Tàu cá Bình Định bị 3 tàu Trung Quốc truy đuổi trên biển Đông
Sau hàng loạt những hành động trái với công ước của luật Biển Quốc Tế, mới đây, 3 tàu Trung Quốc lại tiếp tục truy đuổi một tàu cá Bình Định mang số hiệu 91386, không cho tàu này đánh bắt tại khu vực cách tỉnh Khánh Hòa 112 hải lý.
Vào khoảng 14h40′ ngày 5/10, một tàu cá BĐ 91386 TS của Bình Định đã bị 3 tàu Trung Quốc truy đuổi không cho đánh bắt tại khu vực phía Nam Đông Nam cách tỉnh Khánh Hòa khoảng 112 hải lý (khoảng 204 km).
3 tàu Trung Quốc truy đuổi tàu Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế
Chiều cùng ngày (5/10), trao đổi với phóng viên, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã xác nhận thông tin trên và cho biết, thuyền trưởng tàu cá đã đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải VN hiện đang xác minh sự việc và giữ liên lạc với tàu.
“Ngay sau khi có thông tin trên, Văn Phòng Ủy Ban Quốc Gia Ứng Phó Sự Cố Thiên Tai và Tìm Kiếm Cứu Nạn đã yêu cầu Trung Tâm Phối Hợp Tìm Kiếm Cứu Nạn Hàng Hải Việt Nam giữ liên lạc với tàu, tiếp tục xác minh thông tin, nắm tình hình, báo cáo kịp thời”, ông Tiến cho hay.
Nhận định về sự việc trên, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ ông Trần Công Trục khẳng định, sự việc 3 tàu Trung Quốc truy đuổi tàu cá Bình Định là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam với vùng đặc quyền kinh tế theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Trung Quốc liên tục vi phạm công ước của Liên Hợp Quốc
Tình trạng ngư dân Việt Nam đi đánh bắt hải sản tại các ngư trường truyền thống ở Hoàng Sa và Trường Sa trong những năm qua bị các tàu cá cũng như tàu chấp pháp của Trung Quốc sách nhiễu, truy đuổi, đâm va, tịch thu hải sản, ngư cụ… không phải chuyện hiếm. Trước đây từng có những vụ bắt ngư dân Việt rồi đòi tiền chuộc và những vụ ngư dân Việt bị phía Trung Quốc bắn chết.
Và mới đây nhất là việc liên quan đến tàu cá ĐNa 90929 TS với 9 lao động của Đà Nẵng bị phá nước, chìm vào ngày 26/9 ở khu vực cách phía Đông đảo Bạch Quy (Quần đảo Hoàng Sa) khoảng 5 hải lý, hiện việc trục vớt phải dừng do phía Trung Quốc ngăn cản.
Trước đó, ngày 2/10, Đà Nẵng đã có công văn đề nghị Trung Quốc hỗ trợ, giúp đỡ chủ tàu cá ĐNa 90929 TS trục vớt tàu và tài sản. Chủ tàu bị nạn đã thuê 2 tàu cá của Quảng Ngãi (QNg 90019 TS và QNg 66018 TS) đến hiện trường để trục vớt tàu và tài sản.
Tuy nhiên, lúc 14h20 ngày 3/10, phía Trung Quốc điều một ca nô ra ngăn cản hoạt động trục vớt tàu chìm của ngư dân. Đến chiều 3/10, cả 2 tàu cá của Quảng Ngãi phải dừng hoạt động trục vớt tàu ĐNa 90929 TS, và di chuyển về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) do phía Trung Quốc điều động ca nô ngăn cản các hoạt động trục vớt.
Tàu Trung Quốc thăm dò ngày càng sát bờ biển Việt Nam
Ở một diễn biến khác, theo thông tin từ giới chuyên gia thì từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, tàu Trung Quốc đã mở hai mặt trận trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 03/10/2019, Trung Quốc lại cho tàu mở rộng hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Một mặt, Bắc Kinh cho tàu thăm dò ngày càng áp sát bờ biển miền Trung Việt Nam. Mặt khác, Trung Quốc tung tàu hải cảnh đẩy mạnh các hoạt động phá hoại công việc của giàn khoan Hakuryu tại lô 6.1 gần Bãi Tư Chính.
Theo đó, vào ngày 28/09, tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc đã lần thứ tư quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Bản đồ công bố sáng ngày 06/10 cho thấy tàu khảo sát Trung Quốc Hải Dương Địa Chất 8 chỉ cách bờ biển Việt Nam không đầy 100 hải lý.
Và theo ghi nhận mới nhất vào 5 giờ sáng 06/10, vị trí con tàu có lúc chỉ cách đảo Hòn Lớn ở tỉnh Khánh Hòa hay mũi Đại Lãnh tỉnh Phú Yên khoảng 90 hải lý.
Cũng trong khoảng thời gian này, Bắc Kinh tiếp tục cho tàu hải cảnh sách nhiễu hoạt động của giàn khoan Hakuryu 5 tại khu vực Lô 6.1.
Chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Theo Công ước, mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Trong đó, vùng đặc quyền kinh tế có chiều rộng không quá 200 hải lý (370 km) tính từ đường cơ sở.
Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế gồm khai thác tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển và quyền tài phán.
Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.
Vũ Tuấn (t/h)