Thi THPT quốc gia 2015: Đỉnh phổ điểm sẽ cao hơn mọi năm
TT – Theo kế hoạch, trước khi các trường chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ vào đầu tháng 8, Bộ GD-ĐT sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào.
Vậy Bộ GD-ĐT sẽ dựa trên nguyên tắc nào để xác định ngưỡng này? Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga cho biết: – Đối với các trường có đề án tự chủ tuyển sinh thì ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã nêu trong đề án, và đã được công bố công khai. Đối với những trường tuyển sinh dựa vào kết quả kỳ thi THPT quốc gia thì sau khi có kết quả thi, hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của bộ sẽ họp bàn, tư vấn cho bộ trưởng quyết định ngưỡng tối thiểu để xét tuyển vào ĐH, CĐ. Các trường dựa vào ngưỡng này để thông báo điều kiện xét tuyển vào các ngành khác nhau của trường mình. Năm 2015, các trường tự chủ đưa ra các tổ hợp xét tuyển rất đa dạng, nên việc xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ phức tạp hơn. Tuy nhiên theo quy chế, các trường phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu để tuyển sinh theo các khối thi truyền thống. Với kinh nghiệm xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, dựa trên phân tích phổ điểm kết quả thi của thí sinh năm ngoái, hội đồng có thể đưa ra nguyên tắc chung để các trường xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào cho từng tổ hợp xét tuyển khác nhau. Nguyên tắc này được xác lập dựa vào tổng điểm tối thiểu của ba môn thi. Theo kế hoạch, hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào sẽ họp trong khoảng từ ngày 20 đến 31-7.
Các trường không được bổ sung tiêu chí phụ * Lần đầu tiên tuyển sinh ĐH có sự thay đổi mang tính bước ngoặt: sau khi có kết quả thi, thí sinh mới nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển. Như vậy, ngưỡng xét tuyển có vẻ rõ ràng hơn, nhưng nhiều thí sinh lại cho rằng cách xét tuyển này nếu “sai một li” sẽ “đi một dặm”… – Trước hết, quy định thi trước đăng ký xét tuyển sau nhằm tránh rủi ro cho thí sinh khi điểm cao mà vẫn trượt. Tuy nhiên để được trúng tuyển vào trường, ngành mình yêu thích, thí sinh cần nắm vững quy chế xét tuyển. Thí sinh cần hiểu rằng năm nay nguồn tuyển được phân khúc rất rõ ràng. Các trường sẽ đặt ra ngưỡng để nhận hồ sơ xét tuyển, nên chỉ những thí sinh đảm bảo các điều kiện theo yêu cầu của trường mới nộp hồ sơ. Thứ hai là thí sinh được chọn bốn nguyện vọng của đợt xét tuyển đầu tiên, và các nguyện vọng này có giá trị xét tuyển như nhau đối với nhà trường. Quy định này cũng nhằm tránh rủi ro cho thí sinh, khi có điểm cao nhưng chẳng may chọn ngành không đúng thứ tự ưu tiên nên bị rớt. Để tận dụng hết những ưu thế của kết quả thi đạt được, thí sinh cần lưu ý cân nhắc cẩn thận việc chọn ngành, trường vì một khi các em đã trúng tuyển rồi thì không được phép nộp đơn xét tuyển các đợt tiếp theo. Để giúp các em lỡ chọn trường, ngành chưa phù hợp, quy chế cho phép các em được thay đổi nguyện vọng, rút hồ sơ nộp trường khác trong thời gian xét tuyển đợt 1, và cấp cho các em ba giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển các đợt tiếp theo. Tất cả những quy định đó đều nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh được trúng tuyển vào ngành, trường mà các em yêu thích. * Nhìn vào kết quả chấm thi bước đầu, một số trường đã lo ngại điểm thi của thí sinh tập trung nhiều vào một mức điểm, gây khó cho xét tuyển. Đã có những trường từ trước khi thí sinh đăng ký dự thi đã công bố công khai về tiêu chí phụ trong xét tuyển, đưa ra phương án giải quyết nếu có nhiều thí sinh bằng điểm nhau ở đúng ngưỡng xét tuyển thì sẽ ưu tiên trúng tuyển cho thí sinh có điểm môn thi chính cao hơn, điểm học tập THPT cao hơn… Hiện tại, một số trường khác băn khoăn: liệu có thể bổ sung tiêu chí phụ này trước thời điểm chính thức tổ chức xét tuyển vào đầu tháng 8 tới được không, thưa