Rồng Komodo – sinh vật ‘còn sót lại’ từ thời tiền sử
Là loài thằn lằn lớn nhất thế giới còn tồn tại trên trái đất, rồng Komodo vừa khiến con người sợ hãi nhưng lại kích thích trí tò mò tột độ về cuộc sống và hành vi của loài bò sát khổng lồ này.||
Tính tới thời điểm hiện tại, môi trường sống tự nhiên duy nhất của rồng Komodo là các quần đảo của đất nước nhiệt đới Indonesia. Dù sở hữu kích thước to lớn nhưng rồng Komodo thực sự là bậc thầy trong việc săn mồi, với khả năng di chuyển nhanh nhạy trên mặt đất, bơi lặn linh hoạt dưới nước và khả năng trèo cây thoăn thoắt giống với họ hàng nhỏ bé của nó.
Trong quá trình săn mồi trên mặt đất, rồng Komodo có thể chạy với vận tốc 20km/h để đuổi theo nạn nhân của nó. Loài này cũng sở hữu khả năng lặn sâu tới 5m để truy tìm những con cá dưới biển. Khả năng bơi hoàn hảo cho phép rồng Komodo di chuyển từ đảo này sang đảo khác để tìm cuộc sống sung túc hơn. Trên thực tế, rồng Komodo được phát hiện nhiều nhất trên đảo Komodo, Indonesia. Chính vì lẽ đó, loài rồng này được đặt theo tên hòn đảo nảy. Các nhà khoa học tin rằng, rồng Komodo có quan hệ mật thiết với loài khủng long đã tuyệt chủng cách đây hàng chục triệu năm. Dù là loài động vật “còn sót lại” từ thời tiền sử nhưng hiện tại, sự tồn tại của rồng Komodo đang bị đe dọa nghiêm trọng. Theo dõi nghiêm ngặt quá trình sống của khoảng 3.500 con rồng Komodo trên khắp lãnh thổ Indonesia cho thấy, loài bò sát khổng lồ này có thực đơn vô cùng phong phú, từ ăn thịt từ trâu, bò, lợn rừng… tới những loại công trùng nhỏ bé. Thậm chí, khi đói, rồng Komodo có thể tấn công và ăn thịt cả đồng loại của mình.
Dù đang ở sát mép vực tuyệt chủng nhưng kẻ thù duy nhất của rồng Komodo trong tự nhiên lại là đồng loại của nó. Những con to lớn luôn tìm cách ăn thịt những con bé hơn. Thậm chí, chúng sẽ sát hại những con có kích cỡ ngang bằng nếu có cơ hội. Trên thực tế, sức mạnh không phải là yếu tố duy nhất giúp rồng Komodo hạ gục con mồi. Dù sở hữu bộ hàm khỏe cùng với các răng sắc nhưng chính nước bọt của rồng Komodo là vũ khí lợi hại nhất mà loài này sở hữu. Không chỉ độc, nước rãi của rồng Komodo rất dồi dào và nhiều vi khuẩn nguy hiểm, khiến nạn nhân của nó chết vì nhiễm trùng không lâu sau khi bị cắn. Tuy được coi là nhanh nhẹn nhưng rồng Komodo khó lòng đuổi kịp các nạn nhân của nó. Thế nhưng, không một con mồi nào có khả năng thoát được loài bò sát khổng lồ này bởi khứu giác cực nhạy trên chiếc đầu lưỡi chẻ cho phép rồng Komodo đánh hơi cực tốt. Nó có thể đánh hơi được xác chết của con mồi ở khoảng cách 10km và điềm tĩnh mò tới ăn thịt.
Trên thực tế, thức ăn của rồng Komodo chủ yếu là thịt các loại động vật đang trong thời gian phân hủy. Chính vì lẽ đó, những con mồi của loài này thường bốc mùi nồng nặc khi chúng tới dùng bữa. Không chỉ là món khoái khẩu, những thức ăn bốc mùi này giúp mài dũa thứ vũ khí săn mồi đáng sợ nhất của rồng Komodo, đó là nước rãi. Dù nước bọt của rồng Komodo được coi là “kịch độc” nhưng loài vật khổng lồ này lại có khả năng đặc biệt nhằm miễn dịch với những phát cắn của đồng loại. Sở dĩ, rồng Komodo có khả năng này bởi quá trình chọn lọc tự nhiên trải dài hàng chục triệu năm năm qua. Nó cho phép những con rồng đực thua cuộc đảm bảo tính mạng sau mỗi trận đấu kịch liệt tranh giành bạn tình. Với trọng lượng cơ thể lên tới 1,6 tạ khi đạt chiều dài cơ thể 2 – 3m, rồng Komodo có khả năng ngốn hết lượng thức ăn tương đương 80% trọng lượng cơ thể của chính nó. Bộ máy tiêu hóa khủng của loài bò sát này cho phép nó hấp thụ dinh dưỡng từ xương các loài động vật to lớn như trâu, bò hay lợn rừng. Bộ hàm khỏe cùng các răng sắc nhọn là điều kiện quan trọng giúp rồng Komodo nghiền nát xương con mồi.
Do thuộc loài động vật máu lạnh nên rồng Komodo có quá trình trao đổi chất khá chậm. Khi gặp nguy hiểm lúc ăn quá no, loài rồng Komodo có thể nôn ngược thức ăn trong dạ dày để dễ dàng lẩn trốn. Do sống tự lập ngay sau khi nở, rồng Komodo con là nguồn thức ăn của những con vật trưởng thành. Thịt đồng loại chiếm tới 10% chế độ ăn của rồng Komodo. Do môi trường sống tự nhiên của rồng Komodo ngày càng thu hẹp, chúng dễ dàng tiến hành các vụ tấn công người bởi nhầm lẫn. Rồng Komodo cũng thường xuyên mò tới các làng mạc để săn gia súc mà con người chăn nuôi. Chính vì lẽ đó, rồng Komodo có thể phải trả giá bằng tính mạng của mình vì đụng độ với con người. Trịnh Duy Theo Infonet |