Thế giới thức tỉnh trước “bản chất tà ác” của Bắc Kinh, nhiều quốc gia đã thực sự hành động
Thế giới đang thức tỉnh và bắt đầu lên án Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Ngày càng có nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao trên thế giới kêu gọi hoặc tìm cách bắt buộc ĐCSTQ phải chịu trách nhiệm về cách thức xử lý của chính quyền này trong đại dịch Vũ Hán.
Các chuyên gia nói với Epoch Times rằng, đang có sự bất đồng quốc tế đối với Trung Quốc và tình trạng này sẽ ngày càng bùng nổ khi các nước bắt đầu suy nghĩ nghiêm túc về mối quan hệ của họ với Bắc Kinh. Các nhà lãnh đạo trở nên cảnh giác hơn với ĐCSTQ về cách chính quyền này đối phó với dịch Vũ Hán.
Chính khách lột mặt nạ “tà ác” của ĐCSTQ
Phó chủ tịch Ủy ban về Nguy cơ Hiện tại từ Trung Quốc, Frank Gaffney nói: “Quá rõ ràng rằng ngày càng nhiều người nhận ra bản chất của ĐCSTQ”.
“Những quốc gia phải chịu tổn thất do ĐCSTQ gây ra sẽ suy nghĩ thấu đáo về chính quyền này, đặc biệt là những bằng chứng đã cho thấy rằng nếu đây không phải là vũ khí mà họ tung ra [để chống lại nhân loại] thì nó chắc chắn cũng đang có tác dụng như vậy”, ông nói với tờ Epoch Times .
Trước đây, ông Gaffney từng là trợ lý Bộ trưởng quốc phòng về chính sách an ninh quốc tế trong thời Tổng thống Reagan. Ông cho biết trong khi không dễ dàng bắt một chính quyền như ĐCSTQ chịu trách nhiệm hoàn toàn cho hành động của họ, thì “ít nhất chúng ta cần phải bắt họ trả giá cho những gì đã gây ra”.
Ngoài ra, ông cho biết thêm: “Tôi nghĩ các bạn sẽ thấy ngay là những chuỗi cung ứng bắt đầu rời bỏ Trung Quốc. Có rất nhiều công ty sẽ xem xét lại kế hoạch kinh doanh của họ với Trung Quốc”.
Đồng thời, Ấn Độ có chính sách mới yêu cầu đầu tư trực tiếp nước ngoài phải được chính phủ phê duyệt. Điều này có thể khiến cho mối quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ trở nên xấu hơn.
Người dân thế giới thức tỉnh
Sự bất bình đối với ĐCSTQ không chỉ thể hiện trong giới chính trị gia hay các nhà lãnh đạo đất nước, mà còn thể hiện trong dân chúng. Những người dân trực tiếp chịu tổn thất trong đại dịch cũng hàng ngày đang lên tiếng phản đối chính quyền Trung Quốc.
Người dân Hoa Kỳ đang vật lộn trước cuộc khủng hoảng chưa từng có. Cuộc thăm dò ngày 21/4 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy 66% người dân Hoa Kỳ có ý kiến tiêu cực về Trung Quốc. Tỷ lệ này được ghi nhận cao nhất kể từ khi trung tâm bắt đầu khảo sát vào năm 2005. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa cũng được khảo sát và có ý kiến tương tự.
Ngày 17/4, một cuộc thăm dò do YouGov của Vương Quốc Anh thực hiện cho thấy, 50% ý kiến cho biết họ “không hề tin” những con số tử vong do virus mà Trung Quốc đã báo cáo, 32% chọn “không hoàn toàn tin tưởng”.
Theo ông Casey Fleming, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của công ty chiến lược tình báo và an ninh BlackOps Partners, sự che đậy của ĐCSTQ đã làm cho đại dịch hoành hành, gây họa loạn tại phần còn lại của thế giới. Mặt khác, nó cũng thức tỉnh người dân toàn thế giới để “hiểu biết toàn diện về bản chất xấu xa của ĐCSTQ”.
Ông Fleming nói thêm rằng những ý kiến phản đối ĐCSTQ sẽ là nguyên nhân khiến hàng loạt các công ty của Hoa Kỳ và phương Tây rời khỏi đất nước Cộng sản Trung Quốc và sẽ thiết lập chuỗi cung ứng trên khắp thế giới. Ông cũng lưu ý rằng chính sách an ninh quốc gia của Mỹ đang thay đổi và có thể thấy điều này trong Chiến lược phản gián mới của Quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Fleming cũng cho biết: “COVID-19 đã buộc thế giới phải tự nhốt mình trong nhà, mất tự do, mất thu nhập và phải dành thời gian để theo dõi đại dịch, theo dõi cách mà ĐCSTQ đã ứng phó và cuộc tàn sát mà nó gây ra”.
“Đó là lẽ tự nhiên khi người dân và chính phủ trên toàn thế giới muốn buộc thủ phạm phải chịu trách nhiệm. Bằng cách đó, thế giới sẽ lột được chiếc mặt nạ che đậy “bản chất ác quỷ thực sự của ĐCSTQ”, ông nói thêm.
Nhiều quốc gia bày tỏ thái độ với chính quyền Trung Quốc
Mới đây, trong nỗ lực của lưỡng đảng, Úc đã kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về cách xử lý sự bùng phát dịch virus Vũ Hán của Bắc Kinh. Bộ trưởng Ngoại giao Úc, bà Marise Payne cho biết, cuộc điều tra đòi hỏi “hợp tác quốc tế” và “phải được tiến hành thực sự”. Sau những phát biểu của bà Payne, đại sứ Trung Quốc tại Úc, ông Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) đã đe dọa sẽ có “một cú đánh vào kinh tế Úc” nếu họ không lùi bước. Bà Payne sau đó đã phản ứng bằng cách chỉ trích và bác bỏ lời đe dọa của vị đại sứ.
Tại nước Anh, các chính trị gia như Tom Tugendhat, nghị sĩ đảng Bảo thủ và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại, đã trực tiếp lên tiếng chỉ trích Trung Quốc che giấu virus và cản trở phản ứng quốc tế bằng những lời dối trá. Đồng thời ông cũng đặt ra nghi ngờ về tính đúng đắn của việc cho phép công nghệ 5G của Huawei vào Vương Quốc Anh.
Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel đã thúc giục Trung Quốc hãy minh bạch hơn về nguồn gốc của virus, điều đó sẽ có lợi hơn cho sự ứng phó toàn cầu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng thật “ngây thơ” khi nói rằng Trung Quốc đã kiểm soát được đại dịch tốt hơn các nền dân chủ phương Tây.
Tại Hoa Kỳ, nhiều đơn kiện đã được đệ trình, từ bộ tư pháp bang, công ty luật, cho đến dân thường. Tất cả các đơn kiện này đều yêu cầu đưa Trung Quốc ra ánh sáng của công lý bởi vì cách họ phản ứng với sự bùng phát của virus trong giai đoạn đầu đã khiến virus lây lan thành đại dịch toàn cầu.
Một điều đáng chú ý là, Nhật Bản đã phản ứng mạnh mẽ với ĐCSTQ thông qua việc sử dụng gói kích cầu 2 tỷ USD để di dời các doanh nghiệp sản xuất ra khỏi Trung Quốc, quốc gia có chỉ số tự do báo chí thế giới xếp hạng 177/180, theo bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Báo chí Thế giới năm 2019 của Tổ chức Phóng viên Không biên giới.
Theo NTDVN