thứ trưởng? – Phải khẳng định rõ rằng hiện tại công tác chấm thi chưa kết thúc, chưa có phổ điểm kết quả thi để phân tích, nên chưa có nhận định nào chắc chắn về sự phân bố điểm thi của thí sinh. Tuy nhiên, đề thi năm nay có tính phân hóa rất rõ rệt, thang điểm chi tiết đến 0,25 nên điểm thi của thí sinh dự báo sẽ rải đều. Những năm trước đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ chỉ nhằm mục đích phân loại thí sinh, nên đỉnh phổ điểm thường nằm ở phía điểm thấp. Năm 2015, đề thi với hai mục đích, có phần cơ bản và phần nâng cao, nên đỉnh phổ điểm sẽ nằm ở phía điểm cao hơn nhưng không bị dốc. Mặt khác, năm nay quy chế quy định thí sinh đã trúng tuyển vào một ngành, trường rồi thì không được xét tuyển tiếp các nguyện vọng tiếp theo, nên sẽ không xảy ra trường hợp thí sinh trúng tuyển rồi lại rút hồ sơ nộp vào trường khác. Do đó, các trường dễ cân chỉnh điểm trúng tuyển để gọi thí sinh nhập học theo chỉ tiêu quy định, không phải lo lắng. Cũng xin lưu ý rằng: tất cả những quy định về xét tuyển mà các trường đã công bố công khai trước khi thí sinh đăng ký dự thi, ví dụ như môn chính nhân hệ số, các điều kiện xét tuyển bổ sung… cần được thực hiện trong quá trình xét tuyển, không bổ sung thêm điều kiện khác. Trường không có website, cập nhật xét tuyển thế nào? * Theo quy định về tuyển sinh 2015, các trường cứ ba ngày một lần phải cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển trên trang web của trường để thí sinh theo dõi. Tuy nhiên, hiện vẫn có một số trường ĐH, CĐ không có website của trường thì việc cập nhật này được thực hiện theo “kênh” nào? Các trường không cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh theo đúng quy định liệu có bị nhắc nhở, xử lý không? – Hiện nay, theo quy định, các trường ĐH, CĐ đều phải công khai các thông tin đảm bảo chất lượng, chuẩn đầu ra trên trang thông tin điện tử của trường. Vả lại, việc lập trang thông tin điện tử không có gì khó khăn nên trường nào cũng làm được. Khi mà tất cả thông tin giới thiệu về trường, về công tác tuyển sinh đều được công khai trên mạng thì trường nào không có trang thông tin điện tử chắc chắn sẽ rất ít thí sinh biết đến để đăng ký xét tuyển. Quy chế bắt buộc các trường phải cập nhật dữ liệu tuyển sinh ba ngày một lần trên trang thông tin điện tử của trường, để thí sinh theo dõi khả năng trúng tuyển của mình mà quyết định có thay đổi việc nộp hồ sơ xét tuyển hay không trong đợt xét tuyển đầu tiên. Trường nào không thực hiện điều này là vi phạm quy chế và bị xử lý theo quy định. Điều quan trọng là thí sinh phải theo dõi thông tin của trường mình đã nộp hồ sơ để biết tình hình mà kịp thời quyết định có rút hồ sơ nộp sang trường khác hay không. * Năm 2015, Bộ GD-ĐT đã công bố dữ liệu thi THPT quốc gia được sử dụng phần mềm thống nhất. Vậy tại sao các trường không tận dụng được phần mềm chung để thực hiện đăng ký xét tuyển online như kỳ vọng của một số chuyên gia? – Thực tế thí sinh chưa quen với việc đăng ký trực tuyến nên phương án này chưa thể áp dụng được ngay. Cụ thể khi làm thủ tục đăng ký dự thi vừa qua, dù Bộ GD-ĐT đã luôn nhắc các em phải kiểm tra thông tin cá nhân với mã tài khoản cung cấp, nhưng rất nhiều em không thực hiện. Điều này dẫn đến tình trạng đến giờ phút chót vẫn còn thí sinh điều chỉnh thông tin, kể cả môn thi. Đây là việc mà thí sinh cần rút kinh nghiệm khi đăng ký xét tuyển. Do đó, nếu chỉ sử dụng phương án đăng ký xét tuyển trực tuyến ngay trong năm nay thì sẽ có rất nhiều thí sinh lúng túng dẫn đến thiệt thòi quyền lợi. Việc áp dụng công nghệ thông tin, sử dụng Internet sẽ giúp việc đăng ký xét tuyển đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều nhưng khó có thể thực hiện ngay lập tức. Vì vậy, năm nay bộ khuyến khích các trường thực hiện đăng ký xét tuyển trực tuyến, bên cạnh việc nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức truyền thống.
NGỌC HÀ thực hiện
|
Theo Tuổi Trẻ