Thiên Long bát bộ của Kim Dung: 8 nhân vật đối ứng 8 bộ Thần Hộ Pháp
“Thiên Long bát bộ” của Kim Dung khắc họa nhiều nhân vật tuy tính cách khác nhau và rất phàm nhân nhưng thật ra lại đối ứng với các vị Thần. Chiêm nghiệm lời dạy trong Phật Pháp và so sánh với khổ ải nhân gian, lại càng thấy thi vị.
“Thiên Long bát bộ” bắt nguồn từ Kinh Phật, dùng để chỉ 8 dạng thần hộ Pháp trong Phật giáo, bao gồm: Thiên Chúng, Long Chúng, Dạ Xoa, Càn Thát Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu Na La.
Thiên Long bát bộ chính là hình ảnh phản ánh “thế giới chúng sinh”, ngụ ý tượng trưng cho tầng tầng chúng sinh trong đại thiên thế giới, phía sau bao hàm sự vô biên và siêu thoát của Phật Pháp. Ý nghĩa chính của toàn bộ tiểu thuyết đơn thuần chính là “vô nhân bất oán, hữu tình giai nghiệt”, tức là không người nào mà không ai oán, có tình đều là nghiệt. Tác phẩm hùng vĩ bi tráng, quả là một bộ sử thi lớn lột tả chân thật và sâu sắc hết nhân tính và bi kịch nhân gian. Như vậy, mỗi nhân vật chính trong tác phẩm đều biểu thị cho bộ tương ứng trên thiên giới.
Tiêu Phong – Thiên Chúng
Cảm giác mà Tiêu Phong mang đến cho người ta trong toàn bộ tiểu thuyết chính là hình ảnh của Thiên Chúng, bất kể là thân hình, tướng mạo, khí chất, cho đến công phu, nhân phẩm, tính cách đều toát ra được phong thái của Thiên Chúng. Ngoài ra, Tiêu Phong cũng là nhân vật chính đầu tiên trong truyện, ăn khớp với địa vị đứng đầu của vị Thần hộ Pháp này.Ghi chép của Phật gia có nói: “Thọ mệnh của Thiên Chúng cuối cùng rồi cũng sẽ chấm hết, Thiên Chúng cũng sẽ phải chết đi. Khi Thiên Chúng chết thường xuất hiện năm loại trạng thái: xiêm y cáu bẩn, vòng hoa trên đầu úa tàn, thân thể bốc mùi, nách đổ mồ hôi, không thích vị trí của bản thân, đây chính là “thiên nhân ngũ suy”, là điều bi ai lớn nhất của một vị thần tiên”.
Thần vũ của Tiêu Phong tuy giống hệt Thiên Chúng, nhưng vẫn không tránh khỏi việc anh hùng mất sớm, nỗi bi ai của ông tuy không giống như Thiên Chúng, nhưng hết thảy đều khiến người ta phải chắp tay ngưỡng mộ. Tiêu Phong không những là Thiên Chúng, mà còn là thủ lĩnh của chúng Thần-vua trời Đế Thích.
Đoàn Dự – Long Chúng
Trong bát bộ thì Thiên Chúng và Long Chúng đứng đầu, ngoài Tiêu Phong thì Đoàn Dự là nhân vật chính thứ hai. Ngoài ra, Đoàn Dự là hoàng đế tương lai của Đại Lý, trong mắt người cổ đại, hoàng đế chính là rồng; sự tôn kính đối với rồng thời Ấn Độ cổ, cũng ăn khớp với thân phận vương tử của Đoàn Dự được mọi người tôn sùng.
Long Chúng hướng Phật ngày từ lúc còn nhỏ, điều này cũng phù hợp với Đoàn Dự. Ngoài ra, các hoàng đế trong suốt chiều dài lịch sử của Đại Lý đều xuất gia ở “Thiên Long tự”, điều này cũng đủ để chứng minh mối quan hệ giữa các hoàng đế Đại Lý và rồng, qua đó cho thấy địa vị “Thần Long” của Đoàn Dự.
Tứ đại ác nhân – Dạ Xoa
Quỷ Dạ Xoa, thường xuất hiện theo bầy đoàn, từ đó mới có những danh từ như “Dạ Xoa bát đại tướng”, “thập lục đại Dạ Xoa tướng”, v.v…
Kim Dung từng đề cập: “Dạ Xoa mà chúng ta nói đến hiện nay đều là chỉ ác quỷ, nhưng trong kinh Phật, rất nhiều Dạ Xoa hãy còn tốt, nhiệm vụ của ‘Dạ Xoa bát đại tướng’ là ‘duy hộ cảnh giới của chúng sinh'”.
