Tài xế xe buýt bẻ lái đột ngột vào vỉa hè bắt cướp và những câu chuyện ấm lòng về người Sài Gòn
Thấy cô gái trẻ chạy ngược chiều với vẻ mặt hoảng loạn, như một phản xạ quen thuộc, anh Huy – tài xế của chuyến xe buýt số 68 điêu luyện bẻ lái chặn đầu tên trộm lại, dành được chiếc xe máy cho nạn nhân trong sự ngỡ ngàng của hành khách trên xe.
Tài xế bắt cướp
Người tài xế tốt bụng này là anh Lê Xuân Huy, 37 tuổi. Hôm ấy là khoảng 12h trưa ngày 10/7, khi đang trên đường chở hành khách thì thấy bên đường một cô gái í ới vẫy tay chạy theo một phụ nữ đi xe máy. Ban đầu anh tưởng cô bé chạy theo người nhà để đưa đồ, nhưng khi thấy bộ dạng vẫy của cô rất yếu ớt và hoảng loạn.
Bản năng từng bắt nhiều vụ cướp và móc túi, anh Huy quan sát thấy phía sau cô bé là một nam giới chạy xe máy kề theo. Linh tính bảo anh đây là nhóm cướp đã lập kế hoạch sẵn, nên sau khi quan sát trên đường, thấy vắng xe anh Huy đánh lái ép người phụ nữ trên vào lề đường để ngăn cản, bảo vệ tài sản cho nạn nhân.
Đang trên đường chạy chuyến xe đầu tiên trong ngày thì đột nhiên bẻ tay lái sát vào lề, nhiều hành khách trên xe tưởng anh ngủ gục rồi mất lái nên ban đầu cũng tỏ ra hoảng hốt, nhưng sau khi biết sự tình thì ai cũng vỡ lẽ hóa ra anh Huy đang bắt cướp.
“Bà con tưởng tôi ngủ gục đâm xe vào vỉa hè nhưng khi biết sự thật thì ai cũng hỏi sao tôi biết đó là cướp. Tôi chỉ biết cười vì đó là bản năng nên không biết giải thích sao, sau đó tôi lên xe tiếp tục lộ trình”, anh Huy hiền lành chia sẻ.
Video: Tài xế xe buýt bẻ lái đột ngột vào vỉa hè bắt cướp (nguồn: Saostar)
Sau khi ép xe anh vội lao xuống để tìm cách khống chế nhưng người phụ nữ cùng đồng bọn đã nhanh chóng tẩu thoát. Dù không bắt được cướp nhưng rất may, cô gái trẻ đã lấy lại được chiếc xe máy.
“Cướp giật không bao giờ đi một mình mà chạy theo nhóm để hỗ trợ nhau”, Anh Huy chia sẻ kinh nghiệm.
Làm tài xế nhưng anh Huy còn kiêm luôn vai trò là một “hiệp sĩ xe buýt”. Chứng kiến nhiều hoàn cảnh bị móc túi trên xe buýt, anh Huy luôn cảm thấy áy náy khi hành khách trên xe của mình gặp nạn. Anh thường nhắc nhở hành khách bảo quản tư trang cẩn thận, trên xe luôn có camera để theo dõi. Và trong những trường hợp bọn tội phạm manh động anh chàng luôn sẵn sàng đuổi theo để bắt kẻ gian.
“Thật ra mình bắt cũng chẳng phải muốn đánh đập gì bọn trộm, chủ yếu là lấy lại được của cải cho hành khách là mừng rồi. Nhiều người khuyên anh nên nhắm mắt cho qua mấy vụ này, chứ để bọn tội phạm nó ghét, nó trả thù. Tụi nó đe doạ anh rồi đó chứ, nhưng nếu sợ thì anh đã không làm”, anh Huy tâm sự.
Theo tìm hiểu, trước khi chạy xe buýt số 86, anh Huy đã từng có thời gian làm tài xế xe buýt số 54 – chuyến xe thường qua các bệnh viện như Ung Bướu, Nhi Đồng…, có nhiều đối tượng móc túi hoành hành. Và trong “sự nghiệp” bắt trộm của mình, anh đã giúp hơn 10 trường hợp lấy lại tài sản.
Cũng vì lý do này, không ít lần anh bị đe dọa cắt cổ, dọa giết. Vợ anh từng rất lo, khóc lóc, trách móc anh làm việc “bao đồng” không nghĩ tới vợ con.
Tuy nhiên anh Huy nói “Tôi nghĩ làm việc tốt thì sẽ nhận lại nhân quả tốt. Mình giúp nạn nhân lấy lại được tài sản thì cảm thấy vui và nhẹ nhõm lắm”.
Từ một nhân viên ngân hàng trở thành bác tài ‘chịu chơi’ nhất Sài Gòn
Ít ai biết rằng anh Huy từng có 12 năm làm việc trong bộ phận hành chính nhân sự ở một ngân hàng lớn tại Sài Gòn. Thế nhưng cuộc đời vốn tồn tại những biến cố mà chúng ta chẳng thể làm gì để thay đổi được.
