Sự trỗi dậy của quân đội Nhật có thể dẫn đến xung đột
Sự quyết đoán của quân đội Nhật Bản có thể giúp ổn định tình hình an ninh châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cũng kéo theo nguy cơ xung đột vũ trang với Trung Quốc.
Theo National Interest, lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang bị giới hạn hoạt động theo Điều 9 trong Hiến pháp nước này kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tuy nhiên, từ khi Thủ tướng Shinzo Abe lên nắm quyền điều hành đất nước năm 2006, ông đã có những bước đi cụ thể nhằm mở rộng năng lực quân đội xứ sở mặt trời mọc. Ngày 14/5, nội các Nhật Bản thông qua 2 dự luật quốc phòng quan trọng cho phép lực lượng Phòng vệ nước này thực hiện các hoạt động rộng hơn cũng như thực thi quyền tự vệ tập thể. Quyết định này báo hiệu bước tiến lớn của quân đội trong các nhiệm vụ quốc phòng bên ngoài lãnh thổ. Giới phân tích nhận định, Tokyo có lý do để cải thiện chính sách quân sự sau nhiều thập kỷ thụ động ở các nhiệm vụ trong nước. Nhật Bản đang đối mặt với một loạt mối đe dọa nghiêm trọng đòi hỏi những phản ứng quân sự mang tính chủ động. Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục gây căng thẳng với Nhật liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Bên cạnh đó, thái độ hiếu chiến của Triều Tiên cùng tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng tạo nên mối đe dọa lâu dài với Tokyo. Ngoài ra, châu Á – Thái Bình Dương đang đối mặt với một loạt thách thức an ninh mới. Tín hiệu tốt với Mỹ
Dự luật mới của Nhật được thông qua không lâu sau khi Tokyo và Washington thống nhất tăng cường hợp tác quốc phòng song phương theo chiều hướng sâu rộng hơn. Theo Hiệp ước an ninh Mỹ – Nhật ký kết năm 1951, Washington có trách nhiệm bảo vệ Tokyo trước các mối đe dọa từ bên ngoài. Điều đó đã tạo nên gánh nặng cho Mỹ trong nhiều thập kỷ. Với Washington, quân đội Nhật tích cực hơn là tín hiệu đáng mừng cho kế hoạch tái cân bằng châu Á – Thái Bình Dương. Tuần trước, Đô đốc Katsutoshi Kawano, Tham mưu trưởng lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) cho biết, Tokyo đang xem xét kế hoạch tham gia lực lượng tuần tra chung với Mỹ trên Biển Đông. Đánh giá về dự luật quốc phòng mới của Nhật, giáo sư David Lai, thuộc Viện nghiên cứu chiến lược tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ nhận định, sự tham gia của quân đội Nhật Bản trong các vấn đề ở châu Á cùng với Mỹ sẽ gia tăng sức mạnh răn đe Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ phải lo lắng nhiều hơn về quân đội Nhật thay vì chỉ tập trung vào Hải quân Mỹ như hiện nay. Tokyo có thực lực kinh tế, chính trị, quân sự mạnh, tạo nên tiếng nói quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề an ninh, đặc biệt là tranh chấp chủ quyền trên biển. Những lo ngại
Nhật xét về dự luật mới của Tokyo, Noah Lingwall, nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu Chiến lược Quốc tế IISS cho rằng, quân đội Nhật chủ động hơn sẽ tạo ra những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt. Thủ tướng Abe đang theo đuổi học thuyết “hòa bình tích cực”, nhưng dự luật quốc phòng mới sẽ cho phép Tokyo tăng cường quan hệ quân sự với các nước trong khu vực nhằm thoát khỏi “cái ô bảo vệ” của Mỹ. Đối với Mỹ, quân đội Nhật mạnh hơn cũng tạo cho họ nhiều mối lo ngại, đặc biệt là khả năng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tokyo. Theo một quan chức cao cấp của Nhật Bản, nước này đủ khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân từ nhiều năm trước. Giải quyết bài toán tham vọng hạt nhân nếu có của Nhật sẽ là vấn đề nan giải đối với Mỹ. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, khả năng này rất thấp, trừ khi có biến cố quá lớn mà Washington không thể đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ cho Tokyo. Giáo sư David Lai cho rằng, nguy cơ lớn nhất đối với sự trỗi dậy của quân đội Nhật là Trung Quốc. Hai nước vốn có những căng thẳng trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Dự luật quốc phòng mới sẽ cho phép quân đội Nhật chủ động hơn trong các vấn đề an ninh quốc gia. Khi lực lượng quân sự Trung Quốc và Nhật Bản gia tăng nhiều hoạt động hơn ở vùng biển tranh chấp có thể dẫn đến nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang, giáo sư David Lai nhận định. Liên minh Mỹ – Nhật mạnh hơn sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định tình hình an ninh châu Á – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, nguy cơ gây mất ổn định, thậm chí có thể dẫn đến xung đột quân sự cũng là mặt trái không thể loại trừ từ liên minh quân sự này, giáo sư Lai kết luận. Quốc Việt |
Theo Zing