Tàu TQ truy đuổi, đâm hỏng tàu, đánh ngư dân Việt ở Hoàng Sa
“Khi lên tàu Trung Quốc, họ yêu cầu ký vào một tờ giấy, không ký là họ đánh. Lúc bị đánh, tôi thấy tàu lớn (tàu 4006) mở hai khẩu súng to. Tôi bị đạp khoảng ba bốn chục cái, bị đánh khoảng 20 cái…”, thuyền trưởng Lộc, chủ một tàu cá Việt bị tàu Trung Quốc rượt đuổi, tông va, khống chế, đánh và lấy hải sản, ngư cụ…nhớ lại.
Ngày 12/6, tại Trạm kiểm soát biên phòng Sa Kỳ (Quảng Ngãi), thuyền trưởng Nguyễn Lộc (42 tuổi, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi), chủ tàu cá QNg 96416 ở Quảng Ngãi đã trình báo về việc bị tàu Trung Quốc rượt đuổi ở Hoàng Sa.
Theo thuyền trưởng Lộc, trước đó vào khoảng 10h sáng 10/6, khi ông đang cùng 15 ngư dân khác trong đoàn đánh bắt hải sản ở khu vực biển cách đảo Linh Côn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) khoảng 8 hải lý về hướng tây nam thì bỗng bị tàu sắt Trung Quốc số hiệu 4006 cùng một xuồng máy truy đuổi.
Dù đã lái tàu cá né tránh nhưng con tàu của ông vẫn không thoát khỏi sự kèm cặp và truy đuổi của tàu Trung Quốc. Nhiều lần tàu cá của ông bị con tàu Trung Quốc trên tông va vào lật nghiêng hẳn qua một bên khiến tàu bị hư hỏng nặng, tất cả mọi người ai cũng đều hốt hoảng lo sợ tàu bị đâm chìm…
“Tôi lái tàu tránh truy đuổi thì tàu Trung Quốc số hiệu 4006 đè ở phía sau tàu khiến tàu cá chìm, anh em vọt nhanh xuống biển. Lúc này tôi ngồi trong cabin tàu cá nước đã tới ngực, anh em la bọn bây giết người, bọn bây giết người”, thuyền trưởng Lộc kể.
Sau đó, tàu sắt Trung Quốc hãm lái nên tàu cá của ông Lộc ở trạng thái nửa nổi nửa chìm. 13 ngư dân bám được vào thúng, 3 ngư dân được xuồng máy Trung Quốc vớt lên và đưa về lại tàu cá. Phía Trung Quốc cùng 3 ngư dân Việt Nam lên nổ máy bơm cứu tàu cá khỏi chìm, 13 ngư dân cũng chèo thúng trở lại tàu.
Những tưởng sẽ được phía Trung Quốc xin lỗi sau vụ việc này thì thuyền trưởng Lộc lại phải bất ngờ khi phía Trung Quốc tiếp tục tra xét, lấy nhiều ngư cụ và hải sản trên tàu. Riêng ông bị phía Trung Quốc yêu cầu ký tên vào một biên bản không rõ có nội dung gì, giải thích rằng mình không biết chữ thì ông lại bị phía Trung Quốc đánh đập dã man rồi ép điểm chỉ dấu vân tay.
“Khi lên tàu Trung Quốc, họ yêu cầu ký vào một tờ giấy, không ký là họ đánh. Lúc bị đánh, tôi thấy tàu lớn (tàu 4006) mở hai khẩu súng to. Tôi bị đạp khoảng ba bốn chục cái, bị đánh khoảng 20 cái”, thuyền trưởng Lộc nhớ lại.
Ngư dân Lộc kể tiếp: “Họ biểu tôi kêu đồng đội (tàu cá Việt Nam khác) dắt về chớ họ không liên can. Tôi biểu họ dắt vào gò (khu vực nước cạn) để khắc phục, nhưng họ không chịu và đánh đập tôi một trận tơi bời rồi đi”.
Theo các ngư dân, phía Trung Quốc lấy đi 2 máy định vị và máy dò cá, 1 thuyền thúng, 5 bành dây hơi, 1 tấn hải sản và làm hư hỏng nhiều bộ phận trên thân tàu QNg 96416. Thiệt hại về tài sản khoảng 500 triệu đồng.
Được biết, tàu cá QNg 96416 cùng 16 ngư dân (gồm cả thuyền trưởng Lộc) xuất bến ngày 6/6. Đến ngày 10/6 thì tàu gặp nạn trên và buộc phải về bờ để khắc phục.
Trước đó ngày 1/5, chính quyền Trung Quốc đơn phương thông báo lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông ở khu vực phía bắc đến vĩ tuyến 12 độ bắc từ ngày 1/5 đến 16/8. Thông báo cũng cho biết lực lượng hải cảnh và hải giám sẽ thực thi lệnh cấm.
Đến ngày 11/5, các tỉnh, thành động viên ngư dân bám biển sản xuất bình thường trong phạm vi vùng biển của Việt Nam. Đồng thời, ngư dân được hướng dẫn tổ chức đi biển theo nhóm, đội để hỗ trợ nhau.
Theo nguồn tin của phóng viên thì trước đó vào hồi tháng 4/2020, tàu cá Trung Quốc cũng đã đâm chìm một tàu cá khác ở Quảng Ngãi, sau đó ‘trao trả’ 8 ngư dân Việt Nam ở khu vực đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) và lớn tiếng tuyên bố: “Mặc dù tàu Hải cảnh Trung Quốc đã cố gắng hết sức để tránh nhưng vẫn bị tàu đánh cá Việt Nam đâm vào mũi tàu và chiếc tàu cá đã bị chìm”.
Vũ Tuấn (t/h)