Kết cục của những thiếu nữ bị loại khỏi “Đội mua vui” của Triều Tiên
“Đội mua vui” (Kippumjo/Gippeumjo) là thuật ngữ để chỉ một nhóm các cô gái xinh đẹp được tuyển chọn để phục vụ các lãnh đạo cấp cao Triều Tiên. Tuy nhiên, với những cô gái “không được ân sủng”, họ sẽ bị đưa thẳng đến núi Bạch Đầu (núi Trường Bạch/Paekdusan) vô cùng hẻo lánh, cũng giống như bị tống vào lãnh cung thời xưa vậy.
Người dân ở Triều Tiên mỗi ngày đều phải làm việc rất vất vả, đôi khi chính phủ còn buộc họ phải làm việc ở một số địa điểm nhất định nếu thiếu nhân lực, điều này thường gây ra sự bất mãn trong dân chúng. Theo các nguồn tin, ngay cả “Đội mua vui”, vốn được xem là những “phi tần” của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, cũng sẽ phải đối mặt với tình huống này.
Tổng biên tập Ko Young-ki của “Daily NK Japan”, đã dẫn các nguồn tin bên trong Triều Tiên tiết lộ rằng, có 5 thiếu nữ đã tốt nghiệp Khoa Di tích Lịch sử tại Đại học Sư phạm Chongjin ở tỉnh Hamgyong Bắc, vì có ngoại hình xinh đẹp, nên đã được “Ủy ban thứ 5” của Đảng Lao động Triều Tiên chọn làm ứng cử viên cho “Đội mua vui” của Kim Jong-un.
Nhưng vì một lý do nào đó, 5 thiếu nữ này đã bị loại khỏi danh sách, sau đó chính quyền tỉnh Hamgyong Bắc lấy lý do “chính sách nội bộ của Đảng” mà thuyên chuyển những cô gái này tới làm việc ở núi Bạch Đầu.
Trên thực tế, núi Bạch Đầu cách quê hương Chongjin của họ rất xa, hơn nữa thời tiết cực kỳ giá lạnh, giao thông không thuận tiện, việc đi lại giữa các khu vực với nhau vô cùng khó khăn, cho nên nó còn được gọi là “Đảo Cô Độc” của Triều Tiên.
5 thiếu nữ cùng thân quyến của họ vô cùng bất mãn với chuyện này, nhưng nếu họ không tuân theo mệnh lệnh của Đảng, họ sẽ bị coi là phần tử phản nghịch, cho nên họ chỉ biết im lặng nuốt hận. Cha mẹ của 5 cô gái này chỉ có thể than thở rằng “xinh đẹp cũng là cái tội”.
Đối với vấn đề này, chính quyền Hamgyong Bắc giải thích rằng khu vực mà 5 cô gái được phân công tới là khu di tích lịch sử cách mạng núi Bạch Đầu, đây cũng là đơn vị quan trọng mà đích thân Chủ tịch Kim Jong-un sẽ thị sát chỉ đạo, cho nên, chỉ những người xuất sắc về ngoại hình, tướng mạo và thành tích mới được phân công tới đây.
Ngoài ra, nơi này thuộc đơn vị thị sát cấp 1, cho nên những cô gái tới đây sẽ có cơ hội được đến gần “Nguyên soái” Kim Jong-un, chẳng những có thể đẩy nhanh tốc độ gia nhập Đảng, còn có thể chụp ảnh chung với lãnh tụ, thậm chí tương lai có thể dễ dàng gả vào gia đình quyền quý.
Lịch sử hình thành và hoạt động của “Đội mua vui”
“Đội mua vui” (Gippeumjo/Kippumjo) được thành lập vào năm 1978, dưới thời chính quyền của Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), nhằm mục đích giải trí cho lãnh đạo họ Kim. Việc tuyển dụng và đào tạo của “Đội mua vui” tiếp tục được duy trì dưới thời con trai ông là Kim Jong-il cho đến khi ông này qua đời vào năm 2011.
Theo tổ chức “A Woman’s Voice International”, hoạt động của nhóm này là phục vụ và mua vui cho các quan chức cao cấp của Đảng Lao động Triều Tiên và gia đình của họ, mà thực chất là phục vụ tình dục cho lãnh tụ Kim Il-sung và các lãnh đạo cao cấp Triều Tiên.
Theo báo cáo của ETtoday, “Đội mua vui” gồm các thiếu nữ độ tuổi từ 13 đến 40, được chia thành 3 tổ phục vụ chuyên biệt: “Tổ thỏa mãn” cung cấp các dịch vụ tình dục; “Tổ hạnh phúc” cung cấp các dịch vụ massage đấm bóp; “Tổ ca múa” cung cấp các dịch vụ biểu diễn ca múa nhạc.
Những người đào tẩu khỏi Triều Tiên cho biết “Đội mua vui” hoạt động rất bí mật, gần như tách biệt khỏi xã hội. Đối với nhóm phục vụ ca múa nhạc, các thiếu nữ đôi lúc phải bán khỏa thân để mua vui cho quan khách.
“Ủy ban Thứ 5” của Đảng Lao động Triều Tiên thường tới các trường học tuyển chọn những cô gái từ 14 đến 25 tuổi cho “Đội mua vui”, các cô gái phải đáp ứng một số tiêu chí nghiêm ngặt như còn trinh tiết, lý lịch trong sạch, cao 1,65m trở lên, không có sẹo hoặc khiếm khuyết trên cơ thể, đặc biệt giọng nói phải nữ tính, mềm mại.
Nói chung, các thành viên của “Đội mua vui” mỗi năm phải trải qua 2 cuộc kiểm tra thân thể, lần đầu tiên là “kiểm tra trinh tiết”, những người này phải trải qua thời gian lưu trú tập thể trong khoảng 20 tháng, đồng thời tiếp nhận các loại huấn luyện, còn phải học tiếng Anh, tiếng Nhật và tiếng Trung, v.v., để có thể tiếp đãi khách nước ngoài trong tương lai.
Sau cái chết của Kim Jong-il, Kim Jong-un đã giải tán “Đội mua vui” vào năm 2011, đồng thời tuyên bố 3 năm quốc tang, các cô gái được phép trở về với gia đình. Quan chức Bình Nhưỡng phải trả mỗi người 4.000 USD tiền mặt cộng với quà cáp để họ giữ bí mật. Số tiền này gần gấp đôi thu nhập hằng năm của một gia đình trung lưu ở Triều Tiên. Bất kỳ người nào tiết lộ quãng thời gian phục vụ tại “Đội mua vui” sẽ bị xử tử ngay lập tức. Cả người thân của họ có thể cũng phải chịu chung số phận.
Tuy nhiên, theo tờ báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc, gần 6 tháng sau cái chết của cha, cố lãnh đạo Kim Jong-il, lãnh đạo hiện tại của Triều Tiên Kim Jong-un đã tìm kiếm những thành viên mới cho “Đội mua vui”.
Thông thường, các cô gái được cho là sẽ giải nghệ vào năm 22-25 tuổi sau khi phục vụ trong khoảng một thập kỷ. Mặc dù một số thành viên trong nhóm đã nghỉ hưu ở độ tuổi 20, nhưng bọn họ buộc phải kết hôn với các cận vệ ưu tú hoặc các tướng lĩnh có công với đất nước, những cô gái này được coi như một phần thưởng cho những tướng lĩnh trung thành.
Tuệ Tâm (Theo Vision Times)