Tác hại của rượu bia: Say rượu, thách rắn độc cắn rồi đánh bác sĩ
PGS Phạm Duệ, Bệnh viện Bạch Mai, dẫn câu chuyện bệnh nhân say xỉn thách rắn kịch độc cắn để nói về tác hại của việc say rượu và cho rằng, cần có Luật phòng chống tác hại bia rượu và đồ uống có cồn.
PGS Phạm Duệ kể với bất cứ bác sĩ ngành cấp cứu chống độc nào việc cấp cứu một vài bợm nhậu kèm theo vô số bạn bè cùng say vào viện là chuyện bình thường ở khoa. Nhiều lúc, những bợm nhậu khiến bác sĩ choáng váng.
Ông không thể nào quên những ca cấp cứu người ngộ độc rượu, trong đó không ít những ca “Chí Phèo” khiến cả bác sĩ và bệnh nhân điều trị ở đó đều bất bình.
Trường hợp một nhóm thanh niên từ 18 – 20 tuổi hùng hùng, hổ hổ lao vào khoa đòi cấp cứu với lý do bị rắn cắn. Họ dìu 1 người bạn đang say lướt khướt vào cấp cứu với lý do bị rắn cắn khi xem rắn trong lồng. Theo lời kể lộn xộn của hơn chục thanh niên “choai choai”, sau khi nhậu thịt rắn xong, họ ra xem lồng rắn và anh chàng say khướt thò ngón tay trỏ vào chuồng lưới mắt cáo… thách rắn cắn, khi trong lồng có vài con rắn hổ mang.
Bệnh nhân khật khưỡng chìa ngón tay vào mặt bác sĩ đề nghị “tháo khớp cho tôi nhanh lên”. Các bác sĩ khuyên bệnh nhân ngồi xuống để bác sĩ khám. Chẳng ngồi và không cần biết bác sĩ đang nói gì, anh ta nằng nặc đòi bác sĩ phải tháo khớp cho anh ta và lè nhè: “Có tháo khớp ngay không thì bảo!”.
Giữa một tốp thanh niên khoảng chục người tràn vào đầy phòng khám, nồng nặc mùi rượu, người hùng hổ đòi tháo khớp cho bạn mình, bác sĩ trực bình tĩnh xem xét kỹ ngón tay nhưng không thấy vết tích gì của rắn cắn. Bác sĩ giải thích rằng con rắn chưa mổ trúng ngón tay anh ta, và dù có mổ trúng thì bệnh viện cũng không tháo khớp mà sẽ theo dõi và chữa triệu chứng, giải độc bằng huyết thanh kháng nọc. Tuy nhiên trong lúc vừa giải thích vừa làm bệnh án, bất ngờ bác sĩ bị gã say đấm thẳng vào đầu đến choáng váng.
“Không phải choáng váng vì bị đau mà cảm thấy bàng hoàng vì đòi hỏi vô lý và hành động manh động của kẻ đánh mình. Lúc đó bác sĩ thật lúng túng không biết làm thế nào trước một đám người say không còn biết sợ ai, càng không còn biết lý trí là gì. May mà trong tốp còn vài thanh niên trẻ ôm lấy cậu nhóc gây sự kéo ra ngoài và nói, ở đây không cắt thì chúng ta đi chỗ khác”, bác sĩ Duệ kể.
PGS Phạm Duệ cho biết, đối với các bác sĩ TTCĐ thì việc cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu cũng đã thành như cơm bữa, việc điều trị đã có phác đồ với sự trợ giúp của nhiều phương tiện hiện đại, đối với những ca không quá nặng thì bác sĩ có thể cứu sống rồi ổn định sức khỏe cho bênh nhân. Tuy nhiên, trường hợp ngộ độc nặng dẫn đến tử vong cũng không hiếm.
Rượu bia không chỉ gây ra những tác hại dễ thấy mà chúng ta thường gặp như: Say rượu gây nôn mửa, rối loạn ý thức, rối loạn hành vi, mất kiểm soát bản thân,dẫn đến gây gổ, đâm chém nhau tại quán rượu hoặc ngoài đường, lái xe mất kiểm soát gây tai nạn giao thông đâm chết người, bẹp xe…. Đó là các tác hại của ngộ độc rượu cấp mà chúng ta quen gọi là say rượu.
Còn đối với bệnh nhân uống nhiều rượu, nghiện rượu kéo dài, rượu gây nhiều bệnh mạn tính mà điển hình là xơ gan cổ chướng do rượu: Sau một trận rượu bia say khướt, bệnh nhân bị viêm gan nhiễm độc rượu, hàng loạt tế bào gan bị phá hủy, các enzym (men) gan bị tăng cao trong máu. Viêm gan rượu tái lại và dẫn đến xơ gan cổ chướng do rượu: bệnh nhân thường gầy còm, da xạm hoặc vàng bủng, bụng to chướng căng như cái trống. Gan to và chắc, siêu âm thường mô tả là nhu mô không đều, tăng sáng (nhiễm mỡ…). Những bệnh nhân này sau đó đều có khả năng tử vong vì hôn mê gan hoặc ung thư gan.
Không những thế, rượu còn gây ra các bệnh lý thần kinh, tâm thần mà y học gọi là bệnh não do rượu. Bệnh nhân hoàn toàn phụ thuộc vào rượu, không còn quan tâm đến gì khác:, nhớ nhớ quên quên, bỏ bê gia đình, công việc, suốt ngày chỉ nghĩ đến rượu, tìm mọi cách để có rượu kể cả lừa đảo, vay nợ xin xỏ và đánh vợ đòi tiền mua rượu. Đến giai đoạn đó thì khi say rượu hay khi hết tiền không có rượu uống đều gây nên chứng hoang tưởng ảo giác, sảng rượu. Chính vì thế mới có những câu chuyện của Chí Phèo. Những người nghiện rượu thường trở thành những kẻ vũ phu đánh vợ chửi con. Những gia đình có người nghiện rượu đều sa sút cả về kinh tế, băng hoại về đạo đức, con cái ít được học hành đến nơi đến chốn.
Đặc biệt, kinh hoàng là vụ tai nạn giao thông do say rượu mà vẫn lái xe. Mới đây nhất, một người phụ nữ ở TP.HCM lái xe sau khi uống rượu đã tông vào hàng loạt xe máy tại Ngã tư Hàng Xanh khiến nhiều nạn nhân tử vong tại chỗ và nhiều người khác bị thương. Hay những ca tai nạn giao thông do nạn nhân uống quá chén và đâm vào người khác khiến bức tranh giao thông Việt Nam càng trở nên thảm hoạ hơn.
Bộ Y tế đưa ra dự thảo Luật Phòng chống tác hại bia rượu và thời gian qua trên truyền thông có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, theo PGS Duệ, tác hại của bia rượu thì ai cũng nhìn rõ nhất là những người làm trong ngành y tế thì càng thấy nó khủng khiếp như thế nào.
Có ý kiến cho rằng không nên gọi là “Luật phòng chống tác hại của rượu bia” vì nghe kinh khủng quá, nên đổi thành “Luật kiểm soát bia rượu và đồ uống có cồn”. Tuy nhiên, PGS Phạm Duệ cho rằng, về mặt từ ngữ thì phòng chống tác hại là mục tiêu rõ ràng cụ thể; đổi cụm từ “phòng chống rượu bia” thành 2 từ “kiểm soát rượu bia” là trừu tượng hoá mục tiêu, làm cho luật có thể hiểu nhiều cách khác nhau dễ dẫn đến vì lợi ích nhóm mà người kiểm soát và người bị kiểm soát lại lách luật và làm vô hiệu hoá luật. Trước mắt là việc tranh luận về phòng chống tác hại hay kiểm soát rượu bia làm lãng phí thời gian có thể dẫn đến trì hoãn thông qua luật. Thay vào đó, các đại biểu nên tập trung vào thảo luận các điều luật chi tiết để bảo đảm không phòng chống rượu bia mà chỉ phòng chống tác hại của rượu bia, và hình thành văn hóa đẹp trong sử dụng rượu bia.
PGS Phạm Duệ cho rằng, cần phải nói rõ Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn, vì đồ uống có cồn cũng có thể có hại cho sức khoẻ nếu lạm dụng.
Ngoài ra, PGS Duệ cho rằng, nhà nước cần mở rộng thêm đồ uống có cồn vào tên luật để sau này người ta đừng lợi dụng đồ uống có cồn để lạm dụng. Ví dụ, nếu có qui định không bán rượu bia sau 10 giờ đêm chẳng hạn, người ta sẽ bán đồ uống có cồn vì không bị cấm và lúc đó không xử phạt được.
Theo Infonet