Tham nhũng không giới hạn ở Triều Tiên, nữ bác sĩ trẻ biến thành vật hy sinh
Theo một báo cáo của Ko Yongi, tổng biên tập “Daily NK Japan”, vào năm 2019, một nữ bác sĩ trẻ ở Triều Tiên đã bị hành quyết công khai vì gây ra một tai nạn y tế. Đến nay, ẩn tình đằng sau vụ việc đã được phơi bày, nữ bác sĩ trẻ rốt cuộc đã trở thành vật hy sinh cho nhóm quan chức cấp cao tham ô hủ bại.
Một nữ lãnh đạo phụ trách quản lý dược phẩm của một bệnh viện nhà nước ở Triều Tiên vì tư lợi đã từng chút một chiếm dụng thuốc của bệnh viện rồi bán ra ngoài, thu về lợi nhuận bất chính. Hành động này đã dẫn đến việc bệnh viện không đủ thuốc, đội ngũ y bác sĩ chỉ còn cách cấp cứu cho một bệnh nhân bằng các phương pháp dân gian, cuối cùng đã khiến bệnh nhân tử vong. Sau sự việc này, một nữ bác sĩ trẻ phụ trách điều trị đã bị hành quyết công khai. Gần đây, nữ lãnh đạo của bệnh viện và nhà máy sản xuất dược phẩm đã bị bắt giữ vì tình nghi tham nhũng, phải đối mặt với án phạt nặng nề.
Theo báo cáo, nhiều năm qua, nữ lãnh đạo quản lý dược phẩm tại Bệnh viện thành phố Samjiyon, tỉnh Ryanggang (Triều Tiên) đã biển thủ một lượng lớn thuốc do Khu liên hợp Dược phẩm Jeongjig và Nhà máy Dược phẩm Yuseon sản xuất, rồi bán lại cho người dân, thu về lợi nhuận khổng lồ.
Thành phố Samjiyon vốn được chính phủ Triều Tiên coi là “Thánh địa cách mạng”, cho nên họ đã đầu tư rất nhiều nhân lực, vật lực để tiến hành xây dựng và cải tạo, đồng thời tích cực thúc đẩy tái phát triển. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền trung ương thường xuyên cung cấp nhu yếu phẩm, thực phẩm và các vật liệu quan trọng khác cho quân đội và lực lượng biệt kích được điều động đến Samjiyon.
Ngoài ra, chính phủ cũng ưu tiên cung cấp dược phẩm đầy đủ cho Bệnh viện thành phố Samjiyon. Tuy vậy, số lượng thuốc trong bệnh viện thường cung không đủ cầu, điều này đã gây ra phản ứng dữ dội trong dân chúng. Mặc dù trước đó các cán bộ đảng của thành phố Samjiyon đã phát hiện ra điều bất thường, nhưng họ không nắm được chi tiết liên quan. Hơn nữa, chồng của nữ lãnh đạo quản lý dược phẩm cũng là một quan chức cấp cao, thậm chí rất nhiều quan chức của thành phố Samjiyon cũng liên quan đến vụ việc.
Người dân không hài lòng với tình trạng thiếu thuốc kéo dài, cuối cùng đã báo cáo sự việc lên chính quyền cấp trên. Vụ việc này đã vượt quá thẩm quyền của ủy ban thành phố Samjiyon, nên tỉnh ủy Ryanggang phải cử người tiến hành điều tra. Cuối cùng đơn vị điều tra cũng đã tìm ra sổ sách bất hợp pháp giữa bệnh viện và xưởng sản xuất thuốc. Căn cứ vào kết quả kiểm tra đã xác định được toàn bộ số thuốc này đều do nữ quản lý dược phẩm ăn chặn, ngoài ra nhiều lãnh đạo bệnh viện và nhà máy dược phẩm cũng đều dính líu tới vụ án.
Thực tế vào năm 2019, bệnh viện thành phố Samjiyon từng xảy ra sự cố một bệnh nhân cấp cứu đã tử vong do thiếu thuốc. Sau khi bệnh nhân đến bệnh viện khám chữa, do thiếu thuốc, đội ngũ y bác sĩ chỉ có thể sử dụng các biện pháp dân gian, chính là dùng thuốc nông dược pha loãng, cuối cùng bệnh nhân đã tử vong do sử dụng quá liều. Một nữ bác sĩ trẻ phụ trách điều trị cuối cùng vì chuyện này mà đã bị hành quyết công khai, trở thành vật hy sinh của hệ thống tham nhũng.
Hiện nữ quản lý dược phẩm đã bị bắt giữ để điều tra. Theo báo cáo, bởi vì nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rất coi trọng việc xây dựng và phát triển thành phố Samjiyon, cho nên nữ quản lý dược phẩm, bệnh viện Samjiyon và các công ty sản xuất thuốc có thể khó thoát trọng tội.
Triều Tiên là một trong những quốc gia có nạn tham nhũng và hối lộ nhiều nhất
Theo chỉ số nhận thức tham nhũng (Corruption Perceptions Index, CPI) năm 2020 được công bố vào tháng 1/2021, trong số 180 quốc gia thì Đan Mạch, Phần Lan, New Zealand, Thụy Điển, Singapore và Thụy Sĩ được coi là 6 quốc gia có mức độ tham nhũng thấp nhất trên thế giới, Triều Tiên xếp hạng thứ 170 và được coi là một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới.
Tổ chức xây dựng tiêu chuẩn chống hối lộ của Mỹ “TRACE” mới đây đã công bố báo cáo “Chỉ số rủi ro hối lộ toàn cầu” (Bribery Risk Matrix) năm 2021. Báo cáo chủ yếu đánh giá rủi ro hối lộ thương mại của 194 quốc gia và khu vực trên thế giới từ 4 khía cạnh, bao gồm tương tác kinh doanh giữa doanh nghiệp và chính phủ, sức mạnh của các cơ chế răn đe chống hối lộ, tính minh bạch trong quy định của chính phủ, sức mạnh của các phương tiện truyền thông và xã hội dân sự.
Bảng xếp hạng mới nhất cho thấy chỉ số rủi ro hối lộ của Đan Mạch chỉ là 2 điểm, thấp nhất thế giới, tiếp theo là Na Uy và Thụy Điển; Đài Loan đứng thứ 15 và là quốc gia có thành tích tốt nhất châu Á; Trung Quốc đứng thứ 135 trên thế giới, trong khi Triều Tiên là 1 trong 3 quốc gia có rủi ro hối lộ cao nhất.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)