Như vậy chúng ta có thể thấy được, ý của Kim Dung là Dạ Xoa không hẳn đều là ác quỷ như trong tưởng tượng của mọi người. Dạ Xoa cũng có mặt tốt của họ. Dựa vào căn cứ trên đây, người ta cho rằng Dạ Xoa chính là tứ đại ác nhân.
Tứ đại ác nhân là một nhóm được Kim Dung dày công tạo dựng, mặt mũi dữ tợn, hung ác tàn bạo, giống như “Dạ Xoa” mà chúng ta thường nói đến. Tuy nhiên, song song đó, tứ đại ác nhân cũng có những nỗi đau sâu thẳm từ tận đáy lòng, ai nấy cũng đều có một mặt tốt. Ngay cả ác nhân bại hoại nhất là Vân Trung Hạc cũng từng cứu mạng Vương Ngữ Yên. Vậy nên, quỷ Dạ Xoa trong nhóm tứ đại ác nhân đã nói với chúng ta rằng thiện ác luôn đồng tồn.
A Châu – Càn Thát Bà
Càn Thát Bà là một vị Thần không ăn rượu thịt, chỉ lấy hương thơm làm thức ăn, là một trong những nhạc thần phục thị vua trời Đế Thích, trên thân tỏa ra mùi hương lạnh nồng, “Càn Thát Bà” trong tiếng Phạn lại có ý nghĩa “biến hóa khôn lường”. Mùi hương và âm nhạc đều là thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện, khó nắm bắt được. Từ trong đoạn giải thích này chúng ta rất dễ dàng liên tưởng đến rằng, Càn Thát Bà chính là A Châu.
Hai nữ nhân có quan hệ gần gũi với “vua trời Đế Thích” tức Tiêu Phong nhất chính là A Châu và A Tử. A Châu tất nhiên là một trong những nhạc Thần phục vụ vua trời Đế Thích. A Châu vừa mới xuất hiện đã là “biến hóa khôn lường”, dễ dàng cải trang thành rất nhiều nhân vật, nhưng mùi hương trên người cô lại bị Đoàn Dự nhìn rõ thân phận.
Một tầng hàm nghĩa từ đó được suy ra, chính là: giấc mộng cưỡi ngựa chăn cừu ngoài biên ải đã không thành, A Châu đối với Tiêu Phong mà nói chỉ là hình ảnh thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện, để lại một mùi hương thoảng qua, nhưng lại lấy đi con tim của Tiêu Phong. Từ đó, “vua trời Đế Thích” Tiêu Phong đã xuất hiện điềm báo của “thiên nhân ngũ suy”.
Mộ Dung Phục – A Tu La
A Tu La không còn nghi ngờ gì nữa, chính là Mộ Dung Phục.
A Tu La có những đặc điểm dưới đây: Y thường hay dẫn theo thuộc hạ đánh nhau với vua trời Đế Thích; nhưng luôn bại trận. Người này tính khí tàn bạo, cố chấp và đố kỵ; quyền lực rất lớn, năng lực có thừa nhưng lại lo sợ rằng thiên hạ không được loạn; cộng thêm bệnh đa nghi rất nặng. Y nghĩ rằng Phật Tổ thiên vị Đế Thích, vì thế mà tranh đấu mãi không thôi.
Những đặc điểm này của A Tu La gần như hoàn toàn trùng khớp với Mộ Dung Phục: Mộ Dung Phục và Tiêu Phong cùng được xưng là “bắc Kiều Phong, nam Mộ Dung”. Mộ Dung cũng là kẻ bại trận dưới tay Tiêu Phong; lại có tính khí cố chấp và hay đố kỵ. Y là thái tử Đại Yên, vì để phục quốc mà khiến thiên hạ đại loạn; bệnh đa nghi của y cũng không kém. Dẫu cho A Tu La – Mộ Dung Phục được xếp ngang hàng với Đế Thích – Tiêu Phong, nhưng y mãi mãi là kẻ thất bại. Đây chính là đạo lý Tà không thể thắng chính.
Cưu Ma Trí – Ca Lâu La
Luận giải về các Hộ Pháp Thần này có đoạn viết: Ca Lâu La là chim đại bàng cánh vàng, đầu có một cái bướu to gọi là Như Ý Châu, tiếng kêu bi thảm, được người Trung Hoa bản địa gọi thành Đại Bàng Kim Sí Điểu. Ca Lâu La thích ăn rồng, khi chết chất độc xông lên đốt cháy nó thành tro, chỉ còn lại một trái tim xanh biếc.
