn, khách quan, tránh mắc mắc, Sở Nội vụ Hà Nội nên có thông báo rộng rãi về những vị trí, yêu cầu cần tuyển. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyển dụng, Hà Nội nên có bản giao việc rõ ràng cho từng thí sinh.
Theo bà Hồng, nếu tấm bằng của thí sinh xuất sắc cũng không phải điều kiện duy nhất để vào làm việc. Vì lý thuyết và thực tế có khoảng cách. Khoảng cách này, xa hay gần tùy thuộc vào phẩm chất của từng ứng viên.
“Tôi cũng từng tuyển một số thủ khoa về viện, nhưng họ không làm được việc”, TS Hồng nói.
Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, nhà tuyển dụng phải đánh giá ứng viên có tiềm năng bằng kỳ thi sát hạch, kỳ thi phỏng vấn, dù bằng có “chói lòa”. Bởi, không một ứng viên nào vừa mới ra trường đã có đủ các phẩm chất yêu cầu. Ngoài ra, thời gian học việc, thực tập của ứng viên vẫn quan trọng hơn tấm bằng đẹp.
Trong khi đó, GS.TSKH Vũ Minh Giang (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, thủ khoa chưa phải là tất cả. Thủ khoa đáng quý vì chứa đựng tiềm năng và có tư duy tốt. Tuy nhiên, có thể những thủ khoa chỉ học giỏi, còn làm tốt lại là chuyện khác”.
Ngoài ra, các trường đại học chỉ đào tạo các môn khoa học, năng lực cơ bản để cho sinh viên ra trường có làm việc. Các trường đại học không thể trang bị hết kiến thức kỹ năng thực tế. Kiến thức này, sinh viên phải tự rèn luyện, tự tìm phương pháp, kỹ năng, kiến thức chuyên môn.
|
Theo 24h.com.vn