Khi được hỏi anh có tiếc về những tấm bằng kế toán, kinh tế hay ngoại ngữ của mình không. Anh Huy thoáng chút suy tư rồi nói: “Thì cũng đi với nó 12 năm trời rồi còn gì, anh không còn gì luyến tiếc đâu. Có những thứ buộc mình phải chấp nhận”. Thật vậy, hơn 1 năm qua anh Huy đã sống hết mình với cuộc sống mới và một công việc mới – tài xế xe buýt. Nhưng là anh tài xế “chịu chơi” nhất Sài Gòn.
Tính tình anh thích sống vì người khác, nên nhiều người thương lắm. Mặc dù lái xe buýt vậy thôi nhưng anh toàn tự bỏ tiền túi ra mua bánh kẹo cho mọi người, anh bảo để vậy cho không khí nó tươi vui, rồi cho hành khách hay em bé đi xe ngậm ngọt ngọt miệng cũng đỡ bị say xe.
Có lần anh sưu tập cả một đội quân búp bê trên xe buýt của mình nên họ hay trêu gọi anh biệt danh là Huy búp bê. Nói ra thì nghe đàn ông sao chơi búp bê kỳ vậy, chứ thực ra anh để búp bê trên xe là vì cho đỡ nhớ vợ, vợ anh thích búp bê lắm, ban đầu anh mang vậy thôi, nhưng sau vì thấy nhiều người thích nên anh chi hẳn 9 triệu mua luôn một đống búp bê để trang trí trên xe cho khách hàng nhìn vui vui mắt, có khi còn đem tặng cho những khách hàng thân thiết.
Rồi có đợt anh chi tiền mua móc chìa khoá để tặng cho mấy bạn sinh viên. Anh hóm hỉnh nói: “Tặng vậy để ra đường thấy ai mang balo mà tòn ten cái móc khoá của mình thì cũng thấy vui lắm. Với lại lỡ có thiếu tiền thì biết đường tới mà đòi”.
Sau đó do vài trục trặc, xe anh không còn búp bê nữa mà lần này là có rổ tiền lẻ. Anh nói tuyến 54 chạy qua toàn là bệnh viện từ lớn đến nhỏ như Bệnh viện Gia Định, Ung bướu, Mắt, Da liễu, Quận 3, Răng hàm mặt… mà khách toàn dân tỉnh nghèo, đi lơ ngơ dễ bị móc túi.
Có hôm anh chở hai vị khách từ bến xe ra bệnh viện khám bệnh, chuyến sau anh lại gặp hai vị khách thất thần đứng đợi xe buýt để về nhà, vì đã mất hết tiền do móc túi nên anh vui vẻ cho đi quá giang về bến xe, không lấy tiền, còn cho thêm ít tiền mua vé xe đò về quê. Anh biết dân mình nghèo, không gạt anh vì ba đồng tiền lẻ.
Thế rồi cũng có vài trường hợp họ ngại. Anh nghĩ ra cách để đống tiền lẻ do anh quyên góp từ chính tiền lương chạy xe buýt, mỗi ngày 50.000 tiền lẻ bỏ vào rổ. Cứ thế cộng dồn từ ngày này qua ngày khác để giúp người dân lỡ hết tiền có tiền lẻ đi xe buýt.
“Anh cũng không khá giả gì nhưng ngày trích ra 50 ngàn cũng không bao nhiêu, mỗi ngày nhịn một ly cà phê thì cũng đủ rồi mà!”, anh cười xòa.
Hiếm có chiếc xe buýt nào có nhiều đồ miễn phí như trên xe anh Huy chở. Biết rằng, chuyến xe mình cầm lái chạy qua Quận 7, Nhà Bè – nơi mà không có nhiều nhà chờ trú mưa thì hành khách sẽ dễ bị ướt nếu chẳng may trời đổ mưa, anh nảy ra ý định đặt mua một đống túi áo mưa giấy, bên trên để tấm bảng lớn ghi đồ miễn phí, ai có nhu cầu thì cứ lấy để dùng.
Anh Huy tâm sự: “Rổ tiền lẻ là tôi đặt từ năm ngoái khi còn chạy chuyến 54 vì thấy nhiều người không có tiền bị đuổi xuống thì tội lắm, toàn những người đi bệnh viện không à. Còn bịch áo mưa thì mới được 3 ngày kể từ khi tôi chạy xe 86. Đi qua mấy trạm không có nhà chờ, lại đúng mấy ngày trời mưa nên mua để đó ai lỡ thì lấy, một cái có mấy ngàn không đáng là bao”.
Có lần nhiều người ngỏ ý muốn quyên góp phụ anh vào rổ tiền lẻ nhưng anh không chịu, mục đích của anh không phải nhận quyên góp mà chỉ đơn giản muốn giúp đỡ những người khó khăn thôi.
Biết tính anh nhiều người lén lút bỏ vào rổ tiền phụ anh giúp đỡ cho những người khó khăn khác: “Nhiều hôm tui ngạc nhiên lắm, tự nhiên mấy ngày tiền lẻ không vơi đi, không hết tiền mà cứ nhiều thêm. Thì ra nhiều khách đi xe buýt đã âm thầm đổi tiền lẻ rồi góp chung với rổ tiền của tôi để sẵn giúp người nghèo”, anh hạnh phúc kể.
Anh chia sẻ về quan điểm của mình “Cho đi là nhận lại”, bởi vậy anh được mọi người yêu quý, có người còn vẽ tranh tặng, mua cà phê hoặc đồ ăn cho tài xế.
“Đây là tranh mấy đứa sinh viên vẽ, có lần tui bắt tên móc túi trên xe đến nỗi văng cả dép, có con bé ngồi trên xe nó chứng kiến về vẽ lại y chang. Những cái gì người ta tặng tôi đều ép lại, treo trên đầu xe nhìn cho vui” – vừa nói anh Huy vừa chỉ từng bức ảnh mà anh được tặng một cách đầy tự hào.
Kỷ niệm đáng nhớ với cô sinh viên trễ giờ thi
Ngoài thành tích bắt trộm những người thường hay đi trên chuyến xe buýt 54 chắc hẳn sẽ biết, anh Huy cũng là một người có tính cách rất dễ thương, dễ mến, làm nghề lái xe buýt vậy thôi nhưng anh Huy chịu chơi lắm.
Có lần anh vì giúp một cô sinh viên đi thi đúng giờ mà chấp nhận khả năng có thể bị đuổi việc. Lúc đó anh còn hiên ngang bảo: “Đuổi thì cũng đuổi rồi, cứ đi đi rồi tính.”
Anh kể, hôm ấy thấy có cô sinh viên chạy hớt hãi ra trạm xe buýt, anh dừng lại đón. Ngay khi lên xe cô nữ sinh nọ liền hỏi: “Bác tài ơi từ đây tới trường Đại học Văn Hoá thì 20 phút nữa tới kịp không ạ?”.
Anh mới trả lời: “Trời đất! Giờ qua trường Đại học Văn hoá phải 50 phút mới tới”.
Thế là cô gái ngồi khóc ngon lành. Hỏi ra mới biết chiều nay thi hết môn, mà bạn cô nữ sinh này lại bận công việc không chở qua trường được đành phải tự đón xe buýt đi thi, dù đã trừ hao hơn 1 giờ đồng hồ nhưng vì không đứng đúng trạm nên trễ xe. Anh đành an ủi đỡ cô nữ sinh năm sau thi lại.
Thấy cô gái buồn rầu đáp “Dạ!”, suy nghĩ một lúc thấy thương quá nên anh đánh liều hỏi cô gái có biết đường tắt để qua trường không, thì cô nhanh nhẩu nói có.
Anh xuề xòa bảo: “Vậy giờ chơi liều luôn, đi đường tắt để qua trường, bỏ hết các trạm còn lại, lỡ công ty phạt thì chịu! Giờ em chỉ đường đi!”
Cô nữ sinh bối rối đáp: “Nhưng mà lỡ bác tài bị đuổi việc thì sao? Thôi để năm sau em học lại được rồi ạ!”. Nhưng anh lúc ấy vẫn quyết tâm giúp cô gái cho bằng được.
Xe thắng cái kịt trước cổng trường đại học Văn hoá, cô không kịp nói câu cảm ơn chạy ào vào trường. Anh Huy cũng chẳng biết cô có kịp giờ thi hay không, nhưng anh hài lòng vì đã giúp hết lòng.
Hơn 1 tháng sau cô nữ sinh ấy gặp lại anh Huy trên chuyến xe số 54. Cô vui mừng nói: “Em đợi hơn 1 tháng nay, ngày nào đi học xong cũng ra trạm này đứng đợi xe buýt 54, nhưng không nhớ biển số xe, may quá giờ đã gặp lại được anh tài xế để nói lời cảm ơn”.
Mình thương người thì trời thương mình….
Như lời anh nói, làm việc thiện sẽ nhận nhân quả tốt. Sau thời điểm anh đánh lái giúp lấy lại xe cho cô gái bị cướp không lâu, con anh nuốt phải bóng đèn LED của chiếc điện thoại đồ chơi vẫn còn hai khoen sắt.
Cháu bé được đưa vào cấp cứu ở bệnh viện huyện, sau đó chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Bóng đèn trôi qua cổ nhưng dính lại ở ruột cháu, cả gia đình thấp thỏm chờ kết quả phẫu thuật. May mắn thay, ca phẫu thuật thành công, bóng đèn được gắp ra, con anh qua cơn nguy hiểm.
“Bác sĩ nói may mắn bóng đèn rơi xuôi, nếu rơi ngược lại khả năng cháu mất là 90%. Nghe gia đình báo tin, tôi mừng rơi nước mắt”, anh Huy kể.
Sau vụ việc ấy, anh bảo càng tin hơn vào việc làm phước đức thì trời sẽ thương, cuộc sống luôn có những phép mầu nhiệm.
Chúc Di (t/h)