Trong tác phẩm văn học cổ có nói rằng Nhạc Phi chính là “Đại Bàng Kim Sí Điểu” đầu thai chuyển thế, Ca Lâu La chính là Đại Bàng Kim Sí Điểu, mỗi ngày nó cần ăn một con rồng và năm trăm con rồng nhỏ. Đến khi mệnh tận, các con rồng nhả độc, không cách nào ăn tiếp nữa. Thế là Đại Bàng Kim Sí Điểu không ngừng bay lượn, bay đến đỉnh Kim Cang Luân để tận mệnh. Bởi nó một đời bắt rồng (rắn độc lớn) làm thức ăn, nên trong thân thể đã tồn trữ một lượng lớn khí độc, khi chết chất độc phát tán tự thiêu hủy chính bản thân mình.
Ca Lâu La hiển nhiên là Cưu Ma Trí. Cưu Ma Trí bảo tướng trang nghiêm; ông đối địch với Thiên Long tự nước Đại Lý, trong toàn truyện đều gây khó dễ cho “Thần Long” Đoàn Dự; cuối cùng tẩu hỏa nhập ma, nỗi đau đớn đó giống như tự thiêu sống bản thân mình. Tuy nhiên, Cưu Ma Trí là Ca Lâu La may mắn, ông cuối cùng đã đem độc khí (nội lực) chuyển sang cho Thần Long – Đoàn Dự, cũng vì vậy mà ngộ Đạo.
A Tử – Khẩn Na La
Khẩn Na La, giỏi múa hát, cũng là một trong những vị nhạc Thần của Đế Thích. Trong mối liên hệ với Càn Thát Bà trước đó, rất dễ phán đoán rằng Khẩn Na La chính là A Tử. Khẩn Na La trong tiếng Phạn có ý là “nhân phi phân”, thật ra hình dáng của nó cũng tương tự như con người, nhưng trên đầu có bộ sừng, và là một nữ thần giỏi múa hát. “Nhân phi nhân” của A Tử xin được lý giải như sau: A Tử từ nhỏ sống ở Tinh Tú hải, trong một môi trường ác liệt nên tình tình rất khó nắm bắt. Một mặt, cô độc ác điêu ngoa, mặt khác lại đơn thuần si tình, nói về “nhân phi nhân” của A Tử chính là lúc cô ôm thi thể tỉ phu nhảy xuống vực thẳm, thời khắc đó không ai có thể lý giải hoặc hiểu được A Tử, dù chỉ là một chút.
Hư Trúc – Ma Hầu La Già
Trong giải thích kinh Phật, “Ma Hầu La Già là thần rắn, mình người đầu rắn”, giải thích ở phần trước trong kinh Lăng Nghiêm có thêm phần sau: “Ma Hầu La Già, còn gọi là Đại Long hay Thần rắn; thuộc loại bò sát; vì ngu si độc ác nên tự chiêu mời rắc rối, đần độn vô tri, muốn thoát luân hồi nên đã tu luyện từ bi trí huệ, vãn hồi hậu quả gây ra, thoát được luân hồi”.
Điều này nói lên rằng, Ma Hầu La Già là Địa Long đối ứng với Thiên Long, nguyên là loài bò sát, nhưng bởi “đần độn vô tri” mà trái lại có thể “thoát khỏi luân hồi, tu luyện từ bi trí huệ”, cuối cùng cứu vãn được tiền căn, thoát khỏi xác thân bò sát, thay da đổi thịt.
Qua giải thích này, mọi người chắc cũng đã rõ, Ma Hầu La Già chính là Hư Trúc.
Hư Trúc vốn là hòa thượng thiếu lâm bình thường, là “loài bò sát” (thân phận thấp kém) nhưng bởi “đần độn ngu si”, trái lại được phúc, cuối cùng đã thay da đổi thịt, tu luyện từ bi trí huệ, sau cùng vãn hồi tiền căn (vốn là con trai của Huyền Từ và Diệp Nhị Nương), trở thành Thần rắn kiêm cung chủ núi Linh Thứu và phò mã nước Tây Hạ, cũng là Địa Long đối ứng với Thần Long – Đoàn Dự.
Tiểu Thiện
Nguồn: NTDTV
Xem thêm: