Sản phụ tử vong sau khi sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống
Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Yên Bái báo cáo trường hợp của sản phụ Trần Thị Bích Lai, 28 tuổi, trú tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, đã tử vong khi sinh tại Trung tâm Y tế huyện Lục Yên (Yên Bái) bằng phương pháp gây tê tủy sống.
Sản phụ tử vong sau khi sinh mổ bằng phương pháp gây tê tủy sống
Trước đó, vào chiều 28/6, thai phụ Trần Thị Bích Lai có dấu hiệu chuyển dạ khi thai được 39 tuần, được gia đình đưa đến Trung tâm Y tế huyện Lục Yên để sinh đẻ.
Do trước đó bệnh nhân đã từng mổ lấy thai do xương chậu hẹp nên lần này, các bác sĩ tiếp tục chỉ định mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống. Đến 20h30 cùng ngày, bác sĩ mổ bắt thai, bé gái nặng 2,7kg chào đời khỏe mạnh.
Tuy nhiên sau mổ khoảng 1 giờ, sản phụ có triệu chứng khó thở, nôn ra bọt màu hồng, chân tay tê, huyết áp 90/40, mạch trên 100 lần. Sau khi cấp cứu và hội chẩn ngay tại phòng mổ, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cấp cứu.
Đến 1h15, ngày 29/6. Dù các bác sĩ cấp cứu tích cực theo phác đồ, nhưng bệnh nhân được chẩn đoán đã tử vong trên đường.
Nhận được thông tin, Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Yên Bái yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Lục Yên nhanh chóng báo cáo sự việc và thực hiện thăm hỏi động viên gia đình nạn nhân. Mặt khác, xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân nếu có sai phạm về chuyên môn, tinh thần, thái độ và đạo đức nghề nghiệp; có kế hoạch đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn về sản khoa cho đội ngũ cán bộ y tế tuyến huyện.
Tạm thời, Trung tâm Y tế huyện Lục Yên đã tạm ngưng các kĩ thuật có sử dụng phương pháp gây tê tuỷ sống. Các trường hợp bệnh nhân nếu phải áp dụng phương pháp này sẽ được gửi lên tuyến trên.
Video: Hệ lụy khủng khiếp từ phương pháp gây tê tủy sống khi đẻ mổ. (Nguồn: Mẹo vặt sức khỏe)
Đầu tháng 6 vừa qua, Bộ Y tế cũng đã có văn bản yêu cầu các đơn vị y tế trên cả nước có triển khai phẫu thuật lấy thai (trong và ngoài công lập) không được sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có nguy cơ dẫn đến tai biến như tắc mạch ối, ngừng tim, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Tuy nhiên tại các địa phương vẫn xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa, tử vong mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau phẫu thuật mổ lấy thai bằng phương pháp gây tê tủy sống.
Cụ thể, các trường hợp sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật.
Trước đó, cũng một vụ tử vong do sử dụng phương pháp gây tê bằng tủy sống. Cụ thể vào tháng 9/2018 tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Liêm (Hà Nam) đã thực hiện ca đỡ đẻ cho thai phụ Cao Thị T, 29 tuổi. Do thai nhi được bác sĩ dự đoán to 3,4kg nên bác sĩ chỉ định đẻ mổ.
Thai phụ được gây tê tủy sống để mổ lấy thai. Vừa gây tê thì bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu nghi sốc phản vệ. Toàn bộ ê kíp y bác sĩ tập trung cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ, nhưng tình trạng sản phụ chuyển biến xấu nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam. Tuy nhiên cả mẹ và con cuối cùng không thể cứu được.
Qua những sự việc đáng tiếc trên cho thấy, không chỉ là kỹ thuật gây tê tủy sống khi mổ lấy thai, thời gian qua, vấn đề trình độ đỡ đẻ, xử trí trong sản khoa của các nhân viên y tế còn nhiều vấn đề tồn tại khiến dư luận hoang mang.
Gần đây nhất là vụ việc tại BV Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh khi nhân viên y tế thăm khám cho sản phụ. Bệnh viện khai là không hề biết thai nhi đã tử vong, vẫn báo cáo thai khỏe mạnh, chờ sinh thường khiến xảy ra vụ việc đau lòng, thai nhi tử vong với vết đứt dài trên cổ.
Anh Thư (t/h)