Tập Cận Bình trước 4 mũi giáo, bước trái bước phải đều chông gai
Theo tiết lộ của một “Hồng nhị đại”, hiện Tập Cận Bình đang đối mặt với đủ loại người chống đối, người chống lại việc ông không thỏa hiệp, nhưng cũng có người phản đối vì ông chưa đủ mạnh và dứt khoát. Vậy nên, Tập Cận Bình dù sang phải hay sang trái thì đều có người chống đối.
Vào thời điểm Trung Quốc kỷ niệm 70 năm ngày thành lập chính quyền, ba vị khách mời thuộc thế hệ “Hồng nhị đại” (Thế hệ hậu duệ thứ hai của các nhà cách mạng Trung Quốc) trong một cuộc trao đổi với trang Epoch Times (Đại Kỷ Nguyên) đã cho biết, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang phải đối mặt với 4 áp lực bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, phong trào Hồng Kông, mâu thuẫn và bất đồng trong nội bộ đảng, và sự bất mãn của người dân ngày càng gia tăng.
Chúng ta tạm gọi 3 vị khách mời trong cuộc phỏng vấn với Epoch Times là Hồng Nhị, Hồng Đại, và Nhị Đại.
Tập Cận Bình và áp lực lớn từ bên ngoài
Hồng Nhị cho biết, Tập Cận Bình không muốn vào thời điểm kỷ niệm 70 năm thành lập chính quyền lại tỏ ra cứng rắn đối với người biểu tình Hồng Kông, nhưng mặt khác lại không muốn thỏa hiệp với yêu cầu tổng tuyển cử kép.
Ông nói: “Tập Cận Bình hiện đưa ra quyết định không trấn áp vào ngày 1/10, tôi lo lắng không biết sau 1/10 thì ông ta sẽ làm gì”. Hồng Nhị nhận định, nếu sau ngày 1/10, ĐCSTQ tiến hành trấn áp, vậy là “xong đời”.
Tổng thống Donald Trump vừa phát biểu tại Liên Hiệp Quốc đã nói, nếu ĐCSTQ không dùng phương án nhân đạo để giải quyết vấn đề Hồng Kông, thì nước Mỹ khó lòng đáp ứng các yêu cầu của ĐCSTQ, cũng như ký kết hiệp định thương mại. Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Úc, New Zealand đều bày tỏ sự ủng hộ đối với Mỹ.
“Theo dự đoán của tôi áp lực lớn nhất đang đè nặng lên Tập Cận Bình chính là áp lực từ nước Mỹ, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand. Bởi vì nếu ông ta đắc tội với tất cả các quốc gia dân chủ, thế giới dân chủ, tổn thất là vô cùng to lớn, kể cả sự tổn thất ở Hồng Kông, cho nên Tập Cận Bình sẽ không dám trấn áp, không dám công khai đưa quân đội vào Hồng Kông.
Tập Cận Bình vẫn lo lắng vị thế của Hồng Kông, cũng là lo lắng áp lực từ Mỹ. Do đó, tôi hy vọng sẽ không có cuộc trấn áp nào, bởi vì tổn thất đối với Tập Cận Bình là quá to lớn, tổn thất cho Hồng Kông cũng vậy”.
Cảnh sát Hồng Kông trộn lẫn cảnh sát Trung Quốc Đại lục
Hồng Nhị nói, cảnh sát Hồng Kông trấn áp người biểu tình tại ga tàu Prince Edward ngày càng điên cuồng, không còn nhân tính. Có thể thấy họ hiện tại đã bị sự khống chế của Trung Quốc Đại lục, đặc biệt là đã nằm ngoài tầm kiểm soát của bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga.
Hồng Nhị tiết lộ, lực lượng cảnh sát Hồng Kông hiện tại đã bị trộn lẫn rất nhiều cảnh sát Trung Quốc Đại lục. Lực lượng cảnh sát Hồng Kông có khoảng 30 ngàn người, trên thực tế sẽ không ứng phó được cục diện đương thời, do đó khắp nơi đều là cảnh sát giả.
Mặt khác, trong 22 năm trở lại đây, lực lượng cảnh sát Hồng Kông đã bị ĐCSTQ “lam kim hoàng” rồi. (Lam là màu xanh dương ám chỉ việc bị tẩy não và giám sát, kim là dùng tiền bạc để mua chuộc, hoàng dùng để chỉ việc dùng mỹ nữ để dụ dỗ).
Tuy nhiên, cảnh sát Hồng Kông vẫn không có khả năng “thay thế trực tiếp” ĐCSTQ để trấn áp người Hồng Kông, bởi dù thế nào đi nữa thì 22 năm ấy cũng không thể khiến những cảnh sát này đánh mất tinh thần pháp trị (của Hồng Kông), cảnh sát Hồng Kông vẫn có lương tâm. Thế nên, vẫn có việc cảnh sát và nhân viên công vụ tham gia biểu tình, nhưng lương tâm họ đến mức nào, và tỉ lệ trà trộn vào là bao nhiêu thì hiện chưa ai biết.
Bất đồng quan điểm trong nội bộ đảng ngày càng gia tăng
Hồng Đại nói với Epoch Times, bất đồng quan điểm trong nội bộ đảng ngày càng gay gắt, những lời nói trước đây của Tập Cận Bình lại được nhắc lại, ví như phản đối chế độ lãnh đạo trọn đời, cái này thực tế gọi là “cấp cao thì đen, cấp thấp lại đỏ”.
Ngày 15/9, Tạp chí Cầu thị của ĐCSTQ đăng bài phát biểu của ông Tập Cận Bình cách đây 5 năm nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, biến lời phát biểu xoá bỏ chế độ chức vụ cán bộ lãnh đạo trọn đời, thực hành chế độ nhiệm kỳ, nói thành “thành tựu cải cách chế độ chính trị trọng đại”.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những sửa đổi Hiến pháp của Tập Cận Bình trong Đại hội toàn quốc lần thứ 19, bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ của chủ tịch và phó chủ tịch ĐCSTQ.
Mặt khác, vào ngày 22/8, Wechat và Weibo của tờ Nhân dân Nhật báo bất ngờ mượn ngày kỷ niệm sinh nhật cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình để đăng tải lại bài viết của ông Đặng có tiêu đề “Hủy bỏ chế độ chức vụ lãnh đạo trọn đời”. Bài viết sau đó đã bị xóa đi.
Hồng Đại cho rằng, tiếng nói bất đồng trong nội bộ đảng ngày càng nhiều, hơn nữa lại dùng lời nói của Tập Cận Bình để phản bác hoạt động hiện thời của chính ông ta. Nguyên nhân có thế xuất phát từ việc Tập Cận Bình đã không giải quyết tốt cuộc chiến thương mại với Mỹ, lại gặp phải “tai bay, vạ gió”.
Hội nghị Bắc Đới Hà vào tháng 8/2019, có người tiết lộ, đối với cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, vấn đề bạo loạn Hồng Kông, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc chia làm hai phe. Một phe là nguyên lão chính trị, phe còn lại là Tập Cận Bình và Vương Hỗ Ninh.
Phe nguyên lão chính trị đều không tán thành hành động dùng vũ lực trấn áp biểu tình Hồng Kông, đồng thời phần lớn cũng không ủng hộ các chính sách của Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Hai bên đều chưa đi đến ý kiến thống nhất. Có tin nói rằng, Ôn Gia Bảo đã nói thẳng với Tập Cận Bình: “Điều cần nói chúng ta đã nói cả rồi, ông liệu mà xử lý”.
Mặt khác, một nguyên lão chính trị của ĐCSTQ đã viết một phong thư đề rằng “Sang năm chúng ta liệu còn có thể sang sông để gặp nhau” (ý chỉ hội nghị Bắc Đới Hà). Phong thư bị lộ ra cho thấy việc ĐCSTQ sẽ giải quyết vấn đề Hồng Kông như thế nào, thương nghị với Mỹ ra sao để vực dậy nền kinh tế đang lao dốc là vấn đề sống còn của ĐCSTQ, liệu ĐCSTQ có thể tồn tại qua tới năm sau?
Hồng Đại tiết lộ, phong thư này chính là do nguyên Thường ủy Bộ Chính trị Cổ Khánh Lâm viết ra, đều là ý kiến phê bình. Hiện tại vừa tròn 70 năm thành lập chính quyền, áp lực lên Tập Cận Bình là rất to lớn.
Hiện Tập Cận Bình đang đối mặt với đủ loại người chống đối, người chống lại việc ông không thỏa hiệp, nhưng cũng có người phản đối vì ông chưa đủ mạnh và dứt khoát. Hiện tại “Tình thế rất bất ổn, Hồng Kông cũng vậy, thương chiến Mỹ – Trung cũng vậy, đều rất bất ổn rồi! Vậy nên, ông ta (Tập Cận Bình), dù sang phải hay sang trái thì đều có người chống đối”.
Hồng Đại nói, Tập Cận Bình đối với vấn đề thương nghị tại Hồng Kông còn dùng dằng quá lâu, nên đã khiến cục diện thành ra như thế. Điều này cũng do ông bị đặt vào tình thế khó xử, một bên chủ trương thỏa hiệp, một bên kiên quyết trấn áp.
Hệ thống nhân sự Hồng Kông – Ma Cao bị rối loạn
Thời gian gần đây, nhân sự tại Văn phòng liên lạc Trung ương và Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông có nhiều thay đổi. Trong đó, Vụ trưởng Vụ tổng hợp Các vấn đề Hồng Kông được thăng chức làm lãnh đạo. Do đó, nhân sự cấp lãnh đạo giải quyết các vấn đề của Hồng Kông từ 5 người nâng thành 6 người.
Quan chức xuất thân ở Phúc Kiến là phó Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương Trần Đông được thăng lên làm phó thư ký Văn phòng liên lạc Trung ương. Dương Kiến Bình, Dương Kiện, Cừu Hồng được thăng chức phó chủ nhiệm.
Hồng Đại cho biết, Văn phòng liên lạc Trung ương tại Hồng Kông hay Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông đều như nhau, nhưng mục tiêu chính là gây rối cho Tập Cận Bình. Tập Cận Bình hiện không kiểm soát được hết, không phải toàn bộ nhân sự đều nghe lời ông ta.
Ông Hồng Đại đưa ra ví dụ, Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương tại Ma Cao là Trịnh Hiểu Tùng vào tháng 10/2019 đã nhảy lầu tự sát, tại sao ông ta nhảy lầu? Một lãnh đạo ĐCSTQ tại Ma Cao lại tự sát hai ba ngày trước lễ thông xe cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao?
Theo giáo sư luật, sống lưu vong tại Úc là Hồng Băng Chỉ thì việc Chủ tịch Hình cảnh Quốc tế, Phó Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Mạnh Hồng Vỹ “gặp bất trắc” chính là nguyên nhân buộc Trịnh Hiểu Tùng phải tự sát.
Mạnh Hồng Vỹ trước ngày 29/9/2018, sau khi về nước đã mất tích, vợ của ông ta tại Pháp đã trình báo cảnh sát, tạo làn sóng chấn động. Sau đó, Bắc Kinh vào ngày 7/10/2018 tuyên bố Mạnh Hồng Vỹ bị điều tra. Đến ngày 20/10/2018, Trịnh Hiểu Tùng nhảy lầu tự sát tại nhà riêng.
Hồng Đại nhận định, Mạnh Hồng Vỹ là quan chức quyền lực của Bộ Công an nắm giữ ít nhất 5 vấn đề cơ mật trọng yếu của ĐCSTQ. Ông Mạnh là người biên soạn “Lý lịch 100 quan chức đương đại” (Kho lưu trữ hồ sơ mật của quan chức cấp cao ĐCSTQ). Trịnh Hiểu Tùng là thành phần quan trọng trong băng nhóm chính trị thành phần lãnh đạo trung và cao cấp, lại có liên hệ với Mạnh Hồng Vỹ. Vậy nên, khi Mạnh Hồng Vỹ gặp chuyện là nguyên nhân khiến Trịnh Hiểu Tùng tự sát.
Việc xử lý các vấn đề Hồng Kông đương thời đều do phe cánh của Giang Trạch Dân phụ trách, mà người chịu trách nhiệm là Thái tử đảng Tăng Khánh Hồng. Ông này từng đảm nhiệm vị trí Chủ nhiệm Văn phòng liên lạc Trung ương Hồng Kông, và Trưởng Văn phòng Các vấn đề Hồng Kông.
Trong quá trình tiếp quản Hồng Kông, Tăng Khánh Hồng đã xây dựng lực lượng, cho nên các lãnh đạo phụ trách xử lý vấn ở Hồng Kông là Trương Đức Giang hay Hàn Chính thì đều là người của phe Giang. Trong khi đó, cuộc chiến giữa Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình là cuộc chiến một mất một còn. ĐCSTQ từ đại hội 18 cho đến nay, chính quyền Tập Cận Bình đã cho hạ bệ rất nhiều quan chức cấp cao.
Làn sóng bất bình từ dân chúng đang dâng cao
Hồng Đại, nhận định tình hình Trung Quốc sau ngày 1/10: “Tôi cũng không lạc quan lắm, bởi vấn đề Hồng Kông và thương chiến Mỹ – Trung hiện tại rất khó giải quyết”.
Bất bình của người Hồng Kông đối với ĐCSTQ ngày càng mãnh liệt, 200 ngàn người biểu tình trên phố rồi, vào ngày 1/10 thì có thể là 300 ngàn người.
Tuy nhiên, Hồng Đại cũng nhận định, nguyên nhân chủ yếu đưa đến sự sụp đổ của chính quyền ĐCSTQ chính là nhân tố bên trong, còn nhân tố bên ngoài có tác dụng phụ trợ. Chính đảng Trung Quốc có sụp đổ hay không đều là vấn đề nội bộ quyết định.
Nhị Đại nhận định, người dân Trung Quốc bất bình đối với chính quyền ĐCSTQ rất lớn, nhưng ĐCSTQ nhiều năm qua đã không ngừng tẩy não, cũng như khống chế chặt chẽ tư tưởng của con người ta, cho nên người Trung Quốc cơ bản là không dám biểu đạt ý kiến của mình. Điều này không giống với xã hội tự do như Hồng Kông.
Tuy nhiên, thời báo Epoch Times trong tháng 9/2019 từng cho biết, Văn phòng Ủy ban An ninh Quốc gia tỉnh Sơn Tây Trung Quốc từ phát ra tài liệu cơ mật cho thấy ĐCSTQ vô cùng lo lắng việc phong trào ở Hồng Kông sẽ có thể khởi lên “phong ba” tại Trung Quốc, tạo nên làn sóng chảy ngược ập vào Đại lục.
Khải Hoàn (Theo Epoch Times)