Quốc hội quyết định tăng mức lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng
Chiều ngày 12/11, tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 8, khoảng 93,37% đại biểu đã tán thành việc tăng mức lương cơ sở, được Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Theo đó, Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo quy định và trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Thời điểm thực hiện tăng lương cơ sở sẽ bắt đầu từ 01/7/2020.
Được biết, tổng số thu ngân sách nhà nước là 1,5 triệu tỉ đồng và tổng chi ngân sách là 1,7 triệu tỉ đồng.
Như vậy, mức bội chi ngân sách nhà nước là 234.000 tỉ đồng, tương đương 3,44% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 217.800 tỉ đồng, tương đương 3,2% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 17.000 tỉ đồng, tương đương 0,24% GDP.
Quốc hội cũng đồng ý tổng mức vay của ngân sách nhà nước là 488,921.352 nghìn tỉ đồng trong năm sau.
Ngoài ra, Quốc hội cũng điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 cho một số chương trình mục tiêu quốc gia, giảm nghèo bền vững, các nguồn vốn viện trợ…
Đồng thời, từ năm 2019 dành 40% tăng thu thực hiện của ngân sách trung ương và 70% tăng thu thực hiện so với dự toán của ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương trong năm 2020 và tích lũy cho giai đoạn 2021-2025.
Quốc hội cũng cho viết, năm 2020 sẽ là năm cuối cùng áp dụng lương cơ sở. Theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW, từ năm 2021, hệ số lương và mức lương cơ sở sẽ được thay thế bằng 05 bảng lương mới dành cho cán bộ, công chức, viên chức.
Về đề xuất của Chính phủ, đa số các ý kiến của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đều tán thành với việc điều chỉnh lương này. Bên cạnh đó, một số ý kiến khác cho rằng cần phải cân nhắc về đề xuất, tăng lương cơ sở có thể dẫn tới tình trạng ngân sách của Nhà nước mang tính chất chi tiêu cho tiêu dùng nhiều hơn là đầu tư để phát triển.
Để việc tăng lương cơ sở theo đúng quy định, Quốc hội cũng đưa ra những phương hướng cụ thể:
– Chính phủ cần điều hành chính sách tài chính chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ nhằm tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách.
– Rà soát lại tất cả các khoản phụ cấp, thu nhập khi tăng mức lương cơ sở theo quy định của Pháp luật, để đảm bảo phù hợp với từng ngành nghề, lĩnh vực.
– Chính phủ cần xác định vị trí việc làm, tính chất đặc thù của nghề nghiệp để có nền tảng trong việc thực hiện cải cách tiền lương năm 2021 theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW.
– Các ban ngành, các cấp cần chú trọng và tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, có biện pháp rõ ràng, thực chất và hiệu quả hơn.
– Tập trung kiểm tra lại công tác quản lý thu ngân sách nhà nước; cơ cấu lại các khoản thu, sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết cho đầu tư phát triển, điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, kiểm soát chặt chẽ bội chi…
Hà My (